Vì sao EVN bị "cấm cửa" đầu tư ngân hàng, BĐS?
Có nhiều nguyên nhân khiến EVN bị “cấm cửa” ở hoạt động đầu tư vào tài chính, nhân hàng, BĐS mà chủ yếu là EVN đã từng thua lỗ nặng khi đầu tư dàn trải ở BĐS và EVN Telecom.
Mới đây Chính phủ đưa ra dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điểm đáng chú ý trong dự thảo là Chính phủ sẽ thống nhất thành lập Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, trên cơ sở nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập.
Trong nội dung dự thảo Chính phủ nhấn mạnh Tập đoàn EVN sẽ không được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Chính phủ chủ trương quy định rõ một số ngành, nghề kinh doanh chính của EVN, gồm: sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện…
Ngay cả lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, Chính phủ cũng chỉ cho phép EVN tham gia các mảng cụ thể như nghiên cứu, tư vấn đào tạo.
Có nhiều nguyên nhân khiến EVN bị “cấm cửa” ở hoạt động đầu tư vào tài chính, nhân hàng, BĐS mà chủ yếu là việc EVN đã từng thua lỗ nặng khi đầu tư dàn trải ở BĐS và EVN Telecom.
Lỗ khủng khi đầu tư ngoài ngành
Còn nhớ cuối năm 2011, Bộ Công thương công bố tổng số tiền EVN đầu tư ngoài ngành lên đến 2.108 tỷ đồng và có gần 80 tỷ đồng đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên theo giới đầu tư BĐS con số thức tế đầu tư ngoài ngành mà chủ yếu là BĐS của EVN còn lớn nhiều.
Tính đến thời điểm đầu năm 2011, chỉ tính riêng số lượng CP của CTCP bất động sản Điện lực Sài Gòn Vina mà EVN nắm giữ đã lên đến 13,5 triệu CP, tức tương đương với giá trị tính theo mệnh giá 10.000 đồng/CP là 135 tỷ đồng, gấp rưỡi con số Bộ Công Thương đưa ra. Chưa kể, trong cơ cấu cổ đông của Sài Gòn Vina còn có Tổng công ty Điện lực Miền Nam (5,99%), Tổng công ty Điện lực TP.HCM (21,56%), đều là thành viên của EVN.
Về ngân hàng tài chính, năm 2010Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) thành lập vốn điều lệ 397 tỷ đồng, trong đó EVN sở hữu 28,93% cổ phần, tương đương mức góp vốn 114,87 tỷ đồng. Trong danh sách cổ đông sáng lập của ABS có cả NHMCP An Bình (ABB) với tỷ lệ sở hữu 5,04%. Giai đoạn 2011 EVN từng cùng lúc đầu tư tới 115 tỷ đồng vào Ngân hàng An Bình (ABB), đầu tư đến 1.000 tỷ đồng vào Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFC).
Bên cạnh đó, EVN thua lỗ vào lĩnh vực công nghệ thông tin với việc đầu tư 100% vốn vào EVN Telecom, với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 giảm tới 42% so với năm 2009. Nếu như năm 2008, lợi nhuận đạt được 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010.
Báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho thấy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư ra ngoài ngành lớn với 3,27% vốn chủ sở hữu, tương đương 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và tài chính.
Trong khi đó, EVN liên tiếp bị lỗ trong năm hai năm gần đây. Tổng số lỗ của EVN năm 2010 trên 8.400 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%. Riêng khâu sản xuất, kinh doanh điện lỗ trên 10.500 tỷ đồng. Bước sang năm 2011, EVN cũng bị lỗ tới 3.500 tỷ đồng.
“Tập trung vào điện là nhiệm vụ chính trị của EVN”
Xung quanh những điểm mới trong dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Minh Phong nguyên cán bộ Viện nghiên cứu kinh tế Hà Nội cho biết: “EVN nên tập trung vào điện là đúng vì đây là ngành kinh doanh vừa có lãi vừa là nhiệm vụ chính trị”.
Đánh giá về các hoạt động EVN không được đầu tư là tài chính, ngân hàng, BĐS, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các hoạt động đầu tư vào ngân hàng, BĐS lúc này đang gặp khó khăn hơn nữa hoạt động đầu tư vào các ngành này cũng không cần thiết cho EVN.
Cũng đưa ra nhận định mới về việc Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông Quân đội trong đó cho phép Tập đoàn Viễn thông Quân đội còn được phép kinh doanh trong lĩnh vực Tài chính, ngân hàng, bất động sản, thương mại… TS Nguyễn Minh Phong cho biết: “Đây là điều hợp lý bởi Viettel đang có nhiều dự án đầu tư tại nước ngoài, cho phép Viettel đầu tư vào ngân hàng sẽ giúp cho việc giao dịch tài chính của đơn vị này với các dự án trong và ngoài nước”.
Tuy nhiên theo ý kiến lo ngại việc cho phép Viettel được đầu tư dàn trải quá nhiều dễ thất thu vốn hoặc nguy hại hơn là sẽ trở thành một Vinashin thứ hai, TS Nguyễn Minh Phong bác bỏ khi phân tích: “Viettel là đơn vị kinh tế quân đội họ có đặc thù khác và ai cũng thấy điều làm nên thành công của họ đó chính là kỷ luật nên sẽ không có chuyện đầu tư dàn trải dẫn đến thua lỗ như Vinashin”.
Theo GDVN