Vĩnh biệt 'Nhà Kim Dung học' ở Việt Nam

TP - Có lần mấy anh em văn nghệ ngồi với nhau, khi tranh luận về Vũ Đức Sao Biển, có người đã hỏi: “Vũ Đức Sao biển là ai? Một ông lão miền Tây ôm mối hoài cổ với những ca khúc mang âm hưởng của Dạ cổ hoài lang? Một nhà nghiên cứu với những tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung để được gọi là nhà “Kim Dung học” hay là một nhà văn viết châm biếm có tên tuổi là Đồ Bì?”.
Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển

1. Đến với Bạc Liêu năm 22 tuổi, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển lần đầu tiên được tiếp xúc với đời sống văn hoá của người miền Tây và rồi cách sống hồn nhiên, chất phác của vùng đất khai khẩn cùng những buổi đàn hát, xướng ca với những nghệ nhân đã giúp cho chàng nhạc sỹ trẻ mau chóng hoà nhập cuộc sống nơi vùng đất mới. Rồi một lần tình cờ được gặp và trò chuyện với nhạc sỹ Cao Văn Lầu - Cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang, ông mới hiểu được vì sao bản nhạc này lại có sức sống mãnh liệt với người miền Tây đến thế. Từ đó, ông bắt đầu  nghiên cứu bản nhạc bất hủ này, rồi từ chính những nghiên cứu này đã ảnh hưởng tới Vũ Đức Sao Biển nên những nhạc phẩm sau này của ông đều chịu ảnh hưởng của Dạ cổ hoài lang. Vì thế, khi nghe các nhạc phẩm của Vũ Đức Sao Biển, nhiều người nghĩ ông là dân Nam Bộ chính gốc. Nhưng khi gặp ông nhiều người mới “ngã ngửa” khi ông vẫn giữ nguyên “Chất Quảng Nam rặt” từ giọng nói tới tính cách. Bao năm thả hồn với Dạ cổ hoài lang chỉ khiến ông thay đổi trong những sáng tác âm nhạc. 

2. Khi đọc những tác phẩm nghiên cứu về các cuốn sách Kiếm hiệp của Kim Dung, nhiều người lại thêm sững sờ khi ông đã có một…gương mặt khác. Vũ Đức Sao Biển kể từ những năm 60 thế kỷ trước, ông đã yêu các tác phẩm của Kim Dung. Ông đã đọc hết các tác phẩm của Kim Dung xuất bản tại Sài Gòn rồi khi đi biệt xứ ở Bạc Liêu, ông đã mua đủ các bộ sách của Kim Dung với ý định sẽ làm luận án cao học với đề tài Tư trưởng triết học Đông phương qua tác phẩm Kim Dung. Nhưng bộ sách ông mua đã có một số sai sót đáng tiếc và Vũ Đức Sao Biển phải tự mình chỉnh sửa. Từ những công sức đi tìm hiểu và chỉnh sửa, Vũ Đức Sao Biển đã trở thành người am tường về Kim Dung để trở thành người chuyên viết bài phê bình. 
Những cuốn sách khảo cứu của Vũ Đức Sao Biển như Kiều Phong - Khát vọng của tự do, Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, Thanh kiếm và cây đàn, Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo, Nhân vật Kim Dung nhìn qua lăng kính pháp luật… đã được bạn đọc ủng hộ mạnh mẽ. Rồi ông được mời đi nói chuyện về Kim Dung rất nhiều nơi tại Việt Nam để được gọi là “Nhà Kim Dung học” ở Việt Nam.   

3. Ít ai biết Vũ Đức Sao Biển chính là nhà văn chuyên viết chuyện châm biếm có tên Đồ Bì. Dưới những bài châm biếm dùng thủ pháp mượn thể loại văn tế xa xưa để châm chích những thói hư tật xấu của con người hay phản ánh những góc cạnh của cuộc sống, lời văn thường nhẹ nhàng, thâm thúy nhưng khiến người đọc phải ngẫm nghĩ và đôi khi phải bật cười. Ông đã xuất bản hàng chục cuốn sách châm biếm trào phúng như Bản báo cáo biết bay, Vạn tuế đàn ông, Thỏ thẻ cùng hoa hậu, Ba đời ham vui, Chuyện dây cà kéo ra dây muống… Nhà thơ Hồ Thi Ca đã từng nhận xét: “Đọc những bài văn tế biền ngẫu có cách tân của Đồ Bì tôi cứ nghĩ tác giả là một ông già khăn đóng áo the mặt mũi đăm đăm khó tính…Nhưng khi vỡ lẽ, tôi lại không hiểu được vì đâu một ông giáo, một nhạc sĩ tình ca lại có thể viết văn biền ngẫu, đối từ đối câu đối ý chan chát như sấm sét vậy. Những tư duy thể loại trái ngược nhau sao lại có thể “chung sống hòa bình” trong não bộ một con người?”
.... Nhưng khi tiếp xúc với Vũ Đức Sao Biển, người ta mới nhận thấy sự khác biệt. Ông vẫn giữ nguyên phong cách nói chuyện theo kiểu các nhà thơ xứ Quảng rất văn vẻ. Cũng đúng thôi bởi năm 21 tuổi, ông đã có ca khúc để đời Thu hát cho người. Một bài tình ca đậm chất thơ và sự lãng mạn với  “Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người. Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi. Mùa vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi. Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người....”. Và ít người biết những ca khúc rất hay Sông Thu ngày ấy, Rượu hồng đào, Tam Kỳ tươi đẹp, Huyền thoại Ngũ Hành Sơn, Phố Hoài, Ngàn năm Mỹ Sơn, Cảm xúc Đà Nẵng, Nhớ Quảng Nam...  thấm đẫm sự yêu thương, nhớ nhung về xứ Quảng cũng chính là của Vũ Đức Sao Biển. 

Dù trong nghiệp viết và sáng tác nhạc, ông xuất hiện với nhiều gương mặt khác nhau, nhưng với cuộc sống, ông vẫn là một thi sĩ: Sống, yêu và tôn vinh với cái đẹp của cuộc đời. Điều đó đã giúp ông làm đẹp cho đời dù với gương mặt nào mà ông thể hiện.

Nhà văn, Nhà nghiên cứu, Nhà báo, Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển qua đời vào tối 6/5 tại nhà riêng, hưởng thọ 74 tuổi. Tang lễ ông được tổ chức tại nhà riêng với Lễ nhập quan  vào 13 giờ ngày 7/5, Lễ viếng từ 15 giờ cùng ngày. 6g30 ngày 10/5, linh cữu sẽ được di quan và an táng tại Hoa viên Nghĩa trang thuộc tỉnh Bình Dương.