Vì sao giá hồ tiêu tăng phi mã dù nguồn cung không thiếu?

TPO - Chỉ trong thời gian ngắn, giá hồ tiêu bất ngờ tăng nhanh sau khi “chạm đáy”. Đáng nói, sản lượng hồ tiêu không quá thiếu hụt dù năm nay toàn vùng nguyên liệu bị mất mùa.
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch hồ tiêu

Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Dù vườn tiêu thưa trái, nhiều nông dân vẫn vui mừng vì được giá.

Chị H'Djuang Niê (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, đang thuê thêm người hái hơn 1ha tiêu. Dù chưa thu hoạch xong nhưng nhiều thương lái đến tận nhà chị hỏi mua với giá 65-70 nghìn đồng/kg. Có người còn đưa tiền trước cho nông dân để giữ hàng.

Ông Nguyễn Văn Tiến (ở thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) tiếc nuối khi tiêu được giá nhưng sản lượng ít. Trước đây, nhà ông có 2.000 trụ tiêu xanh tốt nhưng sau đó nhiễm bệnh, chết hơn một nửa; tiêu lại xuống giá nên không mặn mà chăm sóc. Vụ này, ông dự kiến thu hoạch khoảng 5 tấn tiêu hạt. Ông định bán một ít, còn trữ lại chờ tăng thêm giá.

Hiện tại, các tỉnh Tây Nguyên mới bước vào vụ thu hoạch tiêu

Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Cty Simexco Đắk Lắk cho biết, giá tiêu đang tăng cao. Từ mức 55 nghìn đồng/kg, chỉ trong 15 ngày, hồ tiêu tăng thêm gần 20 nghìn đồng/kg (hiện trên 70 nghìn đồng/kg). Tuy nhiên, giá hồ tiêu mới chỉ tăng mạnh ở nội địa (vùng sản xuất), còn thị trường tiêu thụ (nước ngoài) không dao động nhanh như vậy.

Theo ông Huy, thực tế, nguồn cung cũng không quá khan hiếm vì Việt Nam mới vào vụ thu hoạch, sản lượng sẽ rất nhiều, chưa kể các doanh nghiệp đều còn hàng dự trữ.

Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh (25,3%) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng hàng nhập khẩu lại tăng hơn 13%.

Nông dân vui mừng khi tiêu tăng giá

Hai tháng đầu năm, Cty Simexco Đắk Lắk mới xuất khẩu được 400 tấn hồ tiêu (đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái) và vẫn chưa có kế hoạch nhập hàng trước cơn sốt giá này.

Trước tình hình này, ông Huy nhận định nông dân có thể bán một phần sản lượng đã thu hoạch với mức giá này để trang trải, không nên vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống.

Lý giải hồ tiêu tăng giá, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội hồ tiêu Chư Suê (Gia Lai) cho biết, năm nay các vùng nguyên liệu hồ tiêu trên cả nước đều mất mùa nặng (do ảnh hưởng thời tiết, người dân ít đầu tư vì giá thấp).

Nông dân biết được sản lượng tiêu giảm thì giá tăng nên họ không bán hết, trữ lại chờ tăng giá thêm. Nhiều đại lý, doanh nghiệp, thậm chí những người có tiền cũng mua hồ tiêu để đầu cơ.

Chuyên gia cho rằng, sản lượng tiêu không quá khan hiếm dù mất mùa

Theo ông Bính, quy luật cung cầu, hàng ít thì giá tăng; ngoài ra, hồ tiêu đang vào chu kỳ lên giá. Có thời điểm năm 2015, giá tiêu chạm đỉnh 200 nghìn đồng/kg, sau đó giảm sốc xuống còn 34-35 nghìn đồng/kg.

Để tránh rủi ro lập lại, ông Bính khuyến cáo nông dân không vội tái canh, nên chọn giống tốt, đất phù hợp, trồng tiêu trên trụ sống, trồng xen canh với các loại cây khác, canh tác theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm…