Về những bước chân đầu tiên ở Tiền Phong…

TP - Một vị tiền bối nói với tôi rằng, hãy yêu Tiền Phong say đắm như yêu một cô gái, để khi có người hỏi đang yêu ai, trong đầu phải bật ra ngay là đang yêu cô Tiền Phong! Tôi biết bản thân còn một chặng đường rất dài để chứng minh tình yêu của mình. Vì tình yêu chân thành không nằm ở lời nói, mà nằm ở hành động…

Đối diện

Gắn bó với Tiền Phong chưa lâu, nhưng kho tàng trải nghiệm của tôi đã có thêm rất nhiều điều mới lạ. Sau những chuyến tác nghiệp và những giây phút ngồi tâm sự, chia sẻ về nghề báo với đồng nghiệp, tôi được thấy những điều chưa từng thấy, nghe những điều chưa từng nghe, và cảm nhận những điều chưa từng cảm nhận.

Tôi đã được thấy nhiều hình ảnh đẹp. Đó là khung cảnh những người khiếm thị thi khiêu vũ thể thao (dancesport) trong giải đấu dancesport của riêng họ. Dưới ánh đèn sân khấu, họ lướt đi theo điệu nhạc du dương, nhịp tiến lên, nhịp lùi lại, nhịp xoay vòng, uyển chuyển và thanh thoát, cứ như thể đôi chân chính là đôi mắt của họ. Và đẹp nhất là nụ cười lúc nào cũng nở trên môi những “vũ công khiếm thị” ấy. Họ bảo, bởi vì họ cảm nhận được sự ủng hộ và tình yêu của khán giả phía dưới đang dành cho họ. Cảm nhận bằng trái tim.

Đó là hình ảnh một người bán hàng rong lặng lẽ đẩy xe hàng trong cơn mưa rào giữa đêm dài. Mặc kệ những hạt mưa đang quật tới tấp vào người, chị vẫn lặng lẽ đẩy chiếc xe hàng đi, bỏ lại phía sau những hàng cây đang nghiêng ngả trong gió cùng tiếng sấm nổ rền trời.

Phóng viên chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên trong Câu lạc bộ khiêu vũ thể thao người khiếm thị (SOLAR)

Nhưng tôi cũng thấy những điều ám ảnh. Chẳng hạn như cảnh một người đàn ông ở Hà Giang ứa nước mắt nhốt em trai và chị gái ruột bị khuyết tật não bẩm sinh, để đảm bảo an toàn cho chính họ. Trong chiếc cũi gỗ chỉ rộng vài mét vuông, bốn bề trống huơ hoác, hai con người không một mảnh vải che thân (vì cứ mặc bộ nào là họ xé nát bộ đó) liên tục lăn lộn, gào thét suốt ngày đêm.

Hay hình ảnh một căn phòng gần như còn nguyên vẹn trong vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ. Trong bồn rửa bát, vẫn còn nhiều bát đĩa chưa kịp rửa. Trong phòng ngủ, vẫn còn những bộ quần áo trẻ em treo trên cánh tủ, còn những con thú nhồi bông trên giường. Và tấm ảnh chụp một gia đình 4 người, ai cũng nở một nụ cười tươi vẫn treo ngay ngắn trên tường. Căn phòng đó đã ám ảnh tôi nhiều ngày sau.

Trưởng thành hơn qua những câu chuyện

Phóng viên phỏng vấn một nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)

Bên cạnh đó, tôi còn được nghe những câu chuyện đã giúp tôi trưởng thành hơn cả trong nghề lẫn cuộc sống. Chẳng hạn như những điều thú vị về thế giới không màu của người khiếm thị. Một cô gái khiếm thị khắc họa hình ảnh những người mình từng yêu bằng mùi hương, giọng nói, tiếng sáo trúc và cái nắm tay. Một người mẹ khiếm thị cảm nhận sự lớn lên của con trai bằng những cái ôm. Và một chàng trai khiếm thị biết rằng cha mẹ đang già đi qua những nếp nhăn ở bàn tay, giống như những lớp trầm tích mà thời gian để lại. Tôi còn được nghe câu chuyện của một người đàn ông khuyết tật, mắc bệnh vảy nến bẩm sinh thể nặng nhưng vẫn rong ruổi khắp Hà Nội cùng sạp hàng rong để nuôi sống người vợ bị mù loà. Và một người đàn ông khác, cũng lặn lội khắp thủ đô với gánh hàng rong, nhưng để kiếm tiền chữa bệnh tự kỷ cho con trai.

Và quên sao những giây phút ngồi chia sẻ về nghề cùng các bậc “tiền bối” ở Tiền Phong. “Người viết phóng sự, trước một sự kiện, nên lùi lại một bước, chậm lại một nhịp để nhìn rộng hơn và sâu hơn, đừng để sự kiện cuốn mình đi!”; “Ai cũng bắt đầu làm nghề với một tài sản như nhau, đó là 28 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt. Sự khác biệt nằm ở cách sử dụng 28 chữ cái đó như thế nào. Phải điều khiển được con chữ, đừng để con chữ điều khiển mình!”, một vị tiền bối đã chia sẻ với tôi như vậy. Một vị tiền bối khác lại khuyên rằng làm ở Tiền Phong, nếu không thực sự yêu nghề và yêu tờ báo này thì khó trụ lại được. Hãy yêu Tiền Phong say đắm như yêu một cô gái. Để khi người ta hỏi dạo này đang yêu ai, thì trong đầu bật ra ngay là đang yêu Tiền Phong!

Tôi muốn cảm ơn Tiền Phong vì đã cho chúng tôi cơ hội để bước cùng đội ngũ của báo trên một con đường. Đường không tự nhiên có, mà do nhiều người đi nhiều, đi mãi mà thành. Thế hệ trước ở Tiền Phong đã bỏ rất nhiều tâm sức để tìm đường và xây đường cho thế hệ trẻ chúng tôi đi. Và tôi cảm thấy vinh dự khi được tiếp bước họ trên con đường ấy.