>> Kỳ 3: Ống khói kỳ lạ nhất thế giới
Quan trắc hai ngày, 70 cảnh sát tháp tùng
Công văn số 4971/VPCP-KNTN ngày 16-7-2010 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng “giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá tác động, ảnh hưởng môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư do hoạt động của nhà máy thép Thái Hưng; kiến nghị biện pháp giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 3 năm 2010”.
Gần hết quý 3, theo ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ lại có văn bản nhắc nhở ngày 17-8. Đến sáng 7-9, kết quả quan trắc môi trường lần thứ ba ở Nhà máy Thái Hưng được ông Lê Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải dương, chủ trì công bố công khai cho toàn dân xã Kim Lương thông qua đại diện của họ.
Cuộc họp hôm ấy tiến hành sau việc giải thoát hai chiếc xe tải hiện đại của doanh nghiệp Hải Phòng bị người Hải Dương bắt giữ gần hai tháng nay. Trục trặc xuất hiện ở cả hai sự kiện.
Tại cuộc họp, chỉ 9/18 đại diện cộng đồng dân cư giám sát quá trình quan trắc đến dự. Số vắng mặt được lý giải một cách đơn giản, do năm người đến muộn, bỏ về sau khi vướng mắc qua cổng bảo vệ, và bốn người vắng không lý do.
Sự vắng mặt một nửa số đại diện nhân dân thực ra không đơn giản. Đợt quan trắc gần đây nhất, quan trắc lần thứ ba, chính quyền chỉ đạo đáp ứng tối đa đòi hỏi của dân. Không những mời 18 đại diện nhân dân giám sát, đơn vị quan trắc là Viện Công nghệ Môi trường, được Bộ TN&MT giới thiệu, thực hiện không chỉ bốn lần mỗi ngày mà còn làm thêm nhiều chỉ số ngoài yêu cầu.
Ông Lê Ngọc Sang, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kim Thành, nói: “Những ai phản ứng quyết liệt nhất thì đưa máy đến đó để quan trắc”.
Nhưng lại có một hiện tượng không bình thường. Khá hiếm trong đời các nhà quan trắc, trong hai ngày làm việc, 15 và 16-7-2010, nhóm quan trắc được 70 cảnh sát tháp tùng. Lý giải sự bất thường này, ông Lê Ngọc Sang nói: “Để khách quan, chúng tôi yêu cầu trưng dụng cảnh sát môi trường của tỉnh, huyện, bên cạnh đại diện dân, đại diện thanh tra nhân dân”.
Tại buổi công bố kết quả quan trắc sáng 7-9, một người rất có ảnh hưởng trong cộng đồng xã Kim Lương tuyên bố không tin kết luận 132 mẫu phân tích nước thải, khí thải và tiếng ồn đều trong giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật. “Các ông các bà đi quan trắc, đo đạc thế nào, dân chúng tôi có biết gì đâu”, người đàn ông nói.
Phải chăng, quan trắc không phải là cái mà dân cần, và hà cớ gì cuộc quan trắc kỹ chưa từng có phải có hàng mấy chục cảnh sát tháp tùng?
Ô nhiễm chỉ là cái cớ?
Như đã đề cập, ngay khi Nhà máy Thái Hưng đi vào hoạt động tháng 4-2009, dân đã có ý kiến. Sau khi quan trắc các thông số môi trường, trong đó có 26 thông số nước thải, 15 thông số tiếng ồn, và 15 thông số ô nhiễm không khí, “tỉnh và huyện hai lần tổ chức đối thoại với dân, dân vẫn chưa hài lòng”, ông Phan Ngọc Núi, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành, nói.
“Dân kiến nghị cứ kiến nghị. Có hay không cải thiện họ cũng bất biết. Có tuyên truyền giải thích nhưng một bộ phận không nghe. Đấy là cái khó”, ông Lê Ngọc Sang phân trần vào thời điểm huyện nhà vừa xong đại hội đảng bộ cấp huyện và cấp xã mà hầu như không có trục trặc gì.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? “Câu hỏi rất chính xác”, ông Sang thốt lên. Suy nghĩ một lúc, ông nói tiếp: “Chuyện xảy ra ở một địa phương không ổn định về an ninh trật tự. Dân lấy ô nhiễm làm cớ để được thể đấu tranh với chính quyền. Mục tiêu là đuổi nhà máy đi bằng được. Bởi vậy, họ có thể sợ, nếu quan trắc đảm bảo tiêu chuẩn rồi thì không có lý do để đuổi nhà máy, không có cớ để phản ứng. Ý thức chủ quan của dân là, ông muốn nói gì thì nói, không cần phải quan trắc gì cả. Vài mươi năm sau mới là bệnh tật chứ bây giờ đâu có thấy”.
Dân có phản ứng từ đầu hay sau khi có sự cố rò khí độc chlorine? “Nhà máy đang xây dựng, chả có lý do gì để phản ứng. Nhà máy chạy thử có bốn ngày mà đã nóng, mà đã tuyên bố có bệnh tật, có một số bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư, chứ đâu đợi đến sự cố. Căng biểu ngữ, cấm vận hoạt động ra vào cổng nhà máy, bế quan tỏa cảng”, ông Sang thông tin.
