Triết lý của bức tranh trâu
Trở lại làng Hồ vào dịp gần tết, tôi thấy quang cảnh nơi đây vắng hơn năm ngoái. Nhưng khi bước vào nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, có cảm giác ấm áp khi được đứng trong không gian phủ đầy tranh dân gian Đông Hồ.
Trong nhiều bức tranh treo tại nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nổi bật là bức “Chăn trâu thổi sáo” khổ lớn được lồng trong khung. Ông Nguyễn Đăng Chế cho biết, con trâu là người bạn thân thiết của nhà nông nên hình tượng con vật này không thể thiếu được trong tranh dân gian. “Chăn trâu thổi sáo là bức nổi tiếng nhất về tranh con trâu làng tôi”- ông nói.
Chỉ vào bức tranh trâu, nghệ nhân cho hay, tranh vẽ hình ảnh một chú bé cưỡi trên lưng trâu, đang say sưa thả hồn theo tiếng sáo. Triết lý âm dương được thể hiện khá rõ trong bức tranh như đất-trời, cao-thấp, cỏ-sen, sáng-tối, đen-đỏ. Bố cục tranh hài hòa, các khoảng trống đều nhau tạo nên tính nhịp điệu cao, vừa chặt chẽ lại vừa phóng khoáng. Đáng chú ý, trong tranh, con trâu không hề có sự khống chế của dây thừng mà đang ngóc đầu lên như đồng cảm với con người. Xưa kia có câu “đàn gảy tai trâu”, có ý mượn tai trâu để chê những người không hiểu gì về âm nhạc. Nhưng ở đây, trâu như bạn của người, bình thản nghe tiếng sáo do chú bé thổi. Trên đầu chú bé là chiếc lá sen được vẽ cường điệu lớn hơn bình thường, cạnh đó là dòng chữ “Hà diệp cái thanh thanh” (lọng lá sen che trời xanh). Nghĩa là, khi vạn vật hòa nhập vào thiên nhiên, mọi việc sẽ trở nên thanh thanh thản, vô tư như hình tượng chú bé và con trâu trong tranh.
Tranh “Chăn trâu thả diều” vẽ cảnh chú bé nằm ngửa trên lưng trâu để thả diều, bên cạnh là dòng chữ minh họa “nhất tương phúc lộc điền” (được mùa nhất người dân). Con trâu trong bức tranh này cũng không bị chế ngự của sự trói buộc nào. Cách thể hiện này làm bố cục của bức tranh cân đối, đầy đặn như ước mơ đầu xuân của con người. Treo hai tờ tranh “Chăn trâu thả diều” và “Chăn trâu thổi sáo” cạnh nhau, có tác dụng tương hỗ như hai vế đối. Trong đó, con trâu ở hai bức tranh phải được dán từ hai phía đi vào giữa để gặp nhau. Nghĩa là bức “Chăn trâu thả diều” ở tay phải người xem, bức “Chăn trâu thổi sáo” ở bên trái.
Ngoài hai bức tranh trên, tranh Đông Hồ còn có những bức tranh với hình ảnh con trâu khác như “Chăm học chăm làm”, “Nghỉ ngơi”, “Nhà nông cấy cày”… Một điểm khá tương đồng trong các bức tranh này là con trâu và người nông dân- tuy hai mà như một. Trâu giúp người nông dân công việc đồng áng, đồng thời là một người bạn của nhà nông. Đó là tính cân bằng trong những bức tranh về con trâu của Đông Hồ.
Hiện nay, tại làng tranh Đông Hồ, gia đình ông Chế là một trong hai gia đình vẫn âm thầm giữ lửa làng nghề, còn lại đã chuyển sang nghề làm vàng mã. n “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tết Tân Sửu năm nay việc tiêu thụ tranh sẽ ít đi nhưng tranh Ðông Hồ vẫn có chỗ đứng trong dòng tranh Tết. Năm mới ứng với con trâu, nên chúng tôi cần tới sự cần mẫn, bền bỉ của loài vật này để tranh Ðông Hồ tiếp tục vượt qua thử thách mới do ảnh hưởng của đại dịch”.
Nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế
Âm thầm giữ lửa làng nghềXem những bức tranh trâu tại nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tôi bỗng nhớ tới đoạn thơ trong bài “Chợ tết” của cố nhà thơ Đoàn Văn Cừ: “Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ/Để lắng nghe người khách nói bô bô/Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ/Tìm đến chỗ đông người ngồi dọn bán”. Hình ảnh này khiến nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhớ tới cảnh chợ tết năm xưa tại làng mình. Nghệ nhân kể, gia đình ông nhiều đời gắn bó với nghiệp làm tranh Đông Hồ. Tết Ất Dậu 1945, khi mới hơn mười tuổi, ông đã theo cha mẹ mang tranh ra chợ bán. Từ thời điểm này trở về trước, dòng tranh Đông Hồ phát triển khá mạnh, khi cứ vào dịp tháng tám đến tháng mười hai âm lịch là cả làng Hồ làm tranh. Để đến tháng 12 âm lịch, phiên chợ tranh tết đầu tiên được mở vào ngày mùng 1, sau đó cứ cách 6 ngày lại mở một phiên vào các ngày 6, 11, 16, 21 và kết thúc vào 26 tháng Chạp. Khi đó, người dân các nơi lại đổ dồn về làng Đông Hồ mua tranh chơi Tết, nên dòng tranh này còn được gọi là tranh Tết.