Vì sao 'Cuộc phỏng vấn' khó chọc cười người Triều Tiên?

Bộ phim hài "The Interview" (Cuộc phỏng vấn) của Hollywood đã có được không ít fan sau khi công chiếu chính thức, bất chấp đe dọa từ Triều Tiên và các hacker. Nhưng với những người Triều Tiên, ngay cả các cá nhân đã chạy trốn khỏi đất nước này, bộ phim vẫn không có yếu tố hài hước đáng cười nào trong đó.
Randall Park bị người Triều Tiên chê vì không giống ông Kim Jong Un.

Không thể nói, chẳng có người Triều Tiên nào muốn xem "Cuộc phỏng vấn". Thực tế, nhiều người đào tẩu khỏi Triều Tiên đang sống ở Seoul, Hàn Quốc đã đổ tới các rạp chiếu để thưởng thức bộ phim đang gây tranh cãi này, với nội dung xoay quanh âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên.

"Không hiểu vì sao phim khiến người ta cười"

Mỹ cáo buộc, việc phim mô tả ông Kim đã khiến Bình Nhưỡng ra lệnh mở cuộc tấn công mạng quy mô lớn vào Sony Pictures, hãng đã làm ra bộ phim.

Triều Tiên hiển nhiên đã bác bỏ cáo buộc, yêu cầu mở cuộc điều tra chung với Mỹ để làm rõ trắng đen. Các tranh cãi ồn ào kiểu này quanh Cuộc phỏng vấn dường như đã là động lực chính để khán giả tới rạp hoặc tải phim xuống từ mạng Internet, bao gồm các khán giả Triều Tiên.

"Mọi người đào tẩu tôi quen biết đều đã xem phim" - Kim Sung-Min, người chạy trốn Triều Tiên vào năm 1996 nói với AFP - "Chúng tôi đã bàn tán khá nhiều về phim này trong tuần qua và cảm thấy không thể hiểu vì sau nó lại khiến những người ngoại quốc bật cười".

Các đường dẫn Internet tới bộ phim đã nhanh chóng được chia sẻ trong cộng đồng 20.000 người Triều Tiên đào tẩu đang sống ở Seoul, sau khi Sony quyết định phát hành phim vào dịp Giáng sinh năm 2014, bất chấp lời đe dọa của các tay tin tặc. Phản ứng của những người xem phim xong thường là sốc và kinh ngạc khi biết đây là phim hài.

Sự kinh ngạc không chỉ bởi các tình tiết hài hước khá "thô" trong phim là thứ lạ lẫm với các khán giả Triều Tiên. Một nguyên nhân nữa là do những người đào tẩu đã quen sống dưới ảnh hưởng khổng lồ của ông Kim và gia đình ông nên họ vẫn không thể quen với việc hình ảnh của ông bị Hollywood mang ra nhạo báng.

Ngay cả những người đào tẩu đã ở Hàn Quốc nhiều năm cũng khó chấp nhận việc Kim bị bêu riếu như fan cuồng của nữ ca sĩ bốc lửa Katy Perry và có mối quan hệ đầy rắc rối với cha đẻ.

"Với tôi, đây không phải phim hài. Nó giống như một trò gây sốc vì cách thức chọc cười dựa trên ông Kim Jong-Un" - Park Sang-Hak, người đào tẩu khỏi Triều Tiên từ năm 1999 nói với hãng tin AFP.

Ít ảnh hưởng vì diễn viên không giống... ông Kim

Chính yếu tố bêu riếu hình ảnh ông Kim Jong Un là l‎ý do để Park và một nhóm các nhà hoạt động khác định dùng bóng bay cỡ lớn để thả 100.000 đĩa DVD và ổ đĩa USB chứa phim Cuộc phỏng vấn vào Triều Tiên. Park nói, việc chứng kiến ông Kim bị bêu riếu hình ảnh sẽ là trải nghiệm mới lạ với người dân trong nước.

Việc có người Triều Tiên nào thấy bộ phim là "trải nghiệm mới lạ" hay không thì vẫn còn phải chờ. Có điều chắc chắn không ít người sẽ bực tức, giận dữ vì bộ phim.

"Với người Triều Tiên, chuyện này thật chẳng khác nào việc bêu riếu Chúa Jesus là kẻ xấu xa. Sẽ chẳng có gì hài hước cả" - Park nhận xét.

Phim Cuộc phỏng vấn đã được công chiếu tại Mỹ sau nhiều sự cố ồn ào.

Nhóm của Park đã có kế hoạch thả các quả bóng bay đầu tiên chứa đầy phim và truyền đơn vào cuối tháng này. Một số người khác trong nhóm lại tìm cách gửi các đường dẫn Internet tới bộ phim cho những người cấp tin của họ vẫn đang ở lại Triều Tiên.

Theo lời ông Kim Sung-Min, những người này sống gần khu vực biên giới với Trung Quốc và họ có kết nối Internet nhờ những chiếc điện thoại đặc biệt gửi tới từ Triều Tiên

Tại một buổi chiếu "Cuộc phỏng vấn" ở một quán bar ở Seoul trong thời gian gần đây, các khán giả nói, bộ phim hài này, vốn dựa nhiều vào những màn pha trò thô bỉ, sẽ có thể trở thành công cụ tuyên truyền chống Triều Tiên, thông qua việc phá hỏng thông điệp mà nhà nước Triều Tiên gửi tới nhân dân.

Nhưng ý định mang tính phá hoại này sẽ phải đối mặt một thực tế, phần lớn nội dung "Cuộc phỏng vấn" hoàn toàn xa lạ với các khán giả Triều Tiên, những người không quen xem phim hài, chưa nói tới hài tục như trong phim.

"Phim chẳng có gì nhiều để khiến tôi cười, bởi những người Triều Tiên chúng tôi không quen xem phim hài" - Lee Han-Byul, một người đào tẩu nằm trong nhóm 100 khán giả mới xem Cuộc phỏng vấn ở Seoul, cho AFP biết - "Ở Triều Tiên không có các bộ phim hài và chúng tôi có khiếu hài hước khác mọi người".

Có một chi tiết nữa của "Cuộc phỏng vấn" đã khiến các khán giả Triều Tiên như Lee rất thất vọng là Randall Park, diễn viên người Mỹ gốc Hàn Quốc thủ vai ông Kim Jong Un, hoàn toàn không giống nhà lãnh đạo này.

"Diễn viên đó chẳng giống ông Kim Jong-Un chút nào cả" - bà phàn nàn - "Ở Triều Tiên, các diễn viên trong phim phải tuyệt đối giống người hùng mà họ thủ vai".

Theo Theo Thể thao Văn hóa