Theo ông Mạnh, lúc đó Sài Gòn có 11 quận. Qua 80 năm thuộc Pháp, 20 năm thuộc Mỹ, từ thời ông Diệm, tổng thống đã kiêm Tổng tư lệnh quân đội. Cảnh sát (CS) đã được quân sự hóa từ lâu nên trực thuộc tổng thống chứ không qua thủ tướng. Lực lượng này được trang bị súng ngắn và cả tiểu liên M16. Các đơn vị CS đặc biệt còn được trang bị súng trường, nhiều chốt quan trọng có cả đại liên M60, bắn cực nhanh. Được huấn luyện cẩn thận, biên chế chặt chẽ, điều hành theo luật Tố tụng hình sự và điều lệ của ngành nên thiện nghệ và linh hoạt chẳng kém gì CS phương Tây. Bộ máy chỉ huy là bộ máy thời chiến, lệnh chỉ huy tập trung tuyệt đối.
Cả một bộ máy, cả một lực lượng CS và CS đặc biệt hùng hậu được xây dựng huấn luyện trang bị theo kiểu “Hoa Kỳ” của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thuộc quyền Tổng thống Dương Văn Minh lại được giao vào tay một trí thức Sài Gòn - Luật sư, Đảng viên Cộng sản của Ban Trí vận Thành ủy SG, người của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, trong giờ G - giờ quyết định chiến thắng của một cuộc Chiến tranh nhân dân mang tên Việt Nam của thế kỷ 20!
Sáng chủ nhật 29/4/1975, ông Mạnh nhận chức Đô trưởng CS. Thông tin này được phát trên Đài Sài Gòn 15 phút một lần. Đại tá Lâm Chánh Nghĩa, Phó Đô trưởng được lệnh đưa cấp trên về nha CS. Ông Mạnh kể với tác giả bài này - vì vẫn mặc thường phục, chứ không phải cảnh phục, chỉ kịp rút chiếc cravát trong túi ra thắt cho long trọng, cũng không cảnh hàm, phù hiệu trên mũ, giày sĩ quan dưới chân nên rất cần phải có cấp phó đi kèm như một lời giới thiệu đảm bảo. Nhưng mẫn cảm nghề nghiệp của một người từng được huấn luyện cẩn thận về quân sự nên vẫn cảnh giác xách theo hai khẩu tiểu liên M16 đầy đạn.
7h30 ngày 29/4, trên ghế Đô trưởng, bên cạnh là đài chỉ huy. Bỗng nghe báo cáo, có 4 Việt cộng thâm nhập, xin lệnh! Chưa kịp phản xạ thì Lâm Chánh Nghĩa ra lệnh nổ súng - Báo cáo, đã tiêu diệt một số tên. Thấy thế, ông Mạnh liền bảo Nghĩa để micrô đài chỉ huy cho mình và lệnh, từ giờ phút này, bắt được bất kỳ Việt cộng nào cũng phải giải đến để tôi trực tiếp thẩm vấn nhằm phục vụ cho yêu cầu thương thuyết.
Cao hơn 1,7m, nặng hơn bảy chục kí, mặt to tai lớn, phốp pháp phương phi giọng nói dõng dạc đường bệ của vị thẩm phán đang lúc phong độ nhất (34 tuổi) đã quen nói trước tòa, đứng trước 14 viên đại tá, trung tá, thiếu tá được triệu tập đến: nào chánh sở điều tra tình báo và hình sự, chánh sở ngành đặc biệt chỉ huy mật vụ, nào chỉ huy hành quân, chỉ huy cảnh vệ, phụ trách trại giam…Gương mặt nghiêm lạnh, dứt khoát đầy quyền uy:
- Các anh biết tôi là bạn cùng khóa với chuẩn tướng Trang Sĩ Tấn (Đô trưởng CS SG). Để đảm bảo cho CS và (ngừng một chút có dụng ý) và gia đình họ, để đáp ứng yêu cầu thương thuyết, Tổng thống ủy quyền tôi ra mệnh lệnh thời chiến, yêu cầu các anh chấp hành nghiêm túc, tuyệt đối…
Tổng thống cho biết tình hình thương thuyết đã được 60% (ông Mạnh bịa) nên ta phải tỏ thiện ý với cộng sản. Tôi yêu cầu: Giải tán ngay 5 FH (đơn vị CS đặc biệt). Thả tất cả tù chính trị. Nộp ngay cho tôi danh sách cán binh cộng sản ta đang giam giữ, danh sách cán binh cộng sản ta chiêu hồi được, danh sách mạng lưới tình báo gài vào hàng ngũ Việt cộng.
Đúng lúc ấy, điện thoại bàn réo. Ông Mạnh rành mạch:
- ... Xin trung tướng (mọi người hiểu là Trung tướng Mai Hữu Xuân. Chánh văn phòng Tổng thống), trình Tổng thống, tôi đã ra lệnh giải tán các FH và thả tù chính trị. Tụi tôi sẽ tránh đụng độ với đối phương, bảo tồn lực lượng và cố gắng bảo toàn cho gia đình anh em… vâng… nghe rõ!
14 sĩ quan chỉ huy và dưới quyền họ là 17.000 sĩ quan, hạ sĩ quan đang hoang mang, hoảng loạn cực độ trước diễn biến chiến sự ngày càng xấu đi từng giờ từng phút. Lo cho ngày mai, lo cho bản thân, cho gia đình vợ con, như đàn kiến trong chảo nóng, được lời như cởi tấm lòng, nhanh chóng chấp hành mệnh lệnh, không còn bụng dạ nghĩ đến công việc, nói gì đến việc nghi ngờ cấp trên lại là Việt cộng thứ thiệt.
