Năm 1956, đang làm Chủ nhiệm hậu cần của Đoàn thanh niên xung phong – một “trường học lớn” do Bác Hồ chủ trương thành lập và giáo dục, ông Chước được Đoàn trưởng Vũ Kỳ “điều về quản chuyện cơm áo gạo tiền” trong Phủ Chủ tịch.
Từ năm 1983, làm cấp phó của Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh – ông Hà Huy Giáp. Và 9 năm (1990-1999) là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – trước khi nghỉ hưu.
Tin buồn ông ra đi chúng tôi được biết sáng 1/7/2007 khi đang ở nhà ông Tạ Quang Chiến (một trong 8 người được Bác Hồ đặt tên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao), do nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trưởng ban Xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh Lê Văn Sang cho biết.
Ông Chiến nhớ thương nhận xét: “Anh Chước là một cán bộ gương mẫu, chân thật, tận tụy phục vụ Bác Hồ. Anh năng nổ, tháo vát trong mọi việc từ hồi còn ở TNXP. Được phục vụ Bác, học Bác, những khả năng, ưu điểm càng được phát huy ở anh…
Tôi chợt nhớ ngay mới đó, hơn một tuần trước vào thăm ông ở Bệnh viện Hữu Nghị. Ngồi ngoài hành lang phòng số 6, thở đã rất khó khăn, ông còn gắng cười khen tôi xoa bóp có đỡ ho đi và còn nhắc vui đôi chuyện ngày xưa.
Ngày trước, tôi thường được ông kể cho nghe những chuyện thú vị. Sau ngày Bác về Thủ đô, điều kiện phục vụ đã tốt hơn. Ngày ngày xe đưa lương thực thực phẩm cung cấp cho bếp ông Cẩn ... phục vụ Bác, cho cả bếp ông Lơ bên Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhiều khi không vừa ý với chất lượng thực phẩm, ông Chước bàn để hai ông ra chợ Ngọc Hà mua thêm đồ tươi sống, chọn gà ngon về nuôi phòng khi Bác tiếp khách trong Nam ra, khách quý nước ngoài tới để làm món cho hợp khẩu vị với khách.
Ông còn thăm dò, nơi nào có đầu bếp giỏi thì gợi ý để ông Cẩn, ông Lơ tìm cách học nấu các món đặc sản ta, Tầu, Tây…
Các khoản thu chi của Bác (trừ sổ tiết kiệm do ông Lê Hữu Lập giư), gồm lương, phụ cấp đại biểu Quốc hội, nhuận bút, hóa đơn, chứng từ…, tất tần tật đều do ông Chước quản. Hàng tháng tổng hợp, quyết toán từng bữa cho Chủ tịch nước, Thủ tướng, cho quan khách… qua hai ông Cẩn và Lơ.
Có năm khắp nơi hạn, lụt, mất mùa, nhân dân ăn độn ngô khoai. Bác yêu cầu cũng ăn độn như cán bộ, nhân dân. Ông Chước gợi ý anh em mua ngô non, giã nhỏ, nấu mềm để Bác ăn dễ tiêu và yên lòng. Có lần Bác ra nước ngoài lâu anh em gửi công thức nấu cá kho, hướng dẫn để ông Vũ Kỳ nấu Bác ăn…
Từ năm 1962, sức khỏe của Bác có dấu hiệu sút kém, công việc ngày thêm nhiều, ông Chước, ông Lập xin nhận thêm công việc ngày ba lần sáng – trưa – tối điểm tin các báo, đọc Bác nghe và đề xuất ý kiến cụ thể với Bác về việc gì đó báo đã nêu. Bác có thói quen đọc báo liên tục các số. Do đó, việc điểm tin cũng không thể bỏ qua ngày nào.
Có những chuyện cảm động thể hiện sự quan tâm của Bác. Một lần, trước khi ra xe đi công tác xa, Bác dặn: “Chú Chước lâu rồi chưa về Phú Thọ phải không? Tranh thủ Bác đi vắng, chú về thăm thím với các cháu ít hôm”.
Ông vâng dạ cảm ơn sự quan tâm của Bác, nhưng công việc không thể dứt ra mà về được. Ông không ngờ khi về, Bác biết, liền hỏi: “Hay là chú đã chê thím ấy rồi?”.
Nỗ lực phục vụ Bác của ông được ghi nhận. Có một tấm bằng khen của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng hiện đang được treo trang trọng trong phòng khách nhà ông: Đồng chí Cù Văn Chước đã tận tụy hoàn thành nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống.
Ông tâm sự: Một đời vinh dự được phục vụ Bác, học tập được nhiều điều bổ ích ở Bác, không thể có một lớp học, một sách báo nào dạy cho.