> Phải “đập vỡ” hơn nữa
> Đi tìm con người Hoàng Trung Thông
> Cuộc đời chỉ là may mắn, hoặc không
Trần Đăng Khoa nói với tôi: “Thiệt thòi nhất của lão Minh là làm anh của Trần Đăng Khoa”, và “Trước kia lão ấy không so được với ta, còn bây giờ với cuốn “Đối thoại văn chương”, ta không so được với lão”. Anh có nghĩ anh đã vượt chú em của mình?
Cũng có lần chú ấy nói với tôi như thế khi đặt cuốn Chân dung và đối thoại của chú ấy bên cạnh quyển của tôi và Nguyễn Đức Tùng. Tôi hiểu đấy là cách chú ấy tôn vinh cuộc đổi mới toàn diện của chúng ta, để văn học có cơ sở mà nhích lên từng bước một.
Còn hai anh em tôi, nói như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi: Hai anh em nhà ấy, lọt sàng thì xuống nia, chẳng đi đâu mà thiệt. Lại nhớ, sau lần tôi thoát chết vì tai nạn giao thông, chú ấy bảo: “Chẳng ai đọc kĩ bác bằng em, hiểu bác bằng em. Nhưng bác cứ cười tươi hơn hớn thế kia thì em không viết được. Người ta cười thối mũi cho. Giá hôm ấy bác bay lên mây, thì bây giờ em đã có bài rất “hắc bọ xít” về bác rồi.
Khoa nói “bay lên mây” vì xe tôi bị xe khác tông vào. Theo biên bản tai nạn của công an huyện Cẩm Giàng, xe tôi bay 57 mét trên không trung, qua dải phân cách ở giữa đường Năm.
Vâng, một trong những chi tiết gây ấn tượng mạnh cho tôi nằm ở đoạn anh kể mình đã chết hụt, chết lâm sàng trong tai nạn giao thông; và câu chuyện về cái nghèo của cả một vùng quê, của gia đình anh, cả huyện - đến nỗi theo lời bác sĩ Phạm Văn Đoàn nhân vật trong hồi ức của anh: “Cả huyện (thực ra là cả nước - DPV) chỉ có một thần đồng thơ mà để nó đói vàng mắt”; rồi Trần Đăng Khoa sau này đăng lính cũng một phần để được “ăn vã cơm”. Có phải vì từng chết hụt mà anh có thái độ - nói như Vũ Quần Phương, “thẳng thắn, sòng phẳng, từ tốn” trong “Đối thoại văn chương”?
Từng có đến bốn ý kiến phát biểu như thế (tôi cũng không biết có đúng thế không?) trong hai hội thảo về tập thơ Bản Xônat hoang dã của tôi, tập sách có thể nói là có cách biểu đạt khác hẳn với thơ truyền thống, khác hẳn thơ trước đó của chính tôi.
Tai nạn giao thông trên đường Năm mà chị nói trên xảy ra năm 2001, còn tập thơ in năm 2003, được Tặng thưởng Hội Nhà văn 2004, Giải thưởng Nhà nước đợt 2 năm 2007, đã tái bản lần thứ 11.
Còn cái đói và sự chết đói của người làng quê tôi năm sau cải cách ruộng đất thì bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy rùng mình. Chính tôi vừa là nạn nhân (đói đến mức nếu mình không ý thức được mình là thằng NGƯỜI thì có thể sẽ có những ứng xử ngang với con vật) vừa là thủ phạm.
Vì chính tôi đã làm ca dao hò vè tuyên truyền, trực tiếp cổ vũ cho nạn trồng khoai ụ, cấy lúa 5 x 5 và cho lợn ăn phân trâu thay cám, học của chuyên gia Trung Quốc.
Thơ tôi được kẻ lên nhiều tường vách nhà trong huyện: Ai ơi, cấy lúa 5 x 5 / Tháng ba ngày tám cứ nằm cũng no... Cuối cùng đồng làng thành cỏ cả. Tôi dám chắc, tất cả những ai ở nông thôn, trạc tuổi tôi (tôi sinh 1944) đều biết rất rõ việc này.
Sở dĩ có người chết đói vì làng xã tôi không ai dám báo cáo với cấp trên là có người dân đói. Tất cả đều đang sống ở thiên đường: Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp làng quê / Chiêm mùa...
Thơ Tố Hữu dạo ấy cũng là một thứ cứu đói đấy. Nó xốc người ta đứng dậy.Tôi đã thấy một anh tên là Luận, cạnh nhà tôi, bó người chết đói vào chiếu đem chôn. Cái mồm người chết đói cứ há ra như mồm con cá ngão, không ai làm thế nào để khép cái mồm người chết đói vào được.
Thơ tôi sau này, có bạn khen là hiện thực sâu sắc, bởi tôi đã sống đến từng cái đau quặn thắt của cơn đói trong lúc tôi dẫn đội thiếu niên tiền phong đi khắp làng xã đánh trống hô khẩu hiệu tùng tùng tùng...
“Đối thoại văn chương” có ba nội dung chính: Một là bàn về nghề. Hai là cảm nhận mới về một số giá trị văn chương cũ. Ba là những hồi ức văn học liên quan đến những bài thơ cụ thể. Ba phần này - nhất là phần thứ hai - đã không tránh khỏi đụng chạm khá nhiều người…
Tôi không chê thơ ai và tuyệt đối không có ý gây sự với bất cứ ai. Như tôi phát biểu trong tọa đàm ra mắt sách: “Khen hay chê không phải là việc chúng tôi cần làm cũng không phải là yêu cầu của nội dung cuốn sách. Những ý kiến về tác phẩm này nhà thơ kia hoặc trào lưu xu hướng sáng tác nọ, chỉ là dẫn chứng cho một sự tìm hiểu nào đó có tính khách quan của học thuật mà chúng tôi quan tâm.
Với chúng tôi, đây là những gì rất tâm huyết và rất công phu, dù nhiều ý kiến của hai chúng tôi rất khác nhau nhưng cùng đích chung, là cố gắng tìm hiểu cho bằng được, ở những gì cốt lõi nhất và trung thực nhất của một thời kì văn học, trong đó có sáng tác của chính mình và những nhà thơ nhà văn có liên quan. Cố gọi được tên nó ra, đúng như nó đã hiện diện”.
Tóm lại, tôi chỉ cố gắng nói thật sau rất nhiều nói dối.
Anh viết: “Toàn bộ thơ Nôm được truyền tụng là của Hồ Xuân Hương, đều không phải của Hồ Xuân Hương. Và suy tôn Hồ Xuân Hương là bà chúa thơ Nôm là không có cơ sở”. Trước anh cũng vài người cùng quan điểm? Anh còn kể Xuân Diệu mắng anh “Có một Hồ Xuân Hương giả mà cả thế giới nó sợ thật, lại không sướng hay sao! Lại còn tìm ra với tìm vào”?
Ở ta có một sai lầm không biết từ bao giờ mà cũng chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc được, ấy là nhầm lẫn giữa huyền thoại, chuyện dân gian với lịch sử, rồi một lúc nào đó, nhập luôn chuyện dân gian, hay giai thoại với lịch sử là một. Và lạ thay là không có mấy ai dám cãi lại, một sự sợ hãi vô hình nào đó... không giải thích được.
Hồ Xuân Hương và thơ Nôm truyền tụng của bà là một trong rất nhiều trường hợp như vậy. Một nhà thơ tôi rất yêu, bảo: “Minh ơi, mình là nhà thơ thì cứ làm thơ thôi. Nói cái đó ra làm gì. Không ai dám thay đổi một cách nghĩ đã quen, dù biết chắc chắn cách nghĩ đó sai.” Trước tôi có nhiều người nói việc này, trong đó có hai tên tuổi rất lớn là GS Hoàng Xuân Hãn ở Paris (Pháp) và GS Trần Thanh Mại. Sau đó là TS Đào Thái Tôn. Ông Tôn nói theo thầy của mình là Trần Thanh Mại nhưng khác ông Mại một chút, có phần nói nước đôi.
Từ năm 1950, Lê Tâm đã tôn vinh Hồ Xuân Hương truyền tụng là Bà chúa thơ Nôm. Sau Lê Tâm 8 năm, Xuân Diệu bỏ ra đến 22 năm (1958 - 1980) để bênh vực danh hiệu này. Sau những cuộc thảo luận về vấn đề Hồ Xuân Hương ở Viện Văn học, tôi nghĩ Xuân Diệu đã biết đúng sai của mình, nên không viết bài cãi lại.
Anh mô tả mình: “Ngoài văn chương không quan tâm bất cứ cái gì khác. Gần như không xem ti vi, 40 năm nay không ra chợ. Không biết đi xe máy, rượu chè thuốc lá cà phê đều không. Chưa từng biết karaoke hay massage, tẩm quất là gì. Dị ứng với các cuộc chuyện trò vô bổ. Sống trong căn nhà đơn sơ. Bị xếp vào loại “cần nhảy cầu Bãi Cháy tự tử khẩn cấp” bởi là kẻ vô tích sự”. Tóm lại, sống nhạt? Thế mà anh cũng lại là người dị ứng với sự nhạt, người nhạt, thơ nhạt- “Đời nhạt liếm môi mình cũng nhạt”?
