Viện phí tăng, chất lượng chưa tăng

TP - Theo đánh giá mới nhất của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho tới thời điểm này, Bộ Y tế đã phê duyệt được giá của 22 bệnh viện Trung ương trực thuộc với mức giá trung bình tăng từ 88% đến 94,5% từ nhóm I đến nhóm III. Tuy nhiên, giá tăng nhưng chất lượng dịch vụ chưa chuyển biến tương xứng...
Dù đã tăng phí dịch vụ nhưng người bệnh vẫn phải nằm la liệt dưới sàn nhà (ảnh chụp tại Viện K.) Ảnh: Hồng Vĩnh

> Viện phí tăng, bệnh viện đua nhau 'hốt bạc'
> Nữ Bộ trưởng Y tế lần đầu 'ngồi ghế nóng'

Bệnh nhân vẫn nằm hành lang

Theo BHXH Việt Nam, mức giá trung bình của các bệnh viện thuộc nhóm I đến nhóm III đều tăng cao.

Cụ thể, bệnh viện nhóm I bằng 94,5%, nhóm II bằng 92% và nhóm III bằng 88% so với giá tối đa theo quy định tại Thông tư 04. Hiện đã có 48 địa phương được HĐND phê duyệt, trong đó có 11 địa phương chưa triển khai thực hiện giá viện phí mới. Còn 15 địa phương đang trong quá trình xây dựng và thẩm định để trình phê duyệt.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc tăng giá dịch vụ y tế đã được tính đủ các cơ cấu chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, gồm: Vật tư tiêu hao, thuốc, tiêu hao điện nước và hậu cần khác (khử khuẩn, vệ sinh môi trường, chi phí hành chính...).

Định mức kinh tế kỹ thuật của dịch vụ, chất lượng các loại vật tư tiêu hao, thuốc đều được tính ở mức có thể đáp ứng tốt việc thực hiện dịch vụ y tế.

“Người bệnh đến KCB không chỉ được cung cấp dịch vụ theo đúng quy trình của Bộ Y tế mà còn được đảm bảo về các điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế việc lây nhiễm trong bệnh viện” - ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (BHXH Việt Nam) cho biết.

Tuy nhiên, theo báo cáo của một số địa phương triển khai thực hiện dịch vụ y tế mới từ 1-8-2012, sự thay đổi về chất lượng vẫn chưa nhiều.

Cụ thể như số bệnh nhân khám tại các bàn vẫn lớn hơn nhiều so với định mức (50-70 bệnh nhân/bàn/ngày); tình trạng nằm ghép, nằm trên băng ca, ngoài hành lang vẫn khá phổ biến tại một số bệnh viện tuyến trung ương.

Việc tăng giá dịch vụ y tế ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh. Trong đó người bệnh phải tăng mức đồng chi trả, đặc biệt là các đối tượng phải trả 20% như người cận nghèo, thân nhân người có công.

Thậm chí, 5% cùng chi trả của đối tượng người nghèo cũng sẽ tăng và tạo nên những khó khăn nhất định cho đối tượng này.

“Tăng giá dịch vụ có thể dẫn đến tăng tình trạng tăng cung dịch vụ y tế không cần thiết và như vậy phần đồng chi trả của người bệnh cũng sẽ tăng theo một cách không cần thiết này” - một lãnh đạo BHXH Việt Nam nói.

Giám sát chặt việc thu thêm tiền người bệnh

Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, ngay từ khi xây dựng viện phí mới, BHXH Việt Nam đã có ý kiến với Bộ Y tế và đại diện các bệnh viện cùng tham gia về việc cơ quan BHXH sẽ giám sát chặt chẽ khi thực hiện giá viện phí mới để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và chống lạm dụng Quỹ BHYT.

Trong khi đó, theo ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam), để giám sát việc thực hiện giá viện phí mới, cần giám sát quy trình thực hiện dịch vụ y tế và các loại vật tư tiêu hao, thuốc đã sử dụng, đảm bảo chất lượng theo quy định.

Đồng thời cần phải giám sát việc thực hiện khám bệnh (điều kiện trong các buồng khám, số bệnh nhân đến khám trong ngày, tình trạng vệ sinh môi trường...), khu vực điều trị nội trú (tình trạng nằm ghép, kê thêm giường không đạt tiêu chuẩn), kịp thời kiến nghị bệnh viện có các giải pháp giảm tải nếu số bàn khám không đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh (mỗi bàn khám không thể khám mỗi ngày 50-60 bệnh nhân) và tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép cao.

Cũng theo ông Sơn, để thực hiện tốt giá viện phí mới, phải giải quyết dứt điểm tình trạng thu thêm tiền của người bệnh khi thực hiện các dịch vụ y tế nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia BHYT.

“Ngoài ra, cần phải tuyên truyền để người tham gia BHYT, người bệnh BHYT nói riêng hiểu được chính sách thu viện phí mới để cùng với cơ quan BHXH, cơ sở KCB giám sát việc thực hiện” - ông Sơn nói.

Theo Báo giấy