Vận tải biển đề nghị giảm thuế, lãi ngân hàng

TP - Ngày 27/10, Bộ GTVT tổ chức đối thoại doanh nghiệp (DN) vận tải biển, cảng biển năm 2016. Đại diện các DN cho hay, kinh doanh vẫn rất khó khăn, đề nghị được giảm thuế, giảm lãi ngân hàng và các khoản chi khác.

Ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) cho biết, cách đây 2 năm, hiệp hội có nhiều phản ánh, được Bộ GTVT tháo gỡ như rút gọn thủ tục hành chính, giúp DN giảm được chi phí và thời gian.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh hiện nay vẫn chưa vượt qua khó khăn, hiệp hội tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Quốc hội giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% như những năm 2009, 2010. Ngoài ra, ông Đạt cũng đề nghị các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các DN: “Với lãi suất 18-20% từ năm 2009-2010, cộng cho đến bây giờ thì nhiều DN không thể trả nổi. Có đơn vị trong hiệp hội vay 20 tỷ đồng để đóng tàu, trả được 16 tỷ đồng, đến nay vẫn còn nợ hơn 20 tỷ nữa”, ông Đạt nêu.

Ông Vũ Đức Ngọ, giám đốc một DN vận tải biển tại Thái Bình kiến nghị, hiện nay tàu được trang bị thiết bị hiện đại, luồng tuyến được tu bổ thường xuyên, tuy nhiên, quy định về lai dắt, hoa tiêu phải trả phí vẫn còn quá chặt chẽ. Ông Ngọ đề nghị Bộ GTVT thu hẹp các trường hợp bắt buộc phải sử dụng dịch vụ hoa tiêu, lai dắt.

Các DN còn phản ánh một số khó khăn khác như: Dù Bộ GTVT triển khai đăng ký làm thủ tục điện tử nhưng một số cảng chưa chịu áp dụng. DN cảng biển tại Hà Tĩnh phản ánh quy định về tải trọng container tại Việt Nam thấp hơn Lào, khiến cho các cảng gặp khó khăn khi tiếp nhận, vận chuyển hàng hoá.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Vân Công cho biết, sẽ tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị liên quan tháo gỡ ngay các khó khăn cho DN (như việc các cảng không thực hiện thủ tục điện tử). Đối với các kiến nghị ngoài thẩm quyền, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có những chính sách, giải pháp phù hợp để tạo thuận lợi cho DN và tạo môi trường kinh doanh công bằng nhất. Ngành hàng hải thế giới hiện nay vẫn chưa vượt qua khủng hoảng vì giá thành vận tải thấp.