Đó là một số ý kiến của Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về công tác đối ngoại của Việt Nam nhân dịp năm mới 2018.
Ông nhận định thế nào về tình hình biển Đông thời gian tới?
Thứ trưởng Đặng Đình Quý: Vai trò của Mỹ ở khu vực vẫn thế nhưng cách chơi của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khác. Biển Đông cũng thế, Mỹ chỉ thay đổi cách chơi, chứ ưu tiên vẫn vậy. Tất nhiên, bây giờ Mỹ quan tâm số một đến vấn đề Triều Tiên, nhưng Mỹ là nước lớn có thể quan tâm đến nhiều nước, nhiều vấn đề khác. Với cương vị Tổng thống, ông Trump không thể bỏ qua những gì liên quan đến lợi ích của Mỹ.
Nói chung, tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm biển Đông vì đều có lợi ích ở mức độ khác nhau. Việc của các nước là phải chung tay bảo vệ lợi ích của chính họ và vì vậy cũng là lợi ích chung của khu vực và thế giới. Ví như an ninh, an toàn hàng hải, tự do đi lại, tự do bay, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển là vấn đề toàn cầu nên họ không bỏ được, bỏ chỗ này hỏng chỗ kia. Tranh chấp lãnh thổ là giữa các nước liên quan, nhưng hoà bình, ổn định thì cả khu vực này, cả thế giới này đều ảnh hưởng, nên tất cả các nước đều quan tâm.
Thời gian tới, trong chiến lược chung của các nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc…, vì lợi ích của chính họ và của cộng đồng mà phải tính lợi ích của biển Đông trong mối quan hệ với Đông Nam Á, lợi ích của tất cả các nước mà họ phải tự cân bằng. Tình hình trong thời gian tới khó dự đoán nhưng có thể sẽ tiếp tục xu hướng hiện nay. Tôi hy vọng điểm tích cực là các nước sẽ quan tâm hơn đến câu chuyện biển Đông trong thời gian tới, vì tầm quan trọng của biển Đông không giảm đi, tính chất phức tạp cũng không giảm đi. Có rủi ro tiềm ẩn nhưng người ta nhìn thấy cả, nên phải duy trì mức độ quan tâm và nguồn lực nhất định.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây nói nhiều đến khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương thay cho cụm từ châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa như thế nào đối với khu vực?
Nhật Bản và Mỹ là những nước nêu khái niệm này trước tiên và chính thức, dù giới học giả đã nói đến từ lâu. Đây cũng là điều bình thường vì trong thế giới toàn cầu hoá, các khu vực gắn kết lại với nhau. Ấn Độ - Thái Bình Dương là hai khu vực địa lý gắn kết tự nhiên. Tại sao đến giờ mới nổi lên? Lý do là vì Ấn Độ trong những năm qua chưa phát triển lắm, không được quan tâm nhiều lắm. Nhưng nay với chiến lược “Make in India” của Thủ tướng Narendra Modi, kinh tế Ấn Độ phát triển với tốc độ 7%/năm và nước này đang theo đuổi chính sách Hành động hướng đông thì người ta quan tâm nhiều hơn đến khu vực này. Chính sự nổi lên của Ấn Độ, của Trung Quốc, sự quan tâm của Mỹ và cường quốc đối với khu vực này làm gia tăng sự kết nối giữa hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Điều này vừa có yếu tố tự nhiên về địa lý, địa chiến lược, vừa có sự tác động của con người.
Điều này có một số ý nghĩa. Thứ nhất, nó thể hiện sự quan tâm hơn của thế giới đối với khu vực khi xu thế chung hiện nay là chuyển dịch trọng tâm tăng trưởng, trọng tâm chú ý từ tây sang đông, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thứ hai, nếu Ấn Độ tiếp tục nổi lên với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt 6-7%/năm, quan hệ quốc tế ở khu vực này sẽ diễn ra sôi động hơn. Trong đó một bên là Trung Quốc nổi lên, một bên là Ấn Độ nổi lên. Vai trò của ASEAN ở giữa cũng sẽ được tăng cường vì nhiều người cần ASEAN hơn. Các nước khác như Mỹ cũng phải quan tâm đến khu vực nhiều hơn, thực chất hơn nữa. Nếu như thế, cuộc chơi sẽ vui hơn, tạo ra nhiều cơ hội cho những nước như Việt Nam về kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu văn hoá... Thế nhưng cũng có điều không thuận là tạo ra sức ép khi bị các nước lớn lôi kéo và đẩy. Các nước lớn có sự tập hợp lực lượng với nhau, đây cũng là điều bình thường trong quan hệ quốc tế. Trong xử lý đối ngoại, Việt Nam cần chủ động, tích cực, linh hoạt để tận dụng cơ hội tốt trong cuộc chơi này.
Việc Mỹ lần đầu đưa tàu sân bay đến Việt Nam trong năm 2018 có ý nghĩa như thế nào?
Đây là hoạt động bình thường, không có ý nghĩa gì đặc biệt, chỉ khác trước kia là tàu khu trục, còn tới đây là tàu sân bay. Hoạt động này nằm trong chính sách chung của Việt Nam là đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ với các nước, bao gồm cả quan hệ quân sự - quốc phòng. Không chỉ tàu sân bay Mỹ mà cả tàu sân bay của Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng có thể vào được và đều được hoan nghênh nếu vào bằng sứ mệnh hoà bình. Còn nếu họ cần dịch vụ cung cấp dầu, nước, dịch vụ sửa chữa, tiếp nhiên liệu thì Việt Nam sẵn sàng. Nếu quá quan tâm đến sự kiện tàu sân bay Mỹ vào thăm Việt Nam và diễn giải theo hướng nào đó thì có lẽ hơi đi quá.
Rồi chúng ta sẽ thấy tàu sân bay của nhiều nước khác đến thăm. Liệu có đón tàu sân bay Trung Quốc đến thăm không? Không loại trừ. Nếu họ đến với sứ mệnh hoà bình, tăng cường hợp tác an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải, tự do bay ở khu vực.
Cảm ơn ông.