Vâng đúng thế. Tôi nghiệm ra câu cụ Nguyễn Du viết rất đúng Lạ gì bỉ sắc tư phong. Cô Kiều đẹp nhất trong các nàng đẹp nhất: Sắc đành đòi một..., nhưng thơ cô ấy thì nhạt đến vô cùng. Xin các vị hãy đọc thơ cô trong Thanh Tâm tài nhân.
“Thiệt thòi nhất của lão Minh là làm anh của Trần Đăng Khoa. Trước kia lão ấy không so được với ta, còn bây giờ với cuốn Đối thoại văn chương, ta không so được với lão ấy”.
Trần Đăng Khoa
Phạm Đình Hổ ngược lại, sống rất nhạt (như ông tự nói thế) nhưng Vũ trung tùy bút của ông thì không nhạt một chút nào. Tôi nghĩ: Một người có tài, lại phải có ít nhiều may mắn, mới may ra làm được một cái gì đó có ích ở đời. Tôi có ý thức tập trung mọi cố gắng cho sáng tác và điều cố gắng nhất trong mọi cố gắng ấy, là cố tránh sự nhạt cho các trang viết của mình. Đấy cũng là lí do vì sao tôi quyết tâm từ bỏ 25 năm sáng tác thời bao cấp (1960 - 1985) với 166 bài thơ và 2 trường ca đã xuất bản để làm lại mình từ đầu: Ta học chim để sản xuất máy bay / Học cá để chế tạo tầu ngầm / Nhưng ta không biết học ai / Để làm lại bản thân mình...(cho khỏi nhạt). Và bắt đầu từ Nhà thơ và hoa cỏ (1986): Với đôi chân bầm ứ / Tôi ngật ngưỡng và trụi trần đi/Trong câu thơ tê dại của mình/ Những câu thơ vật vã mặn như máu...
Anh và nhà thơ hải ngoại Nguyễn Đức Tùng đã làm ra một công trình văn học đáng kể trong năm nay. Anh nghĩ gì về sự hóa giải hận thù, hòa hợp dân tộc có vẻ vẫn diễn ra khá chậm chạp?
Nguyễn Đức Tùng sinh ở nam vĩ tuyến thứ 17, lớn lên đi học và làm việc ở Canada. Tôi thì đi qua cuộc chiến tranh 1964-1975 ở trong nước. Và như thế, hai chúng tôi cùng bàn về văn chương trong một cuốn sách, mà nhiều nhà thơ nhà văn được nói đến hiện ở hải ngoại, bên cạnh các nhà thơ trong nước. Bản thân nó đã mang ý nghĩa sâu sắc của sự hòa giải dân tộc sau hơn 35 năm đất nước ra khỏi cuộc chiến tranh.
Bây giờ ta và Mỹ đã “bắt tay nhau tươi cười bước vào bàn tiệc”, vậy mà “người trong một nước...” vẫn rất khó gần nhau. Nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu từng nhận ra, tôi là người đầu tiên trong thơ phản ánh việc này: “Hai em trai chết trận / Chiến tranh ở hai đầu / Ảnh thờ mờ sương khói/ Vẫn không nhìn mặt nhau”. Đó là hai anh em ruột đã chết. Người sống cũng không hơn được bao nhiêu. Tại sao? Cứ mỗi lần kỉ niệm nọ kia, khí thế căm giận lại bốc lên bừng bừng. Mà nước ta thì dường như tuần nào cũng có “ngày kỉ niệm” cả.
Hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Trọng Tạo đã nói rất hay và rất sâu sắc về ý nghĩa hòa giải dân tộc trong tinh thần đối thoại và hòa hợp, mà cuốn sách của chúng tôi đã mở ra những trang tốt đẹp, vì một Việt Nam giàu mạnh và nhân ái. Tổ quốc và dân tộc, đó là suy nghĩ chung nhất và cũng là phương hướng sáng tác cao đẹp nhất cho mọi nhà văn Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Đã đến lúc cần đánh giá lại và ghi nhận sáng tác của các nhà văn hải ngoại, mà tôi nghĩ là một bộ phận không thể tách rời của văn chương đương đại Việt Nam.
Tôi nhớ năm 1973, Xuân Diệu đã nói với tôi một điều rất sâu sắc rằng: Ở ta có những cái trớ trêu - khi nước dâng lên lưng chừng núi, con thuyền cũng được nâng cao theo