Hắn tâm thức không hề dính mắc, nhưng lại rất nhiều chạm. Thứ vẽ của chạm. Chạm tâm linh, chạm tâm thức, chạm hư vô. “Vườn xưa rụng, người và lá thế sự đếm thời gian, trăng ở lại lay soi đáy giếng. Ta nghe tròn tiếng va trần truồng”. “Tôi nhìn đôi chân bước chậm, hơi thở thầm kín đá đi chiếc bóng mình ra khỏi. Cõi lạ loãng ra xê dịch bóng và hình xa nhau”. Như những lời đề từ.
Hắn cứ vẽ, để mặc dòng siêu thức cuốn đi, chẳng cần nghĩ đến đề tài hay tên tranh. Hắn cứ để mọi thứ trên tay (cọ, màu, bay...) cuốn đi. Không kỹ thuật, không đoán định trước bố cục, màu sắc. Sáng tạo nhiều lúc oái oăm là thế, cái gì cứ muốn thật, muốn đẩy lên thì nó lại giả, lại dở, lại đơ ra. Tôi nghĩ tranh ấy, vẽ ấy mới thực quý, mới chừa chỗ đủ rộng để mang chứa khối thời gian lớn lao đi theo cùng nó. Chứ không phải tranh soạn sẵn chủ đề, tên gọi, bố cục, đường nét chuẩn chỉnh... như thường thấy. Thường là hắn nổi hứng đặt một lúc tên cho cả một lô tranh, trong những ý nghĩ mới vừa bùng ra. Những cái tên Đường tròn sinh, Máu đôi mắt bò tót, Giai cảm sóng, Chủng tộc của vô minh…
Nên xem tranh hắn, tôi thường dậy lên một thứ cảm xúc bối rối.
Tranh hắn nhiều bức như là cuộc sắp đặt các ký hiệu. Nhiều bức rất chật chội khiến kẻ xem cứ phải tìm mọi cách quẫy cựa. Và nhiều bức thấy trong đó rất nhiều tâm linh.Tranh hắn đôi lúc gần với một dạng thức tranh thần linh, thần thánh, như thường thấy ở các bộ lạc, các tộc người. Ở đó nó không cho thấy ranh giới thời gian, hoặc nếu có thì đó là một gạch-nối-đột-ngột giữa cổ nguyên sinh với hiện đại.
Có người nói tranh hắn nhiều chỗ “giống” với Munch “Tiếng thét”. Edvard Munch (1863-1944), danh họa người Na Uy của trường phái biểu hiện (Expressionism). Trong đó được nhắc đến nhiều nhất bức “Tiếng thét” (The Scream) được Munch vẽ năm 30 tuổi. “Màu sắc làm nên tiếng thét inh tai. Tiếng thét lớn vô hạn của thiên nhiên” như tác giả tự bạch.
Còn tranh hắn, với những méo mó, vặn vẹo, màu sắc xám ngắt buồn nản, nếu có sự “giống” nào đó với Munch, thì tôi cho rằng đó chẳng qua vì cả dẫu hai cách nhau hơn hai trăm năm nhưng có cùng kênh đón nhận những tầng sóng âm truyền qua óc não. Thứ vô thanh theo một kiểu expressionism của riêng hắn, cái mà hắn hay gọi là “thời tánh xã hội”. Làm sao xác lập, đo đếm.
Hồi hơn chục năm trước hắn thiên vẽ trên máy tính, đồ họa. Đã từng triển lãm tại Đà Nẵng quê nhà, rồi đem ra Hà Nội mà hắn gọi tên là “tranh thơ graphic art”. Giờ hắn chuyên tâm với giá vẽ. Mấy tháng gần đây lại càng hào hứng, nghe nói đang chuẩn bị cho cái triển lãm tranh giá vẽ thực sự ở Sài Gòn. Cuộc mà mấy tay bạn ruột của hắn là họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, thi sĩ Lý Đợi phải “sốt vó” đôn đáo tìm cách xoay xở đỡ đầu…
Bởi, hắn là nghệ sĩ tự do, làm thơ, vẽ tranh (thi thoảng design bìa sách, nhưng lười tệ hại) nên nghèo kiết xác. Tiền đâu mà làm triển lãm! Vậy mà cũng kỳ khôi, khi mấy bữa trước ngồi lai rai, hắn tỏ ra bần thần, rằng không muốn…bán tranh. “Bán được tranh thì lại sợ không vẽ được”!?
Hắn là Huỳnh Lê Nhật Tấn, thi sĩ kiêm họa sĩ.
Hàng trăm bức tranh vẽ liên tục mỗi ngày post lên facebook, kèm mỗi đoạn thơ xuôi được hắn gọi là Poet & Illustrations, như một lý giải ngẫu hứng.
Lửa thiêng 2 - Acrylic trên giấy