Vĩnh Phúc đột phá từ công nghiệp hỗ trợ

TP - Tại Vĩnh Phúc, công nghiệp hỗ trợ luôn được tỉnh xác định là một trong những khâu đột phá để nâng cao giá trị gia tăng và tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp hỗ trợ của Vĩnh Phúc sẽ trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.
Công nghiệp hỗ trợ được Vĩnh Phúc xác định là khâu đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bền vững

Động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực

Theo số liệu từ Sở Công Thương Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách nhà nước mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực phát triển.

Mặc dù vậy, tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có. Để khơi thông các điểm nghẽn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 23 về Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ngành công nghiệp hỗ trợ của Vĩnh Phúc trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, ngân sách tỉnh và các nguồn huy động xã hội hóa sẽ tập trung hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện. 

 Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất, xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm; hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ từ 50 - 100% cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu…

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục chú trọng công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, ngoài thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, đã và đang hướng đến một số nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hoa Kỳ, Thụy Điển, Italia… với danh mục dự án kêu gọi đầu tư được xây dựng có chọn lọc, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vay đầu tư dài hạn với lãi suất thấp nhằm đầu tư ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất; quan tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

Phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp

 Cùng với sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn chú trọng đến công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp, nhằm xây dựng tổ chức cơ sở đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Không chỉ với doanh nghiệp trong nước, loại hình doanh nghiệp FDI cũng chú trọng trong công tác xây dựng Đảng. Điển hình như Công ty cổ phần Prime Group, với 100% vốn nước ngoài trở thành một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên của Vĩnh Phúc thành lập tổ chức đảng. Hiện đảng bộ công ty đã có 10 chi bộ trực thuộc, với 260 đảng viên.

Thực hiện Kết luận số 80 của Ban Bí thư Trung ương khóa X, Chỉ thị số 07 của Bộ Chính trị khóa VIII và Nghị định 98 của Chính phủ, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển các tổ chức đảng và đoàn thể. Hiện trên toàn tỉnh có gần 11.300 doanh nghiệp và đến nay đã có gần 130 tổ chức cơ sở đảng thuộc các loại hình doanh nghiệp, trong đó có 76 chi, đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh với trên 3.500 đảng viên.

 Theo đánh giá của Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp đã lãnh đạo đảng viên và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền vận động thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa cấp ủy, tổ chức đoàn thể và ban lãnh đạo doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên đã thực hiện tốt Quy định số 15 của Trung ương về đảng viên làm kinh tế tư nhân.

 Để đạt mục tiêu mỗi năm phát triển từ 3 tổ chức cơ sở đảng trở lên và kết nạp trên 200 đảng viên mới trong các doanh nghiệp, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ doanh nghiệp, người lao động về vai trò của tổ chức đảng; sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng đối với các đoàn thể trong doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, trước hết là bí thư cấp ủy trong doanh nghiệp có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu, có uy tín và phát huy được vai trò lãnh đạo trong tổ chức đảng.

Nhiều khu công nghiệp của Vĩnh Phúc được đầu tư đồng bộ, thu hút nhà đầu tư đến từ nhiều nước trên thế giới
Giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động

 Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 207 của HĐND tỉnh, Vĩnh Phúc đã giải quyết tốt bài toán việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 1.650 lao động và 232 người truyền nghề là các nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh được hưởng chính sách với tổng kinh phí hỗ trợ trên 7,6 tỷ đồng. Trong đó có 7 ngành, nghề được hỗ trợ gồm: Mây tre đan, thêu ren, chế tác đá, rèn, nuôi rắn, nghề mộc và sinh vật cảnh.

Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh được các nhà trường chú trọng, làm thay đổi nhận thức của người lao động về định hướng nghề nghiệp, góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 100.215 lao động, trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 91.780 lao động, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 8.435 người. Đặc biệt, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tăng lên tại các thị trường có thu nhập cao, có cơ hội học tập tay nghề, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ như thị trường Nhật Bản, chiếm khoảng 50% tổng số lao động xuất cảnh.

 Bên cạnh vấn đề việc làm, thực hiện Nghị quyết 66 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 9104 thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo thường xuyên phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức đối thoại chính sách với người dân, người nghèo tại các xã khó khăn, xa trung tâm của tỉnh. Từ khi triển khai Nghị quyết đến nay, toàn tỉnh đã có 178.000 lượt hộ nghèo, hộ đã thoát nghèo được sử dụng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất và tạo điều kiện cho con em đi học. Doanh số cho vay hiện đạt trên 1.100 tỷ đồng với hơn 56.227 lượt khách hàng vay vốn.

 Cùng với đó, ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thuộc xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo và xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Trong 4 năm, toàn tỉnh có 174.787 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với tổng kinh phí trên 120.500 tỷ đồng. Nhờ thực hiện hiệu quả chế độ chính sách cho người nghèo, giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 1,0-1,5%/năm; đến hết năm 2019, tỷ lệ này giảm còn 1,46%. 

Để Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tới đây diễn ra thành công tốt đẹp, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền cổ động, nhằm tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của Đại hội; góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng Đại hội. Cùng với đó, thành phố Vĩnh Yên cũng được yêu cầu tiếp tục công tác chỉnh trang đô thị, chuẩn bị khánh thành, khởi công xây dựng một số công trình chào mừng Đại hội. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đang khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.