Phải trả lại vỉa hè cho giao thông
Tại hội nghị tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2017 diễn ra ngày 10/1, ông Tuyến cho rằng việc lập lại trật tự vỉa hè không thể thực hiện ngày một ngày hai, làm theo phong trào, chiến dịch và không phải cứ xử phạt là được. “Hiện nay tình trạng vỉa hè ở TPHCM còn rất phức tạp, giống như mảnh đất vàng, chỉ cần sơ hở là có người nhảy vào chiếm sử dụng. Thậm chí sử dụng 1 tiếng đồng hồ cũng được. Nếu không có cách nhìn nhận đúng vấn đề, theo hướng tự quản thì rất khó”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM nói.
Nói về công tác lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM, ông Tuyến cho rằng, quan điểm của UBND TPHCM vỉa hè là của giao thông nhưng thừa nhận,vẫn còn tồn tại lợi ích nhóm trong việc chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh. Vì vậy, để lập lại trật tự vỉa hè cần có thời gian, phương án, kế hoạch cụ thể chứ không thể cứ “xuống đường” liên tục được.
Theo ông Tuyến, hiện nay thành phố đang tập trung phát triển giao thông công cộng cũng như đầu tư phương tiện liên kết giữa các tuyến giao thông chính với nhà dân để khuyến khích người dân sử dụng. Khi người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng đủ đông sẽ tiến hành hạn chế phương tiện cá nhân như áp dụng thu phí xe vào trung tâm bằng công nghệ, hạn chế sử dụng lòng đường để đậu xe, cũng như hạn chế cấp phép các bãi giữ xe mới…
Đồng thời, thành phố cũng không khuyến khích cũng như cấp mới các bãi giữ xe trên địa bàn quận 1. Trong trường hợp có lễ hội, hoặc những nơi công ích như đường sách sẽ bố trí các bãi giữ xe miễn phí hoặc do thanh niên xung phong giữ. Còn vỉa hè phải trả lại cho giao thông, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chia sẻ thịt vỉa hè rất phức tạp. Ông Tuyến cũng yêu cầu quận 1 khảo sát đánh giá lại các bãi giữ xe trên địa bàn để có báo cáo Ủy ban trễ nhất là cuối tháng 1/2018. “Lòng đường hiện nay tạm thời vẫn cho đậu xe nhưng sẽ tính lại về phí. Bởi vì với mức phí 5.000 đồng hiện nay là không hợp lý. Hơn nữa, hiện nay thành phố không khuyến khích đậu xe trên lòng đường, vỉa hè. Nhiều trường hợp đậu xe ở lòng đường, vỉa hè để đi buôn bán hàng rong”, ông Tuyến nói.
Nói về quản lý vỉa hè, theo ông Tuyến vẫn phải tạm thời cho khai thác, sử dụng một phần. Tuy nhiên, người được giao sử dụng vỉa hè nào phải đảm bảo an toàn giao thông, có trách nhiệm quản lý đoạn vỉa hè đó. Ông Tuyến dẫn chứng như ở Nhật Bản, vỉa hè trước nhà, công ty nào thì giao cho nơi đó quản lý, chỉ cần có người vấp ngã bị thương thì nơi quản lý đoạn vỉa hè đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, còn nếu nguy hiểm tính mạng thì phải chịu trách nhiệm hình sự…
“Chỉ cần kiểm soát người đang sử dụng thôi, hiện nay mình đang quản lý cả một cộng đồng bao vây vỉa hè nên đó là bài toán nan giải. Như hàng rong, hôm nay mình đưa người này vào bố trí ở nơi quy định thì ngày mai lại có người khác nhảy vô liền, rồi lại phải sắp xếp cho người đó mà trong khi không phải người dân của quận 1. Vì vậy, tốt nhất là phải chấp nhận phương án vỉa hè của cơ quan, đơn vị nào thì nơi đó quản lý. Chỗ nào cho khai thác thì tất cả những người khai thác phải quản lý về trật tự, vệ sinh khu vực đó”- ông Tuyến đưa giải pháp đồng thời yêu cầu từng quận huyện phải có kế hoạch cụ thể về quản lý vỉa hè. Sau đó giao lại cho từng phường, khu phố để gắn trách nhiệm cá nhân.
Không thể theo phong trào
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố không thể làm theo phong trào, chiến dịch, không phải cứ chăm chăm xử phạt mà phải kiên trì, quyết liệt .
Theo ông Phong, việc lập trật tự vỉa hè, lòng lề đường có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây cho dù một số nơi tình trạng tái chiếm vẫn còn. “Nhìn chung, tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, chợ tự phát đã được sắp ổn định, người đi bộ phần nào đã được trả lại vỉa hè”- người đứng đầu chính quyền thành phố nhìn nhận. Tuy nhiên, theo ông Phong số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ vẫn cao. Dẫn chứng cho thấy trong năm 2017 có 54 vụ, làm 40 người chết và hơn 80 người bị thương. “Đây là con số hết sức xót xa”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.
Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường là vấn đề chung của các đô thị lớn, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân thành phố và không thể giải quyết vấn đề này trong một sớm một chiều. “Việc lập lại trật tự vỉa hè ở các địa phương phải do chủ tịch quận chịu trách nhiệm hàng đầu, mỗi quận, huyện, phường, xã phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lơ là trong công việc”, ông Phong khẳng định.
Ông Phong cũng đánh giá cao sự quyết liệt của các địa phương, đặc biệt là quận 1 đã tạo hiệu ứng lan tỏa cả nước. Tuy nhiên, việc tổ chức sắp xếp lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè phải có những giải pháp để triển khai hiệu quả, hết sức kiên trì, đeo bám. Việc xử lý lấn chiếm vỉa hè đã có cơ sở pháp lý đầy đủ, vấn đề là phải tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Ông Phong đề nghị, trong thời gian đầu 2018, các quận, huyện phải xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức sắp xếp vỉa hè đến từng phường xã, từng tuyến đường. Khu vực nào để xảy ra lấn chiếm sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu khu vực đó.
“Vỉa hè ở TPHCM còn rất phức tạp, giống như mảnh đất vàng, nhiều người đang săm soi nhìn vào, chỉ cần sơ hở là có người nhảy vào chiếm”
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Trần Vĩnh Tuyến