Tại buổi tọa đàm “Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, vừa qua Cục đã nhận được một số ý kiến góp ý của khách hàng, một số nhà khoa học và cơ quan báo chí về việc biểu giá điện lũy tiến hiện nay có bất cập khiến người dân phải trả nhiều tiền điện hơn. Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ và có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế khách hàng sử dụng sinh hoạt ở Việt Nam.
Về việc hóa đơn tiền điện của người dân tăng cao bất thường trong các tháng 5, 6, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ông Đinh Quang Tri cho biết, thời gian qua cả nước đã trải qua thời điểm nắng nóng cao điểm, có ngày trên 40 độ C khiến lượng điện sử dụng của các hộ tăng cao.
Theo ông Tri, dù mức tăng giá điện bình quân chỉ là 7,5% nhưng theo cơ cấu của từng nhóm khách hàng mức độ tăng số tiền điện phải trả có khác nhau. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Ví dụ, nếu một hộ khách hàng dùng 300kWh/tháng - phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/tháng - phải trả khoảng 1,026 triệu đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng - phải trả thêm khoảng 1,4 triệu đồng. “Số tiền tăng lũy tiến, cho nên chúng tôi mong người dân kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, làm sao cho sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả”, ông Tri cho biết.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, khi khách hàng có thắc mắc về công tơ, về hóa đơn tiền điện, cách tính hóa đơn tiền điện, cách tính chỉ số công tơ… hoàn toàn có quyền kiến nghị trực tiếp đến đơn vị bán lẻ điện. Nếu không thỏa mãn với giải thích, khách hàng có quyền gửi đơn kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương là các Sở Công Thương. Thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, Sở phải có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra và trả lời.