Viết nhân ngày 30/4 - Kỳ 4: Gặp Đô trưởng cảnh sát ngày ấy…

TP - Lớp 10A trường cấp 3 Nguyễn Trãi (Hà Nội) năm 1960, (địa điểm PTTH Phan Đình Phùng bây giờ) một nửa là học sinh miền Bắc, nửa là học sinh miền Nam. Ba trong số nửa Nam là Ca Lê Hiến, Kiều Xuân Long, Dương Tấn Phước học hết lớp 9 (cũ) được đặc cách thi đại học (theo diện đào tạo cán bộ nguồn cho miền Nam).
Luật sư Triệu Quốc Mạnh (trái) và tác giả.

Là người ham hoạt động xã hội nên Long làm Bí thư Đoàn đại học Tổng hợp và Ủy viên BCH Đoàn khối đoàn các trường đại học (ĐH). Được lựa chọn giữa đi học nước ngoài và sẽ đi B. Long và Hiến nghĩ đi B là cơ hội chỉ có một lần. Đi nước ngoài lúc nào chả được nên học xong hai người xung phong đi B.

Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), một tài năng thơ nổi tiếng nhất với Dáng đứng Việt Nam và trước đó là Nhớ mưa quê hương cùng với hai tài năng văn khác là Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) với Người mẹ cầm súng, Ở xã Trung Nghĩa, Khi mẹ vắng nhà và nhạc sĩ Hoàng Việt, đã nổi tiếng với Lên ngàn từ thời chống Pháp, Tình ca (khi học ở nhạc viện Hà Nội) và giao hưởng Quê hương tốt nghiệp ở Bungari. Các anh mãi mãi không trở về.

Mỗi lần tôi (trưởng ban liên lạc lớp) có việc vào, các bạn miền Nam (và miền Bắc sống ở đó) lại tụ tập ở nhà bạn cùng lớp Lê Mạnh Đức - hiệu đoàn trưởng ngày ấy, vì ông cụ bị gán tham gia Nhân văn-  Giai phẩm mà không được vào đại học, long đong lận đận, làm đủ nghề, kể cả bốc mộ, cuối cùng về hưu ở chức Phó Tổng giám đốc Tổng Cty bia, nước giải khát Sài Gòn. Chính Lê Mạnh Đức và Hoàng Lan (bạn cùng lớp tôi đã đề cập trong loạt bài Một lứa ngang trời đăng trên Tiền Phong) đã đến thắp hương cho Ca Lê Hiến và chụp ảnh gửi ra cho tôi.

Long muốn giới thiệu tôi với Triệu Quốc Mạnh (Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn đề cập kỳ trước) nhưng liên hệ mãi không hẹn được. Trong bữa cơm thân mật ở nhà Lê Mạnh Đức với các bạn đồng môn, tôi nói việc ấy. Tố Nga (bạn cùng lớp thời ấy) sốt sắng, để tớ lo. Và chị gọi rồi hẹn tôi ngay trong chiều ấy gặp anh Triệu Quốc Mạnh.

Triệu Quốc Mạnh (sinh 1941), trong một gia đình dân nghèo thành thị, cha là dân lao động thực thụ, mất vì bệnh từ 1960. Mẹ buôn thúng bán mẹt nuôi năm anh em. Lúc 8 tuổi anh chứng kiến cảnh: Việt Minh cắm cây cọc tre trên treo hai quả lựu đạn (giả) dưới lạch nước sâu ngay bên kia đường. Tên lính kín (mật) bắt anh trai Mạnh bơi sang nhổ cây cọc mang về. Anh lấy cớ không biết bơi không làm. Lập tức bị một cái tát nẩy đom đóm mắt. Hai trận hỏa hoạn năm 1952 và 1955 (khi quân Ngô Đình Diệm đánh quân Bình Xuyên) thiêu rụi nhà cửa. Hoàn cảnh ấy, cái tát ấy đưa anh đến với phong trào đòi hòa bình cơm no áo ấm, chấm dứt chiến tranh. Đến giờ anh vẫn nhớ những bài hát: Đoàn ta sát cánh cùng nhân dân, đòi dứt chiến tranh bồi thường thích đáng,  Trong cơn mê nhọc nhằn mới rạng danh thanh niên Lạc Hồng.

 

Tháng 5/1956, Mạnh được kết nạp Đoàn, nên càng hăng hái tham gia phong trào học sinh, sinh viên. Tổ chức chỉ thị phải thực hiện ý đồ luồn sâu leo cao nên đang làm ăn ở miền Tây, 1961 anh xin về Sài Gòn học đại học. Học y để còn lo nuôi vợ con. Nhưng học những 7 năm, nhà nghèo không theo được, nên anh quay sang học luật (4 năm). Tốt nghiệp Mạnh đi Bến Tre làm, tổ chức bí mật cho học sử dụng vũ khí cá nhân, cả AK47. Vẫn hoạt động công khai với danh nghĩa luật sư, thành công trong tranh tụng nhiều vụ án. Được bổ nhiệm thẩm phán. Rồi phó biện lí tòa Sơ thẩm tỉnh Gia Định (cả thảy 13 năm). Trong luật tố tụng hình sự của Pháp cũng như Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thì Biện lí là sĩ quan hình cảnh cao cấp. Anh từng ngồi ghế công tố phát biểu yêu cầu tòa án chấp nhận tuyên thệ của giám đốc Sở điều tra tình báo, điều tra hình sự Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, tuyên thệ của các trưởng phòng điều tra tình báo, điều tra hình sự nha Cảnh sát Đô thành, chỉ huy Cảnh sát Gia Định, 76 chỉ huy trưởng Cảnh sát các quận và huyện. Ngày 1/6/1966, Triệu Quốc Mạnh được kết nạp Đảng.

Hỏi Mạnh quê đâu, người bạn đồng tuế mới quen bảo, sinh ra ở đây thì chết cũng ở đây luôn! Vì sao Tố Nga biết Triệu Quốc Mạnh? Duyên do là Nga được phái vào nội đô hoạt động trí vận, cấp trên bảo đi gặp anh Mạnh. Nhớ lại kỉ niệm lần đầu gặp nhau ấy, anh cười to: - Vì hoạt động đơn tuyến nên biết chỉ huy trực tiếp mình thôi. Sau giải phóng mới biết Ban Trí vận chứ lúc ấy đâu biết gì. Anh Tám Cần bảo gặp người của mình thì gặp. Thấy một cô trẻ măng (thật ra Tố Nga chỉ kém anh một tuổi), xinh như hoa khôi sinh viên đến gặp, mặc gì nhỉ? - Bà ba đen! - Kêu là gì? - Chú xưng cháu (cả hai cùng cười).

Kiều Xuân Long chen vào giải thích: Tám Cần là bí danh ông Tạ Bá Tòng. Ông Cần là chồng sau của bà Nguyễn Thị Tú, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Sài Gòn – Gia Định (SG-GĐ), mẹ đẻ Tố Nga. Bà không ra tập kết mà ở lại hoạt động bí mật trong nội thành, hy sinh trong trận Mỹ càn vào vùng Tam giác sắt Bến Cát - Củ Chi năm 1966.

Thảo nào Tố Nga hẹn thì được ngay, Long hẹn thì bảo để xem huyết áp thế nào đã. Sau này anh bảo tôi, huyết áp rất ổn định, chẳng qua là không muốn ai hỏi lại chuyện cũ thôi.

Về Hà Nội gọi điện hỏi câu nào, anh cũng chỉ nói qua loa cho xong chuyện. Sao thế nhỉ? Liệu có gì tâm tư, ấm ức, bức xúc nào từ trong sâu thẳm? Hỏi thì anh Mạnh gạt đi: - Tôi chẳng bức xúc gì hết. Mình sống theo quan niệm mình, cốt tĩnh tâm, bình an. Không bực bội ai cũng không làm ai bực bội, không lên mạng chửi bới, ném đá ai. Tôi hạnh phúc với những gì đang có. Ngày đạp xe 10 cây số, cả giữa trưa nắng cho khỏe người, cho thanh thản.

Chợt nhớ anh từng làm: Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM, chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố, sáng lập kiêm chủ nhiệm bộ môn Luật ĐH Tổng hợp TPHCM (1990-1995), lại có 3 năm làm Trọng tài Quốc tế tại Paris (1995-1998) mà bây giờ chỉ muốn làm những việc mình thích, muốn im lặng! Anh chọn cách không nói không phải không có gì phải nói. Nhưng con người suốt mấy chục năm hoạt động ở thành phố năng động nhất nước này, làm sao trốn tránh được cuộc đời, làm sao quên được ngày 29/4?

Học vấn luật học. Tự nghiên cứu và hoạt động thực tiễn đều cần đến kiến thức luật học nên trong câu chuyện bâng quơ, những điều ngẫu hứng anh nói ra đều dính dáng đến tư duy pháp lí. Anh bảo, ngày xưa, thi đậu rồi mới được bổ làm tri huyện, tri phủ chứ ai làm ngược lại? Cứu nước, dựng nước thì văn hóa vẫn phải đi đầu. Ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) đã từng ngồi vài giờ nghe chúng tôi nói thả phanh. Rồi ông ấy bảo, muốn quản trị dân, phải trị quan trước...

