Viết hay là không?

TP - Thêm một người nổi tiếng nữa ra mắt tự truyện. Đó là giai nhân một thuở, ca sỹ Ái Vân. Cuộc đời của chị với những thăng trầm tự khắc là cuốn sách hấp dẫn. Vấn đề là chị có chịu dũng cảm mở cho người khác soi vào cõi riêng của mình?

Kết quả, sau một hồi đấu tranh, Ái Vân đã nợ khán giả và quyết giữ lại cho mình những ẩn khuất gây tò mò nhất trong cuộc đời chị: Tình duyên. Chị nói: “Tôi đã cố gắng viết cho xong mục này 8.808 từ cả thảy. Câu chuyện tôi chưa từng kể ra sau này cho biết lí do vì sao tôi buộc phải rời Tổ quốc năm 1990 khi tôi đang được Nhà nước có nhiều ưu ái. Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, khi đọc lại tôi không thể chịu nổi. Con trai tôi - nếu đọc được phần này- chắc chắn cũng sẽ không chịu nổi. Vì thế - sau nhiều đêm suy nghĩ- tôi xin lỗi bạn đọc- cho phép tôi được xóa trắng mục này”.

Có bài báo bình luận: Chẳng nghi ngờ gì gan ruột của cô chất chứa trong cuốn sách nhưng cho rằng đây là một “tuyệt chiêu” không mới mà những người làm sách của ta học hỏi nước ngoài, thí dụ như nhà văn nổi tiếng Trung Quốc trong “tác phẩm của sự đau đớn” mang tên  Phế đô. Tuy nhiên, với tiểu thuyết, độc giả đón nhận sự tự ý cắt xxx chữ của nhà văn, có vẻ dễ dàng hơn với tự truyện. Đây là điều Ái Vân và các nhà làm sách của ta chưa kịp tính đến?

Có nhiều độc giả thú vị với cách bỏ trống một số trang giấy trắng của Ái Vân nhưng cũng đã có người soi: “Khán giả mua cuốn sách này phải trả tiền cho 6 trang nội dung nhưng hoàn toàn trắng tinh không có một chữ nào”. Có những độc giả lại trách Ái Vân: “Đã viết thì viết hết, không thì giữ lại trong trái tim. Nước mắt, nụ cười… có những điều ấy mới tạo nên hạnh phúc!”. Có người hóm hỉnh hơn lại “chọc” người đẹp một thời: Biết đâu tác giả sẽ cho ra đời một quyển nữa kể về những trang bỏ trống đó.

Viết tự truyện đang rầm rộ như nấm sau mưa, song chưa thấy người nổi tiếng nào nhảy vào mảnh đất ấy, mà không xây xát. Lần đầu tiên khơi mào cho tự truyện bỏ trống trang, chưa biết Ái Vân được gì nhưng phần người ta tò mò nhất lại giấu thì gió biết cuốn đi cái gì mà tên sách lại khêu gợi: “Để gió cuốn đi”?