Theo ông Phan Ngọc Núi, huyện nhà cùng các huyện khác trong tỉnh Hải Dương đang chủ trương công nghiệp hóa nông thôn, thu hút đầu tư, và không tránh khỏi tác động đến môi trường. “Riêng nhà máy này, Tỉnh đặc biệt chú ý”, ông Núi nói.
Nhà máy được “đặc biệt chú ý” như thế nào? Vụ rò khí chlorine ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của dân xung quanh mà chính quyền và doanh nghiệp vẫn khăng khăng không ảnh hưởng. Sự thiếu sâu sát ấy của chính quyền khiến tình hình không dịu đi dù sau đó doanh nghiệp bồi thường gần 400 triệu đồng, dù có gia đình được đền 700.000 đồng cho một sào lúa mà năng suất cao nhất cũng chỉ hai tạ.
Hơn nữa, chỉ sau vụ rò khí chlorine, phương án quản lý các bình khí kiểu như thế mới được đặt ra nhưng chưa rõ ràng dù ông Sang có nói “đã chỉ đạo nhà máy không cho phép cắt bình khí nữa”. Tại sao được “đặc biệt chú ý” như ông Núi nói, sự cố không được ngăn chặn từ trước?
Vừa mới bước vào sản xuất, sự cố rò khí độc chlorine phần nào đó cho thấy nhà máy vẫn mắc căn bệnh kinh niên của các nhà máy khác ở Việt Nam. Đấy là sao nhãng khâu đào tạo kỹ năng cho lao động, sao nhãng khâu giám sát an toàn trong quá trình sản xuất và, nhất là, giám sát thành phần rác thải nhập vào Việt Nam, đánh giá mức độ độc hại của rác thải.
“90% nguyên liệu nhập từ Canada, Mỹ, Úc”, ông Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi, Giám đốc Nhà máy Phôi thép vuông Thái Hưng, nói. Vậy mà, bình khí chlorine làm bùng nổ xung đột với dân nằm trong số 70.000 tấn nguyên liệu đầu tiên Nhà máy Thái Hưng nhập với số tiền 24.500.000 USD để vận hành thử lò luyện thép.
Với lượng nguyên liệu sắt thép phế thải nhập hằng năm 324.000 tấn để sản xuất 295.000 tấn phôi thép/năm, thế là, nhân dân địa phương vẫn tiếp tục hoài nghi dù chính quyền và doanh nghiệp có cam kết nhiều bao nhiêu đi nữa.
Mổ ung nhọt, tùy thuộc chính quyền
Ông Phan Ngọc Núi nói: “Không thể dễ dàng mời người ta đến đổ vào hàng trăm tỷ đồng đầu tư rồi lại đẩy người ta đi”. Đến thời điểm này, các quan chức mà chúng tôi gặp đều chung ý kiến Thái Hưng đã làm tốt các yêu cầu mà địa phương đặt ra. 400 lao động, chủ yếu đến từ xã Kim Lương, đang háo hức chờ cái ngày mà họ ấp ủ. “Mỗi ngày không hoạt động, họ lỗ 400 triệu đồng”, ông Lê Ngọc Sang tiết lộ.
Nhà máy Thái Hưng sớm hay muộn cũng sẽ được phép chính thức hoạt động. Quyền bấm nút cho nhà máy hoạt động nằm trong tay chính quyền, nhưng ung nhọt tiềm ẩn xung đột lại nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.
Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ mới đây có ý kiến bằng văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẩn trương “kiến nghị biện pháp giải quyết”. Vấn đề là kiến nghị cái gì và kiến nghị như thế nào khi chính quyền các cấp Hải Dương vẫn tư duy cũ và cách chỉ đạo cũ. Họ chỉ nhìn thấy cái sai của dân chứ chưa thấy ai nói đến bất cập tồn tại từ phía chính quyền.
Tại sao lại cho đặt một nhà máy thép mới quy mô lớn tại Hải Dương trong khi một nhà máy thép khổng lồ khác lù lù ở tỉnh nhà mấy năm nay vẫn còn vấn đề môi trường chưa giải quyết được?
Thép là một trong số lĩnh vực công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nhất, lại tiêu tốn nhiều điện năng nhất. Hà cớ chi Hải Dương lại rước thêm gánh nặng ấy về?
Các quan chức tỉnh có tính bài toán cộng trừ số học đơn thuần giữa lợi nhuận thu được do doanh nghiệp đóng thuế với tổn thất do lấy đất của nông dân và ô nhiễm môi trường gây ra? Nếu nhân danh lợi ích chung và lâu dài của toàn tỉnh, việc lớn đó có được đưa ra bàn bạc dân chủ với dân, trước khi ra quyết sách không?
Cái ung nhọt ngăn cách chính quyền với dân, không sớm xử lý triệt để, sẽ có nguy cơ di căn sang các vùng khác của địa phương đang trong cơn lốc chuyển đổi đất nông nghiệp thành nhà máy. Có mổ xẻ ung nhọt ấy không, mổ thế nào để giúp thu hẹp khoảng cách giữa dân với doanh nghiệp và chính quyền, hay vẫn chỉ dựa trên áp đặt là chính? Câu trả lời tùy thuộc chính quyền tỉnh Hải Dương.