Vì sao thế giới choáng váng khi Mỹ tuyên bố dừng tài trợ cho WHO?

TPO - Tổng thống Donald Trump hôm nay khiến các nhà lãnh đạo quốc tế không khỏi choáng váng khi bất ngờ tuyên bố sẽ tạm dừng tài trợ Tổ chức Thế giới (WHO) giữa đại dịch COVID-19.
Ảnh: Shutterstock

WHO là gì?

WHO là một cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ), được thành lập năm 1948, vài năm sau khi LHQ ra đời.

Cơ quan này chịu trách nhiệm phối hợp các chính sách y tế quốc tế, đặc biệt về bệnh truyền nhiễm.

Tổ chức này bao gồm 194 quốc gia thành viên. Mỗi nước thành viên có một phái đoàn gồm các chuyên gia y tế và lãnh đạo cơ quan y tế.

Phái đoàn này đại diện cho các quốc gia trong Đại Hội đồng Y tế Thế giới - cơ quan ra quyết định tối cao của WHO.

Đại hội đồng họp hàng năm tại Geneva, Thuỵ Sĩ vào tháng 5 với sự tham dự của tất cả các nước thành viên.

Đại hội đồng có nhiệm vụ thông qua các chính sách của WHO; bầu cử các nước được đề cử đại diện vào Hội đồng chấp hành WHO; bầu Tổng Giám đốc WHO; giám sát chính sách tài chính, xem xét và thông qua ngân sách chương trình của WHO…

WHO có 6 văn phòng khu vực ở châu Phi, Bắc và Nam Mỹ, Đông Nam Á, Châu Âu, Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương, tập trung vào các vấn đề y tế đặc thù của khu vực. Ngoài ra còn có 150 Văn phòng Đại diện ở các nước thành viên.

Trong 70 năm kể từ khi thành lập, WHO đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó có việc loại bỏ bệnh đậu mùa, giảm 99% số ca mắc bệnh bại liện, và đóng vai trò tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại Ebola.

Mới đây, WHO tham gia hỗ trợ các quốc gia Nam và Đông Nam Á chống lại dịch sốt xuất huyết, cung cấp thiết bị, viện trợ tài chính, đào tạo chuyên môn cho các phòng khám địa phương.

Tuy có nhiều thành tích được ghi nhận, WHO cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích và cáo buộc, như quan liêu, chính trị hóa, và phụ thuộc vào một số nhà tài trợ chính.

Ai tài trợ cho WHO?

WHO được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tư nhân, các quốc gia thành viên hoặc LHQ.

Mỗi quốc gia thành viên được yêu cầu trả lệ phí hoạt động cho WHO. Số tiền này được gọi là “khoản đóng góp được đánh giá”, và được tính dựa trên sự giàu có, dân số của mỗi quốc gia.

Những khoản phí này chiếm một phần tư tổng kinh phí hoạt động của WHO.

Ba phần tư còn lại đến từ các khoản “đóng góp tự nguyện”, tức khoản đóng góp từ các quốc gia thành viên hoặc đối tác.

Trong số các quốc gia thành viên, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất. Trong kì tài trợ hai năm 2018 - 2019, Mỹ rót vào WHO 893 triệu USD.

Trong số này, có 237 triệu USD là khoản phí thành viên bắt buộc, và 656 triệu USD là khoản tiền tự nguyện.

Sự đóng góp của Mỹ chiếm 14,67% tổng số tiền đóng góp tự nguyện trên toàn cầu cho WHO.

Đứng thứ hai là Anh, với 434,8 triệu USD (cả lệ phí và khoản đóng góp tự nguyện). Tiếp đó là Đức và Nhật Bản. Số tiền đóng góp của Trung Quốc là 86 triệu USD.

Một trong những nhà tài trợ tự nhân lớn của WHO là Quỹ Bill và Melinda Gates, một tổ chức của Mỹ.

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ cắt “khoản đóng góp được đánh giá” hay “đóng góp tự nguyện” cho WHO.

Các nhà phê bình từ lâu đã báo buộc các quốc gia thành viên có mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với WHO dựa theo khả năng tài chính và vị thế chính trị.

Các nhà tài trợ lớn như Mỹ được cho là có ảnh hưởng quá lớn đến WHO. Điều này từng khiến Liên Xô và các đồng minh rời khỏi WHO trong một vài năm thời Chiến tranh Lạnh.

Mới đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc với WHO cũng bị áp đặt những hoài nghi tương tự.

Các nhà phê bình đặt câu hỏi liệu WHO có đủ độc lập hay không, khi Trung Quốc đang không ngừng gia tăng sự giàu có và quyền lực.

Tổng thống Trump và chính quyền Mỹ từng nhiều lần ám chỉ sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến WHO, khi cho rằng WHO liên tục thiên vị Bắc Kinh trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.

Tổng thống Trump nhấn mạnh khi Mỹ áp đặt các hạn chế đi lại đối với Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, WHO đã "phản đối những gì chúng tôi làm”.

"Các quốc gia và khu vực khác thực hiện theo hướng dẫn của WHO, tiếp tục mở cửa biên giới với Trung Quốc, nên đã đẩy nhanh đại dịch trên toàn thế giới", ông Trump nói thêm. “Quyết định của các nước lớn khác trong việc tiếp tục mở cửa biên giới đã khiến cơ hội bị bỏ lỡ từ những ngày đầu, và tạo ra thảm kịch.”

Đáp lại cáo buộc này, WHO không ngừng kêu gọi các nước thành viên “không chính trị hóa đại dịch”.

“Mỹ và Trung Quốc nên cùng nhau chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm này”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một tuyên bố tuần trước.

Theo Theo CNN