Số cán bộ chiến sĩ ta, bị giam ngay tại chỗ đến hơn 150 người, gần 200 người ở các nơi khác ngay lập tức trình lên để ông Mạnh ký. Ông bảo Nghĩa, anh thấy gia đình nào hoàn cảnh khó khăn cho phép về lo việc gia đình. Cố gắng đảm bảo an toàn cao nhất có thể. Gia đình anh thế nào? - Dạ cũng hơi kẹt ạ! - Cho phép Đại tá về thu xếp. Sáng mai tới. Mấy người khác cũng được gia ân như thế.
Chỉ trong chớp mắt lịch sử, ông đã làm được hai việc lớn: Làm tan rã, tê liệt toàn bộ hệ thống CS hơn 17.000 người. Tất nhiên trong thế cùng lực liệt, quân ta đã áp sát cửa ngõ Sài Gòn - thì dẫu còn nguyên đội hình cũng chẳng thể nào cản được thế chẻ tre của ta. Nhưng cả hệ thống tự tan rã vẫn là phương án đỡ đầu rơi máu chảy.
Thứ 2 là, nắm được danh sách những kẻ đã bị chiêu hồi và mạng lưới tình báo địch gài vào hàng ngũ ta.
Việc thả tù chính trị hóa ra lại làm ông lúng túng.
Chiều thứ bảy, 7/4/2016, ở TP Hồ Chí Minh, ông Mạnh kể với tôi: Các bố nhà ta quả là ghê gớm. Tưởng được thả thì nhanh chóng biến luôn. Ai ngờ tinh thần cảnh giác cách mạng vẫn luôn thường trực: Các ông muốn bắt thì bắt, muốn thả thì thả à? Phải có giấy tờ chứng nhận trả tự do đàng hoàng chớ!
Mấy ổng hoàn toàn có lý. Mà đã có lý thì phải chịu. Nghề nghiệp dạy mình như thế, dù lúc này mỗi phút đều quý hơn vàng, nhưng tôi vẫn phải chiều cái lý mấy ổng. Nhưng viết được hơn 150 chiếc giấy, ký, đóng dấu nhanh cũng phải hơn một giờ. Mắt ông sáng lên nhìn tôi như hơn 40 năm trước, một ý hay chợt lóe lên trong đầu - không biết sao lúc ấy tôi lại nghĩ ra được. Tôi chỉ một anh có vẻ trí thức bảo: Anh chọn lấy mươi mười lăm người chữ tốt viết giấy chứng nhận tôi ký.
Tưởng thế là xong, ai dè mấy ổng lại yêu sách tiếp. Mấy ổng đòi phải có tiền chớ! Chúng tôi lội bộ về à? Có phải nhà ở ngay đường này đâu chớ?
Một là mấy ổng có lý, hai là đều là người đằng mình, nhưng để lộ ra mình là ai thì một là hỏng việc, hai là mất mạng ngay. Tôi hỏi người quản lí xem có tiền mặt không? - Có! - Phát mỗi người 4.000 ạ! Tôi lệnh - 5.000!
Tôi thú vị hỏi: 5.000 lúc ấy, so với thời giá bây giờ là bao nhiêu?
- Không tính được, nhưng đủ sức về tận Cà Mau!
Người quản lí phát xong tiền. Anh em cũng đã nhận giấy chứng nhận, nhanh chân mất hút sau cánh cổng. Tôi cho viên quản lý về thu xếp gia đình.
Nhiệm vụ đã hoàn thành. Không ngờ thông đồng bén giọt đến thế. Tôi đánh xe đến gặp anh Tám Cần, người chỉ huy của mình cùng hai danh sách quý báu trong tay.
Ông Tám Cần (Tạ Bá Tòng) quê Sóc Trăng, hoạt động từ thời sinh viên Hà Nội trong nhóm “Lên đàng” còn gọi “nhóm Xếp bút nghiên” (mang tên các bài hát sáng tác tại Hà Nội) thời sinh viên của Lưu Hữu Phước. Đang học Đại học Y khoa Hà Nội, toàn quốc kháng chiến cùng bạn bè “xếp bút nghiên lên đàng” đạp xe từ Hà Nội qua Huế về Sài Gòn, tham gia kháng chiến chống Pháp. 1954 tập kết ra Bắc, học Đại học Nông Lâm xong đi B, vào nội thành hoạt động. Được ông Huỳnh Tấn Phát, khu ủy viên Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, trưởng ban Trí vận, chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng SG-GĐ kéo về nội thành làm phó. Khi ông Phát được điều lên R (chiến khu) phụ trách công tác Ủy ban Trung ương MTDTGP và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì ông Cần lên thay. Suốt nhiều năm hoạt động nội thành không hề bị lộ. Sau giải phóng, làm Phó chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc thành phố, mất ngày 20/10/1999, thọ 80 tuổi.
Lúc ấy là xế trưa Chủ nhật 29/4/1975. Vậy là bên khối cảnh sát mọi việc diễn ra gọn gàng trong buổi sáng, sớm hơn bên quân đội, khoảng một ngày một đêm.
Để có nửa đầu ngày 29/4 ấy là một chuyện dài…
(Còn nữa)
Sau 1975 ông Hạnh làm ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Được đổi căn nhà ở quận Bình Thạnh nhận một ngôi biệt thự ở đường Phan Kế Bính Q1. Ông Lý Quý Chung (Chánh Trinh) là nhà báo, dân biểu và nghị sĩ đối lập nổi tiếng, làm Tổng trưởng Thông tin thời VNCH, cộng tác với nhiều báo và có cuốn “Hồi ký không tên” về những ngày hoạt động trước và sau 30/4.