> Tuần du lịch Quảng Ninh đón gần 500 nghìn lượt khách
Làm sao đánh giá hết, khai thác hết tiềm năng? Cuộc trò chuyện với Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Phạm Minh Chính chung quanh vấn đề đó.
Quỹ đạo tăng trưởng xanh
Thưa Bí thư Tỉnh uỷ, danh tiếng Vịnh Hạ Long càng nổi trội và vang xa. Nhưng hình như nốt ruồi son chưa làm nên cái duyên cái đẹp của một mỹ nhân. Với sự kiện vừa Hội nghị xúc tiến Đầu tư vừa rồi tại Tuần Châu, người ta chợt nhận ra một Quảng Ninh không chỉ có Vịnh Hạ Long?
Có thể nói Quảng Ninh có được nhiều lợi thế từ con người, xã hội, văn hóa, lịch sử truyền thống... là nơi hội tụ giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; là cảnh quan thiên nhiên; vị trí địa chính trị, kinh tế đắc địa được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá như “Việt Nam thu nhỏ”; nhất là có Vịnh Hạ Long vừa được thế giới vinh danh là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và được nhân loại trao gửi giữ gìn, tôn tạo để khai thác nó một cách khoa học, hài hòa, hợp lý và hiệu quả.
Ấy nhưng với tư duy biện chứng, chúng ta phải nhận thấy là trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đang gặp những mâu thuẫn, những xung đột mà nhà quản lý phải giải quyết.
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa giải phóng tiềm năng to lớn với nguồn lực có hạn; Thứ hai, xung đột giữa phát triển công nghiệp, đô thị hóa nhanh với phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch trên một địa bàn, đặc biệt là đối với Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long;
Thứ ba, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, trong khi tỉnh Quảng Tây của nước bạn giáp với Quảng Ninh đang phát triển tốc độ nhanh, quy mô lớn;
Thứ tư, cộng đồng dân cư hình thành và phát triển đa dạng về dân tộc (22 dân tộc), phong phú về tôn giáo, phức tạp về địa bàn (biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa) nên Quảng Ninh luôn tiềm ẩn và dễ bị tác động bởi những yếu tố có thể gây mất ổn định chính trị;
Thứ năm, do vị trí địa lý thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi, kinh tế phát triển, cộng đồng dân cư đa dạng...
Quảng Ninh trở thành địa bàn để các loại tội phạm lợi dụng di cư, ẩn náu, hoạt động phức tạp và quy mô, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhất là tội phạm liên quan đến than, ma túy, tội phạm xuyên biên giới, tội phạm buôn người, tội phạm công nghệ cao và tội phạm kinh tế.
Cốt lõi của việc giải quyết các vấn đề trên chính là phải đưa Quảng Ninh vào quỹ đạo tăng trưởng xanh, tức dựa vào những yếu tố bền vững để phát triển bền vững.Mà những yếu tố đó Quảng Ninh đều có cả.
Vai trò của tăng trưởng xanh đối với sự phát triển kinh tế của Quảng Ninh là rất quan trọng vì nó vừa giải quyết những bức xúc của xã hội và con người về vấn đề môi trường, cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại... do phát triển nóng (khai thác tài nguyên khoáng sản đất đai, phát triển đô thị... chưa có quy hoạch bài bản, chuyên nghiệp trong nhiều năm qua); vừa phát triển kinh tế một cách ổn định bền vững.
Có phải vì vấn đề mô hình phát triển mà về đến Quảng Ninh ít ngày, ông đã mau chóng tìm đến Tập đoàn McKinsey? Điều ông cần tìm ở McKinsey là gì? Ý tưởng cùng giải pháp của Tập đoàn McKinsey có phải là cứu tinh cho Quảng Ninh?
Để thực hiện định hướng tăng trưởng xanh cho Quảng Ninh, chúng tôi phải thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng và phải làm ngay là quy hoạch lại và bổ sung quy hoạch.
