Đây là lần thứ hai, Việt Nam có 2 đại diện tham gia vòng chung kết toàn cầu là Đội tuyển của trường Đại học FPT và trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
Kết thúc cuộc thi, Đội tuyển trường ĐH FPT xếp thứ 45 trong bảng tổng sắp – giải được 2/12 bài - đồng hạng với 34 trường đại học khác cũng chỉ giải được 2 bài, trong đó có những trường như ĐH Standford (Mỹ), ĐH Cambridge (Anh)…
Còn Đội tuyển trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM không thành công, là một trong số các đội không giải được bài nào và không được xếp hạng.
Dù chỉ một đội lọt vào bảng xếp hạng, nhưng thứ hạng của đội tuyển Việt Nam tại lần thi đấu này cũng được cải thiện đáng kể so với lịch sử tham dự ACM/ICPC của Việt Nam khi xếp hạng trung bình của Việt Nam các năm thường rơi vào vị trí 60.
Đội tuyển ĐH FPT xếp thứ 45 cùng nhiều đội tuyển đến từ các trường khác.
Theo thông tin từ ban tổ chức, có tới 4/12 bài không đội nào giải được. Đội vô địch chỉ giải được 7/12 bài, có tới 20 đội không giải được bài nào và 24 đội chỉ giải được 1 bài – đồng nghĩa với việc không có tên trong bảng xếp hạng thế giới. Các huy chương vàng, bạc đồng dành cho đội tuyển 12 trường ĐH, trong đó 4 trường từ Nga, 3 trường từ Trung quốc, còn lại là 5 trường đến từ Nhật bản, Balan, Đài loan, Croatia, Slovakia.
Từ năm 2006 tới nay, Việt Nam liên tục có đội tuyển nằm trong xếp hạng Top 100 trường Đại học ghi danh trong Chung kết toàn cầu ACM/ICPC.
Đây được coi là một sân chơi trí tuệ uy tín, có lịch sử từ năm 1977. Cuộc thi dành cho sinh viên yêu công nghệ trên toàn thế giới, không phân biệt quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, các bài thi đòi hỏi tư duy xuất sắc và kết hợp nhuần nhuyễn về giải thuật và lập trình.