Gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

Việt Nam tham gia hoạt động nhân đạo, hỗ trợ

TP - “Việt Nam đã trải qua chiến tranh, nên chỉ tham gia để hàn gắn những cuộc chiến tranh khác và để tăng cường hòa bình”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.
Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh: Trúc Quỳnh

Ngày 15/4, trao đổi với Tiền Phong bên lề hội thảo về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng, chúng ta chọn những hoạt động có thế mạnh, phù hợp khả năng của mình. “Việt Nam đã trải qua chiến tranh, nên chỉ tham gia để hàn gắn những cuộc chiến tranh khác và để tăng cường hòa bình”, Thượng tướng Vịnh nói.

Hội thảo góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam đưa lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội. Thứ trưởng Vịnh nói rằng, đưa quân đội ra nước ngoài là vấn đề phức tạp, nên cần chuẩn bị tốt.

Về câu hỏi liệu Việt Nam có phải đối mặt tình huống khó xử nào về đối ngoại nếu sau này mở rộng các hoạt động tham gia hay không, ông Vịnh khẳng định, chủ trương nhất quán và lâu dài của Việt Nam là sẽ không tham gia các hoạt động mang tính xung đột mà chỉ tham gia hoạt động hòa bình, nhân đạo.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xác định lực lượng Việt Nam chỉ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ khi có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, tại các khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên tham chiến, được sự chấp thuận của các bên liên quan, không tham gia các hoạt động cưỡng chế và tác chiến; chủ yếu tham gia các hoạt động mang tính nhân đạo, công tác hỗ trợ như hậu cần, quân y, rà phá bom mìn, quan sát viên quân sự, sỹ quan liên lạc, giám sát bầu cử, tham mưu... Việt Nam chia sẻ quan điểm chung là những hoạt động này phải tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước...

Tham gia chủ động

Thứ trưởng Vịnh nói rằng, nguyên tắc đầu tiên khi Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là phải chủ động lựa chọn lĩnh vực, hoạt động, thời gian, số lượng người tham gia, đảm bảo nguyên tắc độc lập... Ông cho rằng, hoạt động gìn giữ hòa bình phải gắn với công tác chính trị và tuyên truyền. Nhiều nước đưa đi rất ít người, nhưng họ làm biển tên quốc gia, quốc kỳ, hình nước, phòng giới thiệu để quảng bá đất nước là chính.

Về cơ chế bộ máy, ông Vịnh nói rằng, trung tâm gìn giữ hòa bình của nhiều nước đều nằm trong quân đội vì trung tâm này không chỉ mang tính chất đối ngoại mà sau này còn có nhiệm vụ chỉ huy tác chiến, thông tin liên lạc, trực chiến...

Hoạt động gìn giữ hòa bình là cơ chế đặc biệt được LHQ thành lập năm 1948, dựa vào lực lượng do các nước thành viên đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của LHQ, nhằm hỗ trợ giải quyết xung đột ở các nước và khu vực. Hoạt động gìn giữ hòa bình được triển khai dưới hình thức các phái bộ. Cho đến nay đã có 69 phái bộ được thành lập. Ngân sách hằng năm cho các hoạt động gìn giữ hòa bình là từ 6 đến 8 tỷ USD. Đến nay, đã có 123/193 nước thành viên LHQ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, trong đó có nhiều nước ASEAN (trừ Việt Nam, Lào và Myanmar).

Về chế độ cho lực lượng tham gia, những người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được hưởng lương ở Việt Nam như bình thường, lương của LHQ, các chế độ chính sách như các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên giới hải đảo, ông Vịnh cho biết. LHQ sẽ có trách nhiệm đảm bảo việc ăn uống, chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật...

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, cách đây 1 năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố tại Hội nghị Shangri-la rằng, Việt Nam sẽ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Một tháng sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo với Tổng thư ký LHQ về việc này.

Việt Nam đã chuẩn bị lực lượng quan sát viên, quân y, công binh, cơ bản đã sẵn sàng. Bộ Quốc phòng đã thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình, chỉ còn vướng thủ tục pháp lý, còn chủ trương, đường lối, hoạt động đã được xác định. Bộ Quốc phòng đang muốn cử hai cán bộ cấp trung tá, thượng tá, giỏi tiếng Anh đi làm sĩ quan liên lạc ở phái bộ tại Nam Sudan.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Một số đại biểu, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nói rằng, Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và chuẩn bị cho khả năng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ năm 2005, nhưng sau gần 10 năm, vẫn còn vướng thủ tục trong nước.