Vì sao Grab hủy cuộc đối thoại với các tài xế vào phút chót?

TPO - Với mong muốn cuộc đối thoại mở, công khai minh bạch thông tin trước truyền thông đại chúng, nhưng đến phút chót các tài xế bất ngờ nhận được tin từ phía Grab hủy cuộc đối thoại.
Vào phút chót, Grab bất ngờ hủy cuộc đối thoại với đối tác vào chiều ngày 18/1.

Sáng 15/1, hàng trăm tài xế Grab loại hình ô tô đã đến trụ sở Grab tại một tòa nhà trong ngõ 78 phố Duy Tân (Hà Nội) để phản đối việc đơn phương tăng chiết khấu của hãng và mong có một thỏa thuận hài hòa giữa hai bên.

Sau đó, Grab đã hứa sẽ tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện cấp cao của họ với đại diện bên phía chủ xe và tài xế (gọi chung là đối tác) vào khoảng 14h ngày 18/1. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đã không diễn ra như dự kiến do hai bên không đạt được thỏa thuận ban đầu.

Hàng trăm tài xế Grab loại hình ô tô đã đến trụ sở Grab yêu cầu giảm chiết khấu.

Cụ thể, về những người tham dự buổi đối thoại, Grab yêu cầu phải là chủ xe hoặc tài xế. Nếu là chủ xe phải đang trong thời gian hợp tác với Grab, nếu là tài xế phải đang hoạt động bình thường, không bị khóa tài khoản.

Đại diện Grab cũng yêu cầu và chỉ cho phép các đối tác cử 5 đại diện tham gia buổi đối thoại có danh sách kèm theo chứ không phải 20 đại diện như thỏa thuận ban đầu và phải xuất trình văn bản đại diện cho tất cả các đối tác. Trong cuộc đối thoại Grab yêu cầu không có sự tham gia của luật sư và truyền thông.

Về phía đối tác, họ nhất trí về việc những người tham gia là những chủ xe và tài xế vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, phía các đối tác cho rằng, họ đều hợp tác lâu năm với Grab nên ai cũng có đủ điều kiện tham gia cuộc đối thoại này và không có nhu cầu ủy quyền cho đối tác khác. Thế nên, bên đối tác cho rằng yêu cầu cử 5 đại diện tham gia cuộc đối thoại là chưa thỏa đáng. Phía đối tác cũng mong muốn đây là cuộc đối thoại mở, công khai minh bạch thông tin trước truyền thông đại chúng.

Chiết khấu cao lên đến 28,36% làm ảnh hưởng đến nguồn thu của tài xế Grab.

Trước đó, Grap đơn phương tăng chiết khấu từ 23,6% lên 28,36% đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của các tài xế. Về phần mình, các tài xế đến trước trụ sở Grap đình công và mong muốn hãng sẽ giảm chiết khấu về mức 15% như trước thời điểm tháng 8/2017.

Các đối tác cũng mong muốn bên Grab công khai các giấy tờ về thuế với mức 4,5% trừ trực tiếp vào cước phí, về mức chiết khấu cao tăng dần theo thời gian làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của tài xế.

Không chỉ gặp khó khăn về chiết khấu, các tài xế Grab với dịch vụ ô tô còn gặp khó khi từ ngày 11/1/2018, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành cắm các biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động trong khung giờ từ 6h - 9h, từ 16h30 - 19h30 tại 13 tuyến phố. Mức tiền thì cố định trên ứng dụng (app) còn tài xế muốn trả khách thì buộc phải đi đường vòng và những km đường đó hiển nhiên được định giá miễn phí.