Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có hơn 1,9 nghìn người tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp (trong đó, 10 người trình độ cao đẳng; 267 người trình độ trung cấp, còn lại sơ cấp), đạt 47,65% kế hoạch năm, chiếm 38,56% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải về tỷ lệ người được đào tạo nghề khá thấp, ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp, còn trung cấp và cao đẳng có 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông và Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Phương Nam.
Theo ông Nam, hiện nay, tỷ lệ người theo học trình độ cao đẳng trên địa bàn còn thấp. Các cơ sở đào tạo cũng gặp khó trong tuyển dụng. Lý do, trên địa bàn rất ít doanh nghiệp lớn, phần đông là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực không nhiều.
Các cơ sở đào tạo nghề như Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông cũng chủ động kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho sinh viên. Tuy vậy, nhiều người làm được thời gian thì quay về địa phương với nhiều lý do như: Thu nhập hoặc không muốn xa quê…
Một nguyên nhân nữa khiến các cơ sở đào tạo nghề chưa thu hút được người học là cơ sở vật chất chưa đồng bộ, kết quả phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt yêu cầu.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói thêm, địa phương rất chú trọng đào tạo nghề gắn với việc làm. Đào tạo nghề có 2 trường hợp: Một là người lao động đã có nghề sẵn và họ muốn được học thêm để nâng cao tay nghề, phục vụ cho công việc của mình.
Trường hợp thứ 2 là đào tạo nghề mới (trình độ trung cấp, cao đẳng…), thì địa phương gặp một số khó khăn, trong đó có nguyên nhân khách quan. Cụ thể, Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông đã được quy hoạch ở vị trí mới nhưng do vướng mắc về vốn vay nên chưa triển khai. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân lực để đáp ứng nhu cầu mở rộng chỉ tiêu đào tạo.
Về đề án phân luồng đào tạo học sinh sau THCS, bà Hạnh nói thêm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường nghề phối hợp với các trường THPT để tổ chức dạy học văn hóa.
UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đạo tạo nghiên cứu triển khai dạy THPT trong trường nghề. Như vậy việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ được thực hiện theo đúng tinh thần đề án của Trung ương, các trường nghề có nhiều cơ hội thu hút thêm học viên…