Việt Nam còn không quá 50 voi hoang dã

TP - Voi hoang dã của Việt Nam chỉ còn không quá 50 con, và các chuyên gia bảo tồn nước ngoài tiên đoán loài này có thể tuyệt chủng sau 10 năm. Những thảm họa liên tiếp gần đây xảy ra với voi chứng tỏ dường như Việt Nam đang bất lực trong công tác bảo tồn.
Từ năm 2009 đến nay, voi rừng chết liên tục Ảnh: Kim Anh- Mỹ Hằng

> Voi Việt Nam có thể tuyệt chủng sau 10 năm

Từ năm 2009 đến nay, voi rừng chết liên tục. Ảnh: Kim Anh- Mỹ Hằng.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Phạm Trọng Ảnh - Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật nói:

Số lượng voi tự nhiên ở Việt Nam hiện dao động từ 30 – 50 con. Trong số 8 con voi chết từ năm 2009 (báo Tiền Phong đã nêu), có 3 con thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Sự việc năm đó đã làm dấy lên lo ngại sâu sắc về số phận loài này, cũng như về công tác bảo tồn của Việt Nam. Một hội nghị đã được tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Chuyên gia quốc tế nhận định voi Việt Nam có thể tuyệt chủng trong 10 năm nữa. Ý kiến của ông như thế nào?

Nói voi ở Việt Nam có thể tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới là có cơ sở. Với sức ép của con người, của dân cư như hiện nay, voi còn rất ít đất sống. Tuy nhiên, cũng khó khẳng định được điều này. Bởi voi là loài có tính linh động, có khả năng di chuyển rất xa. Chúng có thể di chuyển qua lại giữa các vùng biên giới, nên có lúc ta bắt gặp chúng, có lúc không. Do đó, không hẳn là voi đã chết.

Voi thường ở rừng yên tĩnh, khu vực hoạt động rất lớn. Một ngày chúng thường đi hàng chục cây số, đi cả đàn. Do đó, chúng cần một diện tích sinh hoạt lớn.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, rừng bị chia cắt rất nhiều. Chỉ còn một số nơi như Yok Đôn, gần Campuchia, hoặc Bình Phước, khu vực giáp biên giới, là sinh cảnh không bị chia cắt. Còn lại đều bị khu dân cư bao bọc. Dân phá rừng làm rẫy, đốt than, làm suy giảm nguồn thức ăn của voi, khiến voi bị dồn ép đến mức không còn đường sống, trở nên quấy phá.

TS. Phạm Trọng Ảnh.
 

Các vụ voi hoang dã chết gần đây vẫn đang được điều tra, trong đó voi ăn phải cây cỏ độc được nhắc tới như một trong các khả năng…

Bản năng tự vệ và chọn lọc trong tự nhiên của động vật, ngay cả động vật nuôi là trời sinh, di truyền. Chúng không bao giờ ăn nhầm những cây có độc. Có những con ăn cây độc, nhưng bản thân cơ thể nó hấp thụ được cây đó. Còn ăn cây độc để bị chết thì không bao giờ có. Nhưng nếu con người mang thức ăn cho nó, trong đó tẩm độc, thì voi có thể ăn phải và chết.

Trên thực tế, người ta đã từng nhét thuốc độc vào trong quả chuối. Voi ăn buồng chuối đó và trúng độc. Dù thông minh đến mấy, voi cũng thua trước dã tâm của con người.

Hội nghị về voi ở Cát Tiên vừa có đưa ra những biện pháp nào để nâng cao hiệu quả bảo tồn không, thưa ông?

Hội nghị này chủ yếu đề xuất dự án về hàng rào điện cách biệt voi với khu dân cư. Tuy nhiên, đó là biện pháp không tưởng vì tiền đâu ra? Thứ nữa là biện pháp muôn thủa: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Luật chúng ta đã có đủ hết. Thực thi mới khó. Khó là do chưa thực hiện nghiêm. Nói cần phải làm gì thì quá khó. Tôi không muốn nhắc lại những gì sách vở và luật đã nói. Nhắc lại vô ích. Thực tế là hiện nay Vườn quốc gia, khu bảo tồn nào cũng nhỏ, không đủ cho voi sinh sống. Có những địa phương ở sát nhau, về mặt tự nhiên, sinh thái là như nhau, nhưng cũng chia ra mỗi địa phương một khu bảo tồn.

Chẳng hạn như Quảng Trị có khu bảo tồn Bắc Hưng Hóa sát cạnh Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng của Quảng Trị. Đơn vị quản lý, bảo vệ như thế cũng chia ra làm hai. Tới nay, người ta lại thêm một cái nữa là Hành lang xanh, để nối các khu bảo tồn, vườn quốc gia, vùng đệm… với nhau, nhằm mở rộng diện tích sinh sống cho động vật, tìm cách nâng cao hiệu quả bảo vệ dựa vào cộng đồng.

Tuy nhiên, thành công không được như mong đợi. Về mặt tự nhiên, những khu bảo tồn đó cần được hợp nhất làm một. Như thế, động vật sẽ có thêm diện tích sinh sống, điều kiện sinh thái được mở rộng, việc quản lý cũng được thống nhất từ một tổ chức.

Trước đây, dư luận từng xôn xao vì một đàn voi giết người ở Đồng Nai. Nhà nước đã chi bạc tỷ để di chuyển đàn voi 4 con đó lên Yok Đôn. Người ta thuê thợ, thuê voi nhà, thuê người từ Malaysia sang bắn thuốc gây mê. Trong quá trình di chuyển, voi đã quật chết một người Malaysia.

Khi di chuyển được tới nơi thì chỉ còn lại 3 con, không biết nay còn sống hay đi đâu. Đến nay cũng không ai nhắc tới phương án này nữa. Với vụ việc voi rừng chết liên tục từ năm 2009 tới nay, dường như ta đang bất lực trong công tác bảo tồn.

Cảm ơn ông.

Theo TS. Phạm Trọng Ảnh, trước đây ở khu bảo tồn Khả Cựu - Cát Tiên có 11 con voi. Ở Yok Đôn có 5 - 6 con. Ở Ea Súp có vài con. Ở An Khê có khoảng 3 con. Khu bảo tồn Tà Đùng (Bình Phước) có 2 con. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng có một đàn 4 - 5 con thường xuyên phá rừng, hoa màu của dân.

Ở Hà Tĩnh có một đàn 4 con sống trong núi Lầm, nhưng nay không còn ghi nhận dấu vết của chúng. Có thể chúng đã di chuyển sang Lào. Ở Quảng Bình, lúc có voi, lúc không. Ở Lai Châu, có một đàn nhỏ di chuyển giữa các vùng biên giới.

 
 

Mỹ Hằng (thực hiện)

Theo Báo giấy