Lặng lẽ như ngọn núi lửa đột ngột phun trào những suy nghĩ sâu xa anh bộc bạch: Với nghề của tôi chỉ cần các hội đồng tư vấn độc lập, tha hồ nghe phản biện, phản bác, hiến kế. Làm không giống ai thì kết quả chẳng được như ai. Cứ lẹt đẹt hoài!

Nhân dân chào đón quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, chiều 30/4/1975. Ảnh: TL.

Từng học khóa đầu tiên sau 1975 ở trường Đảng Nguyễn Văn Cừ TPHCM về đổi mới tư duy cho cán bộ trung cao cấp nên anh bảo, bây giờ dạy trẻ bình đẳng, bác ái, yêu đồng loại, yêu loài vật, cây cỏ hoa lá là đúng, là hướng lớp trẻ phấn đấu cho hòa bình, nhân văn, nhân bản…

Có vẻ cũng không ngồi lâu được, tôi nhắc tới vụ Tố Nga kiện thì anh bảo, Tố Nga phải kiên trì... Em phải tin vào tính khách quan của tư pháp phương Tây mới được. Như em gái, Nga thật lòng với anh trai - Em cố làm được việc này thì có nhắm mắt mới yên lòng.

Vậy là cho đến phút 89, ba nhân vật của VNCH: Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh, Triệu Quốc Mạnh mới lộ sáng. Đấy là cũng là kết quả cuối cùng, đỉnh cao của đường lối chiến lược Đảng ta mà nhờ tài năng chiến lược của các nhà tổ chức, người đầu tiên phải nhắc đến là Tổng Bí thư Lê Duẩn khi rút ra: Đánh địch ở cả ba vùng chiến lược: miền núi (chiến dịch Khe Sanh, khiến Mỹ đau đến mức mấy chục năm sau, trong diễn văn nhậm chức tổng thống, ông Obama còn phải nhắc đến) đồng bằng đô thị (là SG và các đô thị toàn miền Nam trong đợt 1 Mậu Thân 1968, và chiến dịch Hồ Chí Minh chẵn 55 ngày, (vừa đúng 55 ngày của chiến dịch Điện Biên Phủ thắng Pháp). Đánh địch bằng 3 mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận. Mà binh vận thành công nhất là Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh. Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời (kết quả trực tiếp của công tác trí vận) thì thêm mũi ngoại giao.

Ông Mạnh kể, ngày mít tinh kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước, đại tá chỉ huy biệt động thành phố ôm mình rất chặt, cười tươi: Anh Mạnh ơi! Chúng tôi thờ anh. Lệnh anh thiêng lắm. Khi anh em tôi đi ngang các đồn cảnh sát vào thành phố, chúng nó đều im re!

Thì ta xem phim tư liệu cũng thấy cô Nhíp biệt động miệng tươi như hoa ngồi trên tháp xe tăng dẫn bộ đội tiến vào nội đô trong niềm vui vỡ òa của 2,5 triệu dân Sài Gòn là bằng chứng sinh động. Sáng ấy không có ổ kháng cự nào. Không có phát súng bắn lén nào.

Ông Võ Văn Cương, Phó Bí thư Thành ủy hôm ấy cũng phát biểu ý kiến, biểu dương luật sư Triệu Quốc Mạnh, đại tá Nguyễn Thành Trung và cựu chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Thanh Niên ngày 1/6/2012) cũng có nhắc đến việc làm sáng 29/4 của anh Triệu Quốc Mạnh... 

(Còn nữa)

Năm 2014, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tiếp đoàn cựu trí vận Sài Gòn ra thăm Hà Nội, nghe giới thiệu thành tích anh Mạnh như thế cũng ngạc nhiên. Bà Phó Chủ tịch nước nói đại ý thành tích thế phải được phong Anh hùng lực lượng vũ trang mới phải. Làm thủ tục đưa lên, tôi ký ngay. 

Thực tế là, khoảng 1980, Triệu Quốc Mạnh được một bằng khen của Quân khu 7. Anh kẹp nó trong cuốn sách học tiếng Pháp, người nhà không biết bán cho đồng nát mất. Đến nơi cấp, xin tra sổ gốc để được cấp lại. Trả lời, phải nhớ rõ ngày tháng năm mới tìm được.