Vì sao Toyota sản xuất trở lại xe Fortuner ở Việt Nam?

TPO - Lãnh đạo Toyota Việt Nam cho hay, sẽ từng bước gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, tạo công ăn việc làm gần 43.000 nhân viên trong toàn hệ thống, đại lý/chi nhánh và các nhà cung cấp; tổng số đóng góp thuế từ ngày thành lập đến nay gần 8 tỉ USD.
Đến đầu tháng 6/2019, Toyota Việt Nam xuất xưởng 500.000 xe, quay trở lại sản xuất xe Fortuner 2019 ở Việt Nam

Thông tin trên được ông Toru Kinoshita – Tổng Giám đốc công ty Toyota Việt Nam (TMV) chia sẻ tại lễ xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000 và sản xuất trở lại mẫu xe Fortuner tại nhà máy ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), ngày 6/6 vừa qua.  

Theo ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Toyota Việt Nam (TMV) là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư tại địa phương này (từ năm 1995).  Năm 2018, do ảnh hưởng từ các chính sách pháp luật liên quan đến thuế, Toyota Việt Nam chuyển chiến lược kinh doanh sang sản xuất các dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của Nghị định 116/NĐ-CP quy định về điều kiện nhập khẩu xe ô tô, từ tháng 1 đến giữa năm 2018, Toyota không thể nhập khẩu xe, nửa cuối năm mới thực hiện được, từ đó làm ảnh hưởng đến số nộp thuế nội địa trên địa bàn tỉnh.

 Cũng do ảnh hưởng của Nghị định 116, Toyota Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc gặp vướng mắc trong việc thuê thêm 9ha đất mở rộng nhà máy, xây đường thử đáp ứng Nghị định 116. Đến nay, cơ bản vướng mắc đã được giải quyết, đường thử mới cũng đã được đưa vào sử dụng. 

 Theo ông Trí, việc Toyota Việt Nam xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000 tại Việt Nam, quay trở lại sản xuất xe Fortuner tại nhà máy ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thể hiện bước đi đúng đắn, quan trọng trong việc mở rộng sản xuất, phát triển tại thị trường Việt Nam.

 Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thêm, báo cáo của Cục Công nghiệp về công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công thương) cho thấy, trong số các doanh nghiệp ô tô hiện nay, Toyota cũng là đơn vị có tỷ lệ nội địa hóa khá khi mà trung bình tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô mới chỉ đạt trung bình 7-10%. Các mẫu xe sản xuất và lắp ráp chiến lược như Vios, Innova của Toyota liên tục nằm trong danh sách những mẫu xe bán chạy nhất. Đến nay, mẫu MPV Innova vẫn là mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, tới 37%.

 “Năm 2018, Toyota đóng góp 827 triệu đô la Mỹ tiền thuế cho ngân sách nhà nước, nâng tổng số đóng góp thuế sau 24 năm thành lập tại Việt Nam lên 7,8 tỷ đô la Mỹ. Đây là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong hoạt động đóng góp thuế tại tỉnh Vĩnh Phúc”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Tổng Giám đốc TMV Toru Kinoshita cũng cho biết thêm, việc quay trở lại sản xuất mẫu xe Fortuner thể hiện một trong những cam kết của TMV đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là từng bước gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, tạo công ăn việc làm gần 43.000 nhân viên trong toàn hệ thống, đại lý/chi nhánh và các nhà cung cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng chủng loại xe của khách hàng, đóng góp vào ngân sách nhà nước.