Có 5 loại quy hoạch quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong đó có quy hoạch phát triển không gian kinh tế xã hội của tỉnh theo hướng phát triển xanh. Quan điểm của chúng tôi là lựa chọn nhà tư vấn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quy hoạch này.
Có rất nhiều nhà tư vấn từ nhiều quốc gia đến nhưng cuối cùng chúng tôi lựa chọn McKinsey vì tập đoàn này đáp ứng đủ các tiêu chí đặt ra của chúng tôi.
Điều chúng tôi cần ở McKinsey là họ tư vấn cho Quảng Ninh theo hướng phát triển xanh. Chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm, uy tín và đẳng cấp của mình, McKinsey sẽ hiểu và biết cách giúp Quảng Ninh phát triển đúng hướng.
Hơn nữa, McKinsey cam kết trong quá trình làm quy hoạch sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực quan trọng này.
Quảng Ninh đánh giá cao McKinsey và lựa chọn họ; nhưng không và không bao giờ xem họ là cứu tinh cho mình, mà chỉ có người Quảng Ninh mới có đủ tư cách và khả năng là cứu tinh cho Quảng Ninh và chính họ là chủ thể cho phát triển xanh của Quảng Ninh.
Quảng Ninh không chỉ có Vịnh Hạ Long
Vậy là sân bay Vân Đồn đã vào quy hoạch. Nhưng trong Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh vừa rồi, có một số ý kiến cho rằng đã có sân bay Hải Phòng trong khu vực thì không nên vội có sân bay Vân Đồn?
Theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng Vân Đồn hướng tới trở thành khu kinh tế tổng hợp, hiện đại bao gồm các dịch vụ du lịch biển đảo chất lượng cao, vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm biểu diễn văn học nghệ thuật độc đáo, hiện đại và giàu tính dân tộc, đồng thời còn là trung tâm thương mại, tài chính và giao thương quốc tế...
Ngày 6-4 vừa qua tại Vân Đồn, Quảng Ninh đã diễn ra lễ công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch cảng hàng không Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Việc đưa sân bay Vân Đồn vào quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh nói chung và Khu kinh tế Vân Đồn nói riêng; gắn kết Quảng Ninh với thế giới để bạn bè, khách du lịch, nhà đầu tư đến với Quảng Ninh nhanh chóng thuận tiện hơn; tạo cơ hội cho Quảng Ninh khơi dậy và giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực bên ngoài vào.
Hơn nữa nếu kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài cho sân bay Vân Đồn thì góp phần cùng sân bay Hải Phòng trở thành cụm cảng hàng không quan trọng cho khu vực kinh tế Đông Bắc đất nước.
Do vậy tôi nghĩ xây dựng sân bay Vân Đồn là đòi hỏi khách quan chứ không phải vấn đề vội vã hay chần chừ.
Việc xây dựng sân bay Vân Đồn là góp phần cụ thể hóa thực hiện nghị quyết của T.Ư về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; cũng như tinh thần các nghị quyết của T.Ư và Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo AN-QP Vùng đồng bằng sông Hồng, “hình thành các trung tâm kinh tế lớn tại Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; xây dựng khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn (Quảng Ninh)”.
May mắn Quảng Ninh vừa có Vịnh Hạ Long vừa có bể than Đông Bắc. Sẽ ứng xử ra sao với nguồn khoáng sản tự nhiên quý giá này để đảm bảo chiến lược an ninh năng lượng quốc gia mà Quảng Ninh không bị tổn thương với danh hiệu truyền thống lẫn môi trường?
Đúng là trong lộ trình tăng trưởng xanh, Quảng Ninh phải giải quyết những vấn đề mâu thuẫn trong khai thác than và phát triển du lịch. Thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Ninh bể than chiếm đến 90% trữ lượng than của cả nước thì Quảng Ninh phải giữ gìn, sử dụng một cách hài hòa và hợp lý.
Quan điểm của chúng tôi về cách đối xử với Vịnh Hạ Long là mang tầm quốc tế, chứ không phải mang tầm quốc gia, càng không phải mang tầm cấp tỉnh; và khai thác than là phải có sự quản lý nhà nước chặt chẽ.
Hiện, ngành than đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh (chiếm 33% GDP của tỉnh năm 2011), nhưng đây là yếu tố hữu hạn, không ổn định, về lâu dài nếu vẫn phụ thuộc thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phát triển.
Xuất phát từ quan điểm trên, chúng tôi phải chuyển từ phát triển dựa vào yếu tố hữu hạn sang phát triển dựa vào những yếu tố bền vững nổi trội.
Một trong những yếu tố đó chính là truyền thống văn hóa xã hội con người, cảnh quan, là tiềm năng du lịch từ sức hấp dẫn của Vịnh Hạ Long, là phát triển thương mại dịch vụ biên giới và phát triển kinh tế biển.
Quá trình này phải tiến hành một cách hài hòa, nghĩa là chúng ta vẫn khai thác than nhưng phải dần dần giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực này và tiến tới khai thác những yếu tố bền vững lâu dài.
Để thực hiện tốt việc này, chúng tôi bắt đầu từ công tác quy hoạch phát triển. Sẽ tiến hành nghiên cứu để tăng hàm lượng khoa học công nghệ, chất xám trong khai thác tài nguyên.
Siết chặt kỷ cương quản lý nhà nước đối với công tác khai thác, vận chuyển than; bảo vệ môi trường, tu bổ tôn tạo cảnh quan di tích, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch để phát huy tốt các giá trị của kỳ quan thiên nhiên thế giới, hoàn nguyên có hiệu quả những nơi khai thác than; chấm dứt và nghiêm cấm các hoạt động bốc rót than tại khu vực vùng lõi của di sản vịnh Hạ Long… Sẽ thực hiện lộ trình giảm dần việc khai thác lộ thiên các mỏ than.
Sẽ tăng cường trích lập quỹ bảo vệ môi trường ngành than để triển khai các dự án cải tạo môi trường, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Cô Tô và chiến lược biển
Thời gian trị nhậm ở Quảng Ninh chưa dài (mới hơn 8 tháng) nhưng ông đã có mặt ở đảo Cô Tô đến 4 lần... Nét lớn về chiến lược Biển Đảo của Quảng Ninh là gì?
Quảng Ninh được Bộ Chính trị đồng ý cho triển khai điểm việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong định hướng phát triển biển, chúng tôi xác định Cô Tô là một trong những địa bàn quan trọng nhất.
Đây là một huyện đảo đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, chơi vơi ngoài tuyến khơi xa bờ nhất và giữ vị trí tiền đồn chiến lược vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, đây cũng là nơi duy nhất trên đất nước khi Bác Hồ còn sống được phép dựng tượng Người trên Đảo.
Tôi đi Cô Tô nhiều là bởi những lẽ đó, và mặt khác vì tôi thấy đồng bào ở đó còn rất nghèo, cần phải quan tâm nhiều hơn. Hơn 50 năm qua kể từ ngày Bác Hồ đến thăm đảo (9-5-1961), mặc dù hàng ngày phải hứng chịu những khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió nhưng đảo Cô Tô vẫn chưa có điện lưới quốc gia, thiếu nước ngọt, đây là điều tôi luôn trăn trở và day dứt.
Được sự quan tâm, đồng ý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ của các bộ ngành; bằng nỗ lực và đồng tâm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh và nhất là sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân từ mọi miền đất nước, trong năm tới Quảng Ninh mong muốn biến ước mơ nhìn thấy ánh sáng từ lưới điện quốc gia của nhân dân các dân tộc trên Đảo thành hiện thực.
Đây là việc làm cấp thiết, mang lại lợi ích thiết thực về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng vùng phên dậu Đông Bắc của Tổ quốc...
Khai thác mặt tích cực của một loại hình nhạy cảm
Đánh bạc là hành vi bị coi là bất hợp pháp tại Việt Nam. Các phương tiện truyền thông từng phản ánh hiện tượng hàng ngày có trên 3.600 người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc và con số này có thể lên tới 5.000 người vào các ngày cuối tuần. Nhưng người nước ngoài tới Việt Nam lại có thể vào sòng bạc hiếm hoi vẫn được gọi là các trung tâm giải trí. Và cứ hai tuần một lần, các con bạc từ nước ngoài lên máy bay để tới một khu giải trí có vốn và hệ thống quản lý của Mỹ đặt tại một thành phố của ta. Ông nghĩ gì về thực tế trên và phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Sòng bạc giúp thu hút du khách nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng phải được quản lý để người trong nước không đánh bạc”?
Việc phát triển loại hình du lịch, kết hợp với vui chơi có thưởng mà cụ thể là casino đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đã mang lại những lợi ích tích cực về mặt kinh tế.
Ví dụ như tại Singapore từ khi tổ hợp dịch vụ giải trí – cá cược Marina Bay Sands hoạt động đã giúp làm tăng số lượng du khách đến quốc đảo này thêm 20% và tăng chi tiêu từ các khách du lịch này thêm gần 60%.
Theo tôi nên nhìn nhận 2 mặt của vấn đề này, chúng ta đi sau nên hoàn toàn có thể học hỏi (như mô hình của Singapore) trong công tác quản lý nhà nước để khắc phục những điểm hạn chế của hoạt động này đối với xã hội và phát huy những mặt tích cực lên.
Hơn nữa, theo quan điểm vận động phát triển thì quá trình vận động của con người và sự vật luôn phát sinh mâu thuẫn, tồn tại; có điều là chúng ta phải nhanh chóng phát hiện và nhận ra nó để có biện pháp xử lý khắc phục nhanh chóng và quá trình giải quyết mâu thuẫn là quá trình thúc đẩy sự phát triển; không vì sự tồn tại bất cập của một sự việc mà cản trở cả một quá trình.
Vì vậy tôi ủng hộ suy ngẫm của Bộ trưởng Vinh về vấn đề casino.
Thưa ông, câu hỏi trên hơi dài bởi người hỏi cũng đang phân vân như tâm trạng của nhiều người khi được biết tại Đặc khu kinh tế Vân Đồn, một dự án có tên gọi khu vui chơi tổng hợp có thưởng tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn thực chất là một tổ hợp Casino dự kiến kêu gọi đầu tư trên 5 tỷ USD sắp được triển khai. Ông có chia sẻ gì về dự án nhạy cảm này?
Trong định hướng phát triển của Quảng Ninh, chúng tôi đang kỳ vọng sẽ tạo được một chuỗi dịch vụ – sản xuất – giải trí với Móng Cái là cửa khẩu; Hải Hà là khu công nghiệp sạch, công nghệ cao; Hạ Long là tham quan thưởng ngoạn và Vân Đồn là nghỉ ngơi vui chơi giải trí cao cấp.
Trong quá trình hòa nhập với kinh tế khu vực và thế giới, nếu Nhà nước ta cho phép mở casino thì theo kinh nghiệm quốc tế và những gì tích cực thu được từ loại hình dịch vụ này tại Việt Nam thời gian qua rõ ràng Vân Đồn - Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố để tổ chức thành công loại hình dịch vụ này.
Theo tôi, chúng ta đủ tâm đủ tầm để quản lý một loại hình vui chơi giải trí đặc thù như casino để nó góp phần phục vụ cho đời sống kinh tế xã hội phong phú của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Tỉnh Quảng Ninh đã lập phương án và báo cáo đề xuất Chính phủ về việc này. Chúng tôi đang tiến hành chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, con người để khi Nhà nước cho phép Quảng Ninh sẽ bắt tay vào triển khai công việc một cách có hiệu quả và đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu của các cấp có thẩm quyền.
Cảm ơn ông.
Xuân Ba