Vì sao hàng nghìn ngôi mộ trong Nghĩa trang Bình Hưng Hoà chưa thể di dời
TPO - Từ năm 2010, TPHCM đã có chủ trương giải tỏa khu Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị cho khu vực. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên việc di dời rất chậm.
Dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) với mục tiêu cải tạo môi trường cho hơn 300.000 dân tại khu vực tiếp giáp nghĩa trang, gồm phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A của quận Bình Tân và phường Tân Quý, phường Sơn Kỳ, phường Phú Thọ Hòa của quận Tân Phú.
Ngoài hàng chục ngàn ngôi mộ, Nghĩa trang Bình Hưng Hòa còn có Trung tâm hoả táng Bình Hưng Hoà.
Khu Nghĩa trang Bình Hưng Hòa khi được di dời, giải tỏa mặt bằng sẽ góp phần thực hiện chỉnh trang, cải tạo bộ mặt đô thị, giải quyết tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội ở khu vực này.
Quy mô diện tích toàn khu Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là hơn 53,6ha. Trong đó phần diện tích đất thu hồi là hơn 40,6ha, gồm 53.956 ngôi mộ và 97 hộ có nhà, đất bị ảnh hưởng.
Dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa bắt đầu được thực hiện từ năm 2014 và chia làm 3 giai đoạn. Tính đến tháng 1/2023, quận Bình Tân đã vận động thân nhân các mộ thực hiện bốc hơn 29.000 mộ (đạt hơn 54%), còn lại khoảng 25.000 mộ.
Với số lượng mộ lớn, quận Bình Tân chia thành 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 có 15.539 mộ bị ảnh hưởng, thực hiện từ năm 2014, đã vận động thân nhân đăng ký kê khai 13.728 mộ, trong đó có 13.628 mộ đã di dời, còn lại 1.911 mộ chưa tìm được thân nhân.
Giai đoạn 2 có 16.848 mộ bị ảnh hưởng, bắt đầu thực hiện từ năm 2018, thân nhân đã đăng ký kê khai 11.754 mộ và di dời 11.406 mộ, còn lại 5.442 mộ chưa thực hiện bốc mộ, di dời.
Giai đoạn 3 có 21.569 mộ bị ảnh hưởng, thân nhân đã kê khai đối với 5.634 mộ, đã di dời 4.208 mộ, còn lại 17.361 mộ chưa di dời. Quận Bình Tân đang lập các thủ tục trình UBND TPHCM phê duyệt chủ trương thực hiện dự án giai đoạn 3.
Đến nay, thân nhân các mộ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, một số người đã di cư sang nước ngoài nên công tác tìm kiếm các thân nhân gặp nhiều khó khăn dẫn đến thời gian thực hiện bị kéo dài.
Một người chăm sóc mộ lâu năm tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà.
Ông than thở rằng bây giờ rất ít người nhờ chăm sóc hay quét mộ. Sắp tới ông vẫn chưa biết làm gì khi khu Nghĩa trang Bình Hưng Hòa giải toả.
Theo UBND quận Bình Tân, cái khó của việc di dời mộ không phải là tiền hay cách làm mà là không tìm được thân nhân. Trong hơn 1.900 mộ giai đoạn 1 có khoảng 900 ngôi mộ trẻ sơ sinh, còn lại không có thân nhân kê khai.
Từ năm 2015, quận Bình Tân lập website về dự án, đăng báo, thậm chí làm cả phóng sự truyền hình phát ở nước ngoài, nhờ hội đồng hương tương tế các tỉnh thành hỗ trợ thông báo.
Trong dịp Tết Thanh minh, quận cử cán bộ xuống nghĩa trang chờ thân nhân tới để thông tin, vận động đăng ký bốc mộ.
Do đó, UBND quận Bình Tân đã kiến nghị UBND TPHCM cho phép bốc mộ tập trung theo diện không có thân nhân để kết thúc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án ngay trong năm 2023, tránh để quá lâu ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự.
Theo UBND quận Bình Tân, thủ tục kê khai mộ khá đơn giản, thân nhân chỉ cần cung cấp căn cước công dân và giấy chứng tử, nếu không có giấy chứng tử thì điền thông tin tường trình theo mẫu và về địa phương xác nhận, tự cam kết nội dung kê khai.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, thân nhân chọn ngày bốc mộ và thông báo, đăng ký trước 1 tuần cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân.
Hiện tại, việc bốc mộ tại nghĩa trang được ký kết với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco) để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chí phí bốc mộ tùy thuộc vào mộ đất hay mộ tường, còn cốt hay không. Nếu thực hiện vào mùa khô theo kế hoạch (từ ngày 1/11 năm trước đến ngày 30/4 năm sau), chi phí bốc mộ sẽ thấp hơn so với thời gian còn lại trong năm.
Bốc mộ xong, nhân viên công ty sẽ bàn giao tro cốt cho thân nhân. Sau khi hoàn tất thủ tục, thân nhân có mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa quay về Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân nhận kinh phí hỗ trợ bốc mộ, di dời.
Nếu bốc mộ vào mùa khô, Citenco sẽ tạm ứng chi phí và khấu trừ khi thân nhân làm thủ tục nhận kinh phí di dời. Trong trường hợp bốc mộ vào thời gian còn lại, thân nhân thanh toán trực tiếp cho Citenco.
Thân nhân có mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa đăng ký kê khai, đăng ký bốc mộ tại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân (số 380 Kinh Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân, đối diện Bến xe Miền Tây).
"Con đường này trước kia hai bên mộ dày đặc", bà Nguyễn Thị Linh - người dân sống cạnh khu Nghĩa trang Bình Hưng Hòa chia sẻ.
Dấu hoang phế ở khu đất Thánh.
Khu vực này chỉ vừa bốc vài ngôi mộ.
Đối với quy hoạch nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau khi di dời, quận Bình Tân đã xin ý kiến lãnh đạo TPHCM không quy hoạch vào mục đích thương mại, nhà ở nữa mà dùng toàn bộ làm công viên cây xanh, công trình thể thao, quảng trường, trường học.
Dự kiến có 2 cụm trường học với 6 ngôi trường được xây dựng ở khu vực nghĩa trang để bổ sung quỹ phòng học, kéo giảm sĩ số và tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.