“Quân đội muốn có hai loại máy bay không người lái tự sát”, một thông báo được đăng trên trang web mua sắm của quân đội Trung Quốc (PLA). Các thông số kỹ thuật mong muốn hoặc số lượng cần mua được giữ bí mật.
Nhưng các nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc có những sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu của PLA. Trong năm 2018, công ty China Aerospace trình làng CH-901, phương tiện truyền thông Trung Quốc miêu tả là dài 1,3m và nặng 9kg, với tốc độ 150 km/giờ, tầm hoạt động 15 km trong hai giờ. WS-43 lớn hơn, nặng là một vũ khí nặng 225kg, tầm tác chiến 60 km, hoạt động tối đa 30 phút.
Hoặc là máy bay không người lái tấn công, hoặc là đạn pháo bay, tùy thuộc vào quan điểm mỗi người, tuy nhiên máy bay không người lái tự sát là những vũ khí của thế kỷ 21. Được nhiều khách hàng quân sự gọi là đạn lang thang, những vũ khí này thu hẹp khoảng cách giữa đạn pháo - không thể ở trên không - và các máy bay không người lái mang bom hay tên lửa như Reaper và Predator của Mỹ, những chiếc máy bay không người lái lớn và đắt tiền.
“Đạn lang thang” có cánh quạt, cánh, đầu đạn và máy ảnh. Chúng bay quanh một khu vực, quét camera để xác định mục tiêu và truyền lại hình ảnh cho người điều khiển. Khi người điều khiển nhìn thấy một mục tiêu đáng giá, anh ta có thể ra lệnh cho máy bay không người lái thực hiện một cú bổ nhào đâm thẳng vào mục tiêu.
Các ứng dụng tiềm năng của loại vũ khí này là rất nhiều. Drone có tên Switchblade của hãng Aerovision mà Thủy quân lục chiến Mỹ đặt hàng từ năm 2018, là một vũ khí 2,7kg bỏ vừa vặn trong ba lô của người lính.
Switchblade được thiết kế cho các tình huống khi một đội quân gặp phải súng cối của đối phương trên sườn dốc bên kia của ngọn đồi, không thể tiêu diệt bằng súng bắn thẳng. Thay vì chờ pháo hoặc không kích, đội quân đó có thể dùng Switchblade tiêu diệt mục tiêu. Hoặc trong trường hợp cần tiêu diệt một tay bắn tỉa trong tòa nhà mà dùng vũ khí khác có nguy cơ gây nguy hiểm cho dân thường, drone Switchblade có thể được cho bay qua cửa sổ tấn công mục tiêu. Đầu đạn của nó không mạnh hơn lựu đạn, nhưng đủ phá hủy một khẩu súng cối hoặc tiêu diệt tay súng bắn tỉa.
Cả Nga lẫn Mỹ đều chú trọng drone tự sát và có những phiên bản của riêng mình. Do vậy, chuyện quân đội Trung Quốc cũng muốn có thiết bị này không có gì đáng ngạc nhiên.