Về miền Tây nhậu 'động vật kỳ lạ nhất hành tinh'
> Về miền Tây, rợn người đi chợ thịt chuột
> Ngỡ ngàng lọt vào chợ rắn Đồng Tháp
Sáng sớm vừa xuống máy bay, còn cách xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đến 40km, tôi đã nhận được tin ông anh đã chuẩn bị sẵn tiệc rượu để “lấy ngót” (thay cho ăn sáng) chào đón thằng em đến từ “nước Huế”.
Tôi về đến nơi thì xế trưa, lúc này mọi người đã chuyển qua giai đoạn “quắc cần câu”. “Đây là một trong 6 động vật kỳ lạ nhất hành tinh” - tôi gần như reo lên khi thấy trên bàn cơ man nào là cá thòi lòi được chế biến đủ kiểu. Nghe thế, mọi người dừng đũa cùng “hẹn” nhau… sặc cười, chút nữa là bắn “thòi lòi” lên mặt khách.
“Thiệt hay giỡn đó, chú hai? Tui nhậu cá thòi lòi đến nay đã hơn 30 năm, giờ mới lần đầu tiên nghe nói cái gì là động vật kỳ lạ nhất hành tinh đó nghe” - ông anh tôi thắc mắc. “Nhưng nó kỳ lạ thế nào, chú Hai nói nghe thử coi” - ông anh khác tên là Sáu Tuấn lè nhè. Là hỏi cho vui, cho có chuyện vậy thôi, chứ dân miền Tây- đặc biệt là các “ma men”, chẳng ai thèm quan tâm đến việc quốc tế người ta gọi cá thòi lòi là gì, nó có quý hiếm hay không...
“Cá… leo cây”
Vào Ngày Quốc tế về Trái đất năm trước (24.2.2011), Tổ chức Sinh vật thế giới đã đề cập đến một số con vật kỳ lạ mà hiểu biết của con người về chúng còn khá sơ sài.
Đáng lưu ý, trong số 6 con vật “kỳ lạ nhất hành tinh” được nêu danh có cá thòi lòi - một loài vật khá quen thuộc có mặt tại nhiều khu rừng ngập mặn tại Cần Giờ, đất Mũi Cà Mau, U Minh Thượng... thuộc khu vực ĐBSCL, Việt Nam.
Chúng được các nhà khoa học thế giới quan tâm đến như một hình mẫu về tiến hoá và lọt vào danh sách 6 loài động vật kỳ lạ nhất hành tinh, bởi các đặc điểm có một không hai của mình.
Bất ngờ là “ma men” Sáu Tuấn - một người nuôi tôm tại nơi hẻo lánh như Tân Tiến, Đầm Dơi, Cà Mau, năm nay đã ngoài 50 tuổi - mới lần đầu tiên nghe chuyện “cá thòi lòi là động vật kỳ lạ nhất hành tinh”, nhưng lại có những hiểu biết về cá thòi lòi không thua gì các nhà khoa học.
Sáu Tuấn tả: Ngay từ hình dáng, cá thòi lòi đã tỏ ra “dị hợm” so với các loài cá thông thường bởi đôi mắt lồi như mắt ếch, nhô hẳn trên đỉnh đầu. Cái tên gọi “thòi lòi” bắt nguồn từ chính đôi mắt này.
Nhưng điều lạ lùng khiến cá thòi lòi chẳng giống bất cứ loài cá nào là ở chỗ chúng có thể sống, chạy, nhảy và kiếm mồi... ngay trên cạn một cách rất điêu luyện.
Điều làm nên sự “phi thường” này chính là cấu tạo cơ thể khá đặc biệt: Cá thòi lòi thở bằng phổi và mang nên chúng có thể hô hấp khi lên cạn, trao đổi khí qua da như ếch và đôi vây trước có hệ cơ phát triển đóng vai trò như một đôi “tay”. Cũng nhờ cấu tạo cơ thể đặc biệt mà cá thòi lòi còn có một khả năng hy hữu khác là... leo cây.
“Dân ở đây thường gọi thòi lòi là cá leo cây. Rất nhiều lần khi đi xuồng ngoài vuông (hồ tôm), tui chứng kiến hắn làm nhiều “trò khỉ” như trèo vắt vẻo trên những cây đước, mắm... nhưng có người đến gần thì chúng nhảy tõm xuống sông” - ông Sáu kể.
Cũng theo ông Sáu, cá thòi lòi thường chọn nơi “hiểm” để đào hang trú ẩn như các lùm cây, kẹt rễ um tùm. Hang của chúng có thể sâu đến 2m, với nhiều ngóc ngách.
Chúng cũng rất tinh ranh và nhanh nhẹn trong việc trốn thoát khỏi sự tấn công của kẻ thù. Thói quen của cá thòi lòi khá dễ nhận biết, nước ròng thì chui vào hang, nước lớn thì ra ngoài kiếm ăn. Những bãi bồi nhiều bùn lầy quanh mé sông ngập mặn là địa bàn “yêu thích” của chúng.
Chưa kịp lớn đã… chết
“Ăn nhiều đi, chú Hai” - ông Sáu gắp bỏ vào chén tôi nguyên con cá thòi lòi nướng cháy cỡ 3 ngón tay còn lồi hai mắt. Ông bảo đây là cá con, cá thòi lòi trưởng thành có thể to bằng cổ tay người lớn (tương đương 300 - 400gr).
“Cách đây chừng 5 năm, anh Sáu toàn nhậu cá bự, nhưng giờ người ta săn bắt dữ quá, cá chưa kịp lớn thì đã bị giết thịt mất rồi, đà này sắp tới có khi cá con cũng không còn mà ăn”.
Theo ông Sáu thì trái với vẻ gớm ghiếc bề ngoài, thịt cá thòi lòi rất mềm và thơm ngon. Điểm đặc biệt là thịt cá sau khi chế biến, để nguội vẫn không có mùi tanh. Các món được làm từ cá thòi lòi rất phong phú như nướng chấm mắm, lột da kho tiêu, hấp cách thuỷ, cuốn bánh tráng rau sống, canh chua...
“Hôm nay tôi sẽ đãi ông đủ bốn loài cá đặc sản đất Mũi, gồm: Bóp, rốn, lòi, chim” - một đồng nghiệp của tôi đùa mà thật khi chúng tôi vừa đặt chân lên nhà hàng ở ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.
“Lòi” trong bốn loài cá vừa kể là cá thòi lòi. Trở thành một món ăn đặc sản, được ưa chuộng không chỉ tại nơi sinh ra nó, mà còn tận các nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh và xa hơn là một trong những lý do khiến cá thòi lòi hiện chưa kịp lớn đã... qua đời (!).
Trong một chiếu rượu khác cũng ở ấp Mũi, ông Tư Sơn - một người chuyên săn bắt cá thòi lòi để bán cho khu du lịch Đất Mũi bên cạnh - ví von: “Có ổng khách từ Bắc Kỳ nói với tui, về đây được ăn thịt cá thòi lòi là một niềm vui lớn về ẩm thực. Nhưng tui thấy, được đi bắt cá thòi lòi còn vui hơn”.
Tàn rượu, ông Tư Sơn dẫn tôi ra bãi bồi ngoài bờ biển để xem ông bắt cá. Trước hết, bài học đầu tiên mà ông Tư Sơn dạy tôi là phân biệt hang có cá.
“Đó là những hang cá thòi lòi, nhưng không phải hang nào cũng có cá ở” - ông Tư Sơn chỉ tay vào những ụ đất nhỏ được un lên trên bãi bồi. Quanh đó, tôi phát hiện thấy hàng chục con thòi lòi đang vùng vẫy “làm trò” trên sình lầy, nhưng vừa thấy động cái là chúng lặn đâu mất.
“Thòi lòi là một loài cá rất tinh ranh và sợ con người lắm. Đang chơi trên bãi vậy, chứ nhác thấy bóng người là chúng lặn ngay xuống hang”. Và kinh nghiệm của ông Tư Sơn là cứ đi, thấy hang nào bỗng dưng nước đục là đích thị một chú thòi lòi vừa chui xuống đó. Vấn đề còn lại là “lôi cổ” chúng lên như thế nào mà thôi.
Theo ông Tư Sơn, có nhiều cách để bắt cá thòi lòi như dùng cần câu để câu vào ban ngày và dùng đèn để soi cá vào ban đêm, đặt nò, thụt, chặn hang...
Tuy nhiên, cách bắt thú vị, “văn nghệ”, phổ biến và dễ nhất, lại bắt được cá sống là dùng hom. Hom là một cái bẫy to bằng cổ chân người, được bện bằng lá dừa nước, úp ngay miệng hang.
Khi chui ra khỏi hang, cá gặp phải ống hom, càng vùng vẫy chui sâu vào ống thì càng mắc kẹt, đến khi quay đầu lại không có đường ra. Người đi bắt chỉ việc mang ống lên, mở miếng chặn ở đầu ống, trút con cá ra giỏ. Vậy là xong đời một con cá thòi lòi (!).
Trở lại với câu chuyện cá thòi lòi là “một hình mẫu về tiến hoá”, “là một trong 6 động vật kỳ lạ nhất hành tinh”, ngay cả những cán bộ phụ trách thuỷ sản ở các sở NNPTNT khu vực ĐBSCL, khi tôi hỏi đến thông tin này, họ cũng chỉ ú ớ biết thông tin dạng “nghe nói chứ không rõ lắm” và... cười.
Hôm rồi, tôi có một ngày đêm quẩn quanh ở khu du lịch Đất Mũi đơn điệu, buồn tẻ và một trong những điểm dừng là nhà hàng Công đoàn với đặc sản cá thòi lòi như đã kể.
Thời điểm nào ở đây cũng vắng lặng đến mức tưởng có thể nghe thấy tiếng “đất nở” dưới những rễ cây mắm, đước. Làm du khách ở đây không có chuyện gì khác ngoài ăn, uống rượu và nghĩ vẩn vơ...
Và một trong những ý tưởng vẩn vơ của chúng tôi hôm đó là tại sao khu du lịch Đất Mũi không tự làm mới, nâng cấp mình để thu hút và níu chân du khách đến với vùng đất cuối cùng của tổ quốc, trước hết là mở một tour lội sình bắt cá thòi lòi bằng cách “văn nghệ” nhất là đặt hom?
Theo Lao Động