Bỏ phố về quê nuôi hươu
Là cử nhân ngành kinh tế - Trường Đại học Vinh, năm 2018, sau khi tốt nghiệp, anh Nguyễn Hồng Tiệp không xin việc ở các thành phố lớn mà lựa chọn về quê để lập nghiệp với mong muốn phát triển chăn nuôi hươu sao.
Anh Tiệp vốn sinh ra trong gia đình truyền thống chăn nuôi hươu ở thôn 8, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nhận thấy loài vật này có thu nhập cao, nhưng ở địa phương chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nên anh đã tập trung dành thời gian để tìm hiểu về thị trường và nguồn giống với ấp ủ ước mơ chăn nuôi hươu quy mô lớn.
Khi bàn chuyện làm trang trại chăn nuôi hươu, ban đầu anh Tiệp bị người thân trong gia đình ngăn cản. Bởi cho rằng Tiệp còn quá trẻ, lại có bằng đại học nên hy vọng con sẽ làm việc ở các công ty hay cơ quan nhà nước.
Nhưng khi biết đam mê và nguyện vọng của con trai, bố mẹ, họ hàng đã đồng ý cho anh mượn vốn để lập nghiệp. Nghĩ là làm, từ tháng 5/2021, anh Tiệp cải tạo vườn đồi của gia đình với diện tích rộng 2,5ha để xây dựng 3 dãy chuồng trại.
Anh Tiệp chia sẻ, đối với hươu quan trọng nhất là khâu chọn giống, khi con giống đạt chất lượng tốt thì sau con giống và chất lượng nhung cũng đạt chuẩn, cho thu nhập cao.
Với kỹ năng chăm sóc hươu từ nhỏ, anh Tiệp chia sẻ, hươu đực phải chọn những con có ngoại hình đẹp, cao, mập mạp và đế sừng phải to, nguồn giống bố tốt; còn hươu cái phải chọn theo huyết thống và theo lý lịch, tránh cận huyết.
Quá trình để hình thành trang trại, anh đi khắp huyện để tìm và mua con giống. Có những con hươu đực anh bỏ cả trăm triệu để mua về nhân giống. Bước đầu nuôi quy mô 200 con, toàn bộ chi phí khởi nghiệp ban đầu anh bỏ ra hơn 1 tỷ đồng, số tiền này vay mượn từ ngân hàng và người thân.
“Thời gian đầu đi mua gặp khó khăn vì thời điểm đó con giống hiếm, đặc biệt để tuyển chọn được giống tốt lại càng khó. Nhiều khi có những con giống phải chấp nhận mua giá rất cao, còn phải nài nỉ chủ nhà họ mới bán”, anh Tiệp chia sẻ.
Doanh thu 3 tỷ/năm
Anh Tiệp cũng chia sẻ, để đàn hươu phát triển tốt, khoẻ mạnh ngoài việc áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi truyền thống, anh còn tận dụng phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ lạc, mùn cưa, rơm khô, lá chuối… để làm đệm lót sinh học cho chuồng trại. Cách làm này vừa hạn chế được mùi hôi, tiết kiệm được chi phí dọn chuồng trại và đặc biệt sử dụng làm phân bón cho cỏ, hàng ngàn gốc cam tại vườn đồi.
“Phân hươu được sử dụng để bón cho cỏ, cây ăn quả. Hươu chủ yếu ăn lá rừng, cỏ trồng ở vườn, ngô, sắn, nhưng các thực phẩm phải đảm bảo sạch sẽ, nếu không sẽ gây ra các bệnh về đường ruột. Để chăm sóc được đàn hươu, mỗi ngày có 2 lao động chính cắt cỏ và cho ăn 3 lần/ngày”, anh Tiệp nói.
Lập nghiệp khi tròn 25 tuổi, nhiều người trong làng và cả người thân lo ngại chàng trai trẻ chưa đủ kinh nghiệm để làm trang trại chăn nuôi, nhưng đến nay, chỉ sau mới hơn 1 năm triển khai mô hình đã có bước ngoặt thành công lớn, được đánh giá cao.
Hiện trang trại của anh có 100 con hươu đực đang cho lộc nhung và nhiều hươu cái đã sinh sản chờ ngày xuất bán con giống ra thị trường.
“Doanh thu trang trại hiện nay đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 10 người dân tại địa phương. Tôi đang ấp ủ xây dựng trang trại trở thành trại nuôi hươu lớn nhất tỉnh. Ngoài cung cấp con giống ra thị trường, tôi cũng liên kết với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để cung ứng con giống, hỗ trợ kỹ thuật nhằm có đầu ra ổn định”, anh Tiệp cho hay.
Ngoài việc được đánh giá có tầm nhìn phát triển kinh tế, anh Tiệp hoạt động công tác Đoàn rất sôi nổi và được đánh giá cao. Anh làm Bí thư Đoàn xã Sơn Giang từ năm 2021 đến nay, có nhiều dấu ấn nổi bật, triển khai một số mô hình gây quỹ từ thiện, cùng huy động lực lượng đoàn viên thanh niên phát triển xây dựng nông thôn mới.
Với những đóng góp trong khởi nghiệp phát triển kinh tế, anh Tiệp đã nhận được giải thưởng Lương Định Của năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.