Về quê

TP - Cứ mỗi dịp như thế này, lại nôn nao mấy chữ “về quê ăn Tết”.

>> Hơn 5,5 tỷ đồng cho nông dân nghèo vui Tết

Thế giới rộng lớn, người từ vạn dặm bên kia đại dương, người từ tít tắp mọi miền đất nước đều chung một tâm trạng mong ngóng, bồi hồi. Cả người được về lẫn người không có điều kiện để về. Người già bất giác cũng như con trẻ.

Hình ảnh quê nhà ngày Tết len lỏi trong mỗi tâm thức như ngọn khói lay nhẹ làn sương sớm mưa xuân. Nơi ấy, những rặng duối bờ ao, mái đình, cổng làng, những kinh rạch phù sa với con xuồng ba lá đang đón đợi bước chân ta về.

Nơi bàn thờ ông bà tổ tiên khói hương ấm áp xua tan mọi muộn phiền thua thiệt ở đời

Buổi sáng, ghé quán phở Bắc quen thuộc đầu ngõ, đã thấy cửa đóng then cài, bàn ghế xếp đống. Thế là về quê ăn Tết rồi ! Mấy quán bún riêu, bún chả, rồi những người bán dạo vé số, khoai nướng, sách báo, cân sức khỏe từ các nơi đổ về thành phố mưu sinh, giờ cũng thưa vắng trên đường.

Trong mọi món quà Tết, năm nay xuất hiện thêm một món quà đặc biệt, đó là những chiếc vé xe vé tàu cho công nhân, sinh viên nghèo về quê ăn Tết. Báo chí cũng đưa tin, để về quê ăn Tết, nhiều giáo viên phải chạy vạy vay tiền, nhiều sinh viên phải ra tiệm cầm đồ.

Thế giới không rõ có cuộc “di cư” nào lớn hơn cuộc về quê ăn Tết của người Phương Đông ? Tết năm nay, Trung Quốc có tới 2,85 tỷ lượt người tàu xe về quê ăn Tết với dòng người khoảng 700 triệu - chiếm một nửa dân số nước này tham gia cuộc di cư vĩ đại vào mùa Xuân.

Báo chí Trung Quốc cũng đưa tin về hai chàng sinh viên đeo ba lô đi bộ 400 cây số để về quê ăn Tết. Không phải thiếu tiền, mà nhân dịp này để trải nghiệm, như hai chàng phát biểu, rằng cuộc đi còn giá trị hơn đọc ngàn cuốn sách.

Còn gì buồn hơn Xuân tha hương. Như câu thơ của cố thi sĩ Vũ Hữu Định, tác giả “Còn chút gì để nhớ để quên”: “Năm nay ăn Tết cùng ông quán/Mồng Một đời cay miếng mứt gừng”. Bữa rượu cuối năm giữa ngày tháng long đong lưu lạc, chàng thi sĩ bất chợt gặp người em trai non dại cũng bị lốc bụi cuộc đời cuốn đi: “Long lanh mắt chú sao đầy rượu/Mắt có xa quê với bóng thầy/ Chú ạ ! vô tình anh mới khóc/ Vô tình vuốt mắt để nghe cay”. Cái lạnh cái cay của Vũ Hữu Định hay Nguyễn Bính là sự bơ vơ của tâm hồn khi không thể neo đậu lại quê hương giữa khi năm hết Tết về trên bước đường đời luân lạc.

Về quê, không phải là chuyến di cư thông thường, mà là cuộc hành hương bất tận của mỗi đời người. Không chỉ là những bước đi ngoài hiện thực, mà còn trong đời sống tâm tưởng, trong những giấc mơ ngày. Rằng ta còn có một quê hương bình yên và yêu dấu để ngóng chờ. Để vững vàng hơn trong những bước đường mưu sinh và sáng tạo. Để thêm yêu đời, yêu người, yêu đất nước mình.

Theo Báo giấy