Chiều 20/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, ca bệnh 994, nam, 87 tuổi, cư trú tại xã Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ là trường hợp khó, do bệnh nhân không có tiền sử đi từ vùng dịch về, không liên quan đến các ổ dịch, cũng như không tiếp xúc với những người mắc/có nguy cơ mắc bệnh COVID-19.
Do vậy các cơ quan chức năng đã khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch ngay trong đêm 19/8, rạng sáng 20/8.
Rút bệnh nhân 944 khỏi danh sách mắc COVID-19
Đồng thời, trường hợp này cũng cần được kiểm chứng lại bằng nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau. Trong ngày 20/8, các kết quả xét nghiệm do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thực hiện đều cho thấy bệnh nhân 994 âm tính với virus SARS-CoV-2. Với kết quả xét nghiệm khẳng định của 2 đơn vị trên, Bộ Y tế rút trường hợp bệnh nhân 994 ra khỏi danh sách những người bị nhiễm SARS-COV-2.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, đây là một trong những trường hợp đáng lưu ý đối với các bệnh viện khi bệnh nhân đến khám có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát như một ca nghi nhiễm COVID-19.
Theo đó, các bệnh viện phải luôn đề cao cảnh giác, luôn luôn lưu ý các phản xạ lâm sàng; nhanh chóng kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa điểm trọng yếu là các cơ sở điều trị.
Ổ dịch Hải Dương: Cơ bản được kiểm soát
Đối với ổ dịch tại Hải Dương, tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận 12 trường hợp, tất cả đều liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi, chủng virus lây bệnh tương đồng với chủng virus tại Đà Nẵng. Đến thời điểm hiện tại ổ dịch tại Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với địa phương khẩn trương triển khai công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng để nhanh chóng dập dịch.
Theo Ban Chỉ đạo, kinh nghiệm từ Hải Dương cho thấy, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch thì sau khoảng hơn 1 tuần có thể kiểm soát tình hình.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng tín hiệu đáng mừng đến thời điểm này là tại các địa phương đã ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng không có dấu hiệu phức tạp hơn. Ban Chỉ đạo cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục phân tích, dự báo tình hình lây lan, khả năng kiểm soát. Các địa phương cần rút kinh nghiệm, nâng cao cảnh giác, củng cố hệ thống phòng thủ, phát hiện thật sớm, khoanh vùng nhanh để giảm thiểu mức độ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế
Ngày 20/8, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện hiện có trang thiết bị, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR phải sớm triển khai thực hiện xét nghiệm, tham gia phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, những bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định, bệnh viện đang làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, tiếp tục củng cố năng lực xét nghiệm phục vụ nhu cầu tại bệnh viện và tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị khác khi được yêu cầu.
Các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố chưa đủ năng lực xét nghiệm RT-PCR chủ động liên hệ với các đơn vị có năng lực để gửi mẫu xét nghiệm; đồng thời phải có kế hoạch, thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm xét nghiệm phù hợp, bảo đảm hiệu quả, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để nâng cao năng lực, đủ khả năng xét nghiệm sàng lọc, khẳng định virus SARS-CoV-2 trước ngày 31/12/2020.
Bộ Y tế yêu cầu thường xuyên theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế có các triệu chứng bệnh cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt lưu ý người đã tiếp xúc với người bệnh có nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng, khoa hồi sức, cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch. Đồng thời tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ; đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định tại hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngày 20/8, Bộ Y tế cho biết có thêm 14 ca mắc mới. Trong đó 12 ca trong nước (tại Đà Nẵng: 11, tại Quảng Nam: 1) và 2 ca nhập cảnh, cách ly ngay tại Khánh Hòa và TPHCM. Có 1 bệnh nhân là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh viện E trở lại hoạt động bình thường
9 giờ ngày 20/8, Bộ Y tế đã có công văn khẩn cho phép Bệnh viện E hoạt động trở lại bình thường. Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được công văn của Bệnh viện E về việc dỡ bỏ cách ly bệnh viện. Căn cứ phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 994, 87 tuổi âm tính với virus SARS-CoV-2 và báo cáo diễn biến lâm sàng của người bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19) nhất trí với đề xuất của Bệnh viện E, cho phép bệnh viện hoạt động trở lại từ 18 giờ ngày 20/8.