Thoái lui, bảo toàn vốn nhà nước
K+ là công ty liên doanh giữa Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với Tập đoàn Canal+ International Development của Pháp (CO). Tổng vốn góp là 20,1 triệu USD, trong đó, VTV góp 10,27 triệu USD (51%) bằng tài sản quy đổi, Canal+ góp 9,87 triệu USD tiền mặt (49%).
Theo báo cáo trình Chính phủ mới đây của VTV do Phó TGĐ Nguyễn Thành Lương ký thì từ khi bắt đầu bước vào hoạt động năm 2009, thuê bao của K+ đã tăng từ 95.600 lên hơn 800.000 (năm 2015), doanh thu từ 25 tỷ đồng lên gần 1.270 tỷ đồng. Mặc dù vậy, K+ vẫn liên tục lỗ trong 6 năm liền. Đến năm 2015, K+ cho biết đã đạt điểm hoà vốn, nhưng vẫn lỗ 11 tỷ (trước lãi vay). Lỗ luỹ kế đến hết năm của K+ gần 2.000 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, báo cáo Chính phủ của VTV đề xuất thoái vốn nhà nước khỏi K+ “nếu áp dụng mọi giải pháp vẫn không đạt được mục tiêu”.
Trao đổi với PV Tiền Phong hôm 19/4, ông Lương cho rằng, đề nghị thoái vốn khỏi K+ của VTV là hợp lý. “Trước đây chúng tôi tính toán rằng để hoạt động kinh doanh thì cần 54 triệu USD, nhưng xoay sở mãi cũng chỉ có hơn 10 triệu USD, mà là tài sản cũ. Tiền chỉ có từng nấy trong khi VTV phải góp 51%, nên sau đó vốn phải rút xuống 20 triệu USD, còn lại phải đi vay”. Theo ông Lương, đây là lý do dù Canal+ góp 49% nhưng phía đối tác nước ngoài mới là bên nắm quyền điều hành. Trong những năm qua, để đảm bảo hoạt động kinh doanh, K+ đã phải đi vay vốn nước ngoài. Chi phí lãi vay 1 năm lớn nên Canal+ liên tục thúc giục VTV bổ sung.
“Tuy nhiên chủ trương nhà nước không cho VTV bổ sung mà phải thoái vốn. Chúng tôi cũng cho rằng không nhất thiết phải giữ lại nhiều vốn”-Phó TGĐ Nguyễn Thành Lương nói.
Ông Lương cũng cho biết, VTV đang xin chủ trương xin Chính phủ rút 26% vốn khỏi K+, chỉ giữ lại 25%. Mức này đảm bảo VTV bảo toàn được vốn góp để trả lại cho nhà nước, và vẫn duy trì phần vốn trong K+, duy trì khả năng thu lợi nhuận. Trong trường hợp được Chính phủ chấp thuận, công ty sẽ phải thuê 1 đơn vị độc lập đánh giá lại giá trị để bán ra ngoài. Theo ông Nguyễn Thành Lương, K+ sau nhiều năm hoạt động đã tạo dựng được thương hiệu, nộp thuế VAT cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hợp đồng liên doanh của VTV với Canal+ có thời hạn 25 năm, điều lệ quy định các bên cần đạt được sự thống nhất trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, chưa kể Luật Đầu tư cũng như quan hệ với Pháp.
Không mua bản quyền EPL bằng mọi giá
Đề cập đến câu chuyện mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh (EPL) 3 mùa 2016-2019 của K+, ông Nguyễn Thành Lương cho biết công ty đã dành ngân sách riêng cho việc này. “Tình hình vừa rồi cũng có căng thẳng do MP&Silva từ chối đàm phán với Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV). Vừa rồi tôi cũng có thấy MP&Silva gửi công văn tới Hiệp hội, nêu lý do không đàm phán vì Hiệp hội không có tư cách pháp nhân. Vấn đề này chúng tôi cũng chờ chủ trương của Bộ Thông tin truyền thông và hiệp hội. Tuy nhiên, chúng ta cần đặt vấn đề là nếu các đơn vị tự chủ đàm phán và mua được bản quyền EPL theo đúng chủ trương về giá của Hiệp hội thì sao”-ông Nguyễn Thành Lương nói.
Cửa hàng bán các sản phẩm truyền hình của K+
Theo ông Nguyễn Thành Lương, K+ vừa qua đã có công văn cho biết sẽ tuân thủ chủ trương về giá do VNPayTV đưa ra. Đây cũng là tinh thần chung của các đơn vị thuộc VTV. “Chúng tôi cũng quán triệt quan điểm không mua bản quyền EPL bằng mọi giá tới các đơn vị. Quá trình đàm phán nếu họ đạt được mức giá không tăng quá 20% so với mùa trước thì là tốt”-ông Nguyễn Thành Lương nói.
Theo phân tích của một chuyên gia về truyền hình, hiện Ban đàm phán mua bản quyền EPL của VNPayTV, chỉ K+, VTVcab và SCTV đủ năng lực tài chính. Một thành viên VNPayTV hôm qua cũng nói với Tiền Phong, “80% đơn vị trong ban đàm phán không có nhu cầu thực sự mua bản quyền EPL”. Vị này dù vậy chỉ trích MP&Silva “câu giờ” nhằm thu lợi cao nhất, thiếu thiện chí khi đàm phán tại Việt Nam.
Theo tìm hiểu, hiện VNPayTV đang hướng tới chủ trương đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông buộc các đài như K+, nếu tự đàm phán phải đảm bảo chủ trương về giá, đồng thời không được phép độc quyền.
Phó TGĐ VTV Nguyễn Thành Lương cho biết, VTV đang xin chủ trương Chính phủ rút 26% vốn khỏi K+, chỉ giữ lại 25%. Mức này đảm bảo VTV bảo toàn được vốn góp để trả lại cho nhà nước, và vẫn duy trì phần vốn trong K+, duy trì khả năng thu lợi nhuận.