> GS Ngô Bảo Châu bắt đầu giảng bài tại Viện Toán
Một tác phẩm khởi nguồn từ tình bạn
Cả hai tác giả của “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình”, Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn, đều từ chối việc gắn mác “tác phẩm văn học” cho cuốn sách.
Thậm chí, Ngô Bảo Châu còn thẳng thắn chia sẻ lý do trước hết để anh có ý tưởng viết cuốn sách này là vì tình bạn với anh Nguyễn Phương Văn chứ không phải vì toán học.
Nhưng tình bạn chỉ là mạch khởi nguồn. Còn trong quá trình từ thai nghén đến khi bắt tay vào viết tác phẩm, niềm đau đáu của Ngô Bảo Châu là chuyển tải ngôn ngữ toán học đến được với các bạn trẻ, qua đó phô diễn được vẻ đẹp của nó.
“Với những người làm nghiên cứu, quá trình miệt mài lao động là con đường dẫn họ đi từ những điều chưa hiểu rõ và phức tạp đến cái đơn giản, dễ hiểu. Nhưng với những nhà sư phạm, để giúp mọi người hiểu vấn đề mà mình thấy rất sáng rõ là việc làm hết sức khó khăn. Tôi là nhà toán học, đồng thời là một giảng viên. Vì vậy điều mà tôi vẫn trăn trở là làm thế nào để chia sẻ với mọi người vẻ đẹp của toán học!”, Ngô Bảo Châu cho biết.
Theo GS Ngô Bảo Châu, để làm được điều này, anh cần một ai đó làm “chuột bạch” và anh Phương Văn là người bạn lý tưởng để đóng vai trò đó. Ngô Bảo Châu giải thích: “Tôi nói gì người đó hiểu thì mới hy vọng người khác hiểu”.
Vì vậy, thoạt tiên cuốn sách bắt đầu bằng cách anh Châu trò chuyện với anh Văn và anh Văn viết lại theo cách hiểu của mình và cuối cùng là cả hai cùng tham gia chỉnh sửa, hoàn thiện. Mấy chương đầu làm kỹ và lâu đến nỗi đến giờ Ngô Bảo Châu vẫn nhớ câu nào mình viết, câu nào Phương Văn viết.
Giáo dục “nhồi sọ” hiện nay giết chết sự ngây thơ
Lý do để hai tác giả cho rằng đứa con tinh thần của mình chưa đạt tới tầm của một tác phẩm văn chương bởi ngay trong quá trình viết, họ không đặt ra mục tiêu nghệ thuật nào để hướng tới, mặc dù cả hai đều yêu văn chương.
Kỹ thuật văn học chỉ được sử dụng ở cách chọn hành văn, chọn nhân vật, giới hạn tính cách nhân vật. Văn chương trong “Ai và Ky…” chỉ là môi trường tạo chỗ đứng cho toán học, cho các tác giả bộc lộ những suy tưởng triết lý…
Tại buổi giao lưu giữa các tác giả với độc giả cuốn “Ai và Ky…” (tổ chức ở Trung tâm Văn hoá Pháp, Hà Nội đêm 2-8), GS Hà Huy Khoái chia sẻ, ông có một niềm tin mãnh liệt vào sự thành công về mặt văn chương của “Ai và Ky…”.
Theo GS Khoái, điều tuyệt vời nhất mà hai tác giả đã làm được là gộp những nhà toán học sống rải rác trong nhiều thế kỷ suốt 2000 năm vào trong một không gian, thời gian chung của cuốn sách.
Để xử lý một cách khéo léo, tinh tế phi lý này, hai tác giả đã làm một thao tác đơn giản: viết theo thể loại cổ tích. Cũng chính vì chọn thể loại cổ tích mà hai tác giả đã nêu bật được cái thần trong vẻ đẹp của các nhân vật: sự ngây thơ.
“Có những vấn đề rất sâu của toán mà chỉ người ngây thơ mới nhận ra. Tôi dạy toán suốt 45 năm nay nhưng chưa một học trò nào hỏi tôi được những câu hỏi ngây thơ. Ví dụ, cho điểm A trong vòng tròn, điểm B ngoài vòng tròn, kẻ một đoạn thẳng nối A với B, K là giao điểm giữa đoạn thẳng AB với vòng tròn. Nhưng nhỡ không có giao điểm K thì sao? Không một ai thắc mắc".
Nhân ví dụ này, GS Khoái “kết tội” cách giáo dục nhồi sọ, khuôn mẫu trong nhà trường phổ thông hiện nay đã giết chết sự ngây thơ trong tâm hồn học sinh khi tìm hiểu, khám phá khoa học nói chung và toán học nói riêng.
Trong buổi giao lưu, có độc giả bày tỏ mong muốn bằng uy tín của mình GS Ngô Bảo Châu hãy góp phần vào việc phát triển, nhân rộng mô hình trường Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại. Nhưng GS Ngô Bảo Châu cho rằng, mặc dù thầy Hồ Ngọc Đại có tư tưởng giáo dục tiến bộ nhưng không phải tất cả những gì thầy Đại làm trong chương trình công nghệ giáo dục ở trường Thực nghiệm cần được nhân rộng.
GS Ngô Bảo Châu nói: “Tôi đã từng học cấp I ở trường Thực nghiệm, cấp II thì học Trưng Vương. Mỗi thời kỳ đều để lại những dấu ấn khác nhau trong quá trình hình thành nhân cách cá nhân tôi. Ấn tượng thời gian ở trường Thực nghiệm của tôi là niềm hạnh phúc được đến trường. Nhưng đó chỉ là một câu chuyện mang tính cá nhân, không thực sự có ý nghĩa gì lớn”. Về câu chuyện mô hình trường Thực nghiệm, GS Ngô Bảo Châu nhận xét là “có sự phức tạp hơn chúng ta nghĩ”. “Gần đây tôi tình cờ được đọc cuốn SGK toán lớp 2 của một nhóm tác giả thì tôi thấy có vấn đề, không chỉ là về phương pháp mà cả nội dung”, GS Châu bày tỏ.
Những câu hỏi GS Ngô Bảo Châu không thể trả lời
Nhiều câu hỏi được gửi đến GS Ngô Bảo Châu trong buổi giao lưu về cuốn sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình và anh đã không hoặc tránh trả lời vài câu, mỗi lần là một lý do riêng.
Trong buổi giao lưu có không ít câu hỏi thuộc dạng “lạ”. “Làm thế nào để dạy con tốt?”, “Làm thế nào để giỏi toán?” “Làm sao đây? Con tôi đọc Ai và Ky và không hiểu gì cả?”, “Tôi mong có cuốn cổ tích toán học dễ đọc hơn Ai và Ky”.
Ngô Bảo Châu nói, anh mong đợi câu hỏi về các nhân vật trong cuốn sách mà anh cùng người bạn Nguyễn Phương Văn đã gửi gắm nhiều thông điệp, mà chẳng thấy đâu.
Có người hỏi: “Trong thành công của GS, bao nhiêu phần trăm do giáo dục VN mang lại? GS sống, làm việc ở nhiều nước nên có điều kiện quan sát, so sánh. Vậy theo GS thì giáo dục VN đang ở vị trí nào so với thế giới?” Tác giả đáp: “Tôi không thích những câu hỏi đo đếm. Trẻ con không đo đếm như người lớn chúng ta. Đây là một sự kiện giới thiệu sách, lại là sách cho trẻ con, thì nên nói về những điều trẻ con thích nghe chứ không phải là nói về phần trăm. Tôi chỉ nói về phần trăm tại cuộc họp ở cơ quan tôi”.
Ngô Bảo Châu trong mắt mọi người là một học trò giỏi, người thầy giỏi, một thành công của nền giáo dục (không chỉ của Việt Nam) thành thử nhiều người có tâm lý: Cái gì cũng hỏi GS Châu. Còn Ngô Bảo Châu lại bày tỏ: “Tôi không thích là người cho lời khuyên, tôi không tự tin về vai trò làm cha của mình”.
Với nhiều câu hỏi thực dụng (chẳng hạn một em bé hỏi “Làm thế nào để học giỏi toán?”), GS Châu nói đơn giản: “Nếu em thực sự băn khoăn làm sao để giỏi toán thì em hoàn toàn có khả năng làm được”.
“Hãy dành thời gian cho con. Đừng nghĩ bỏ tiền ra cho con học trường tốt là đủ”- GS Ngô Bảo Châu nhắn với các bậc cha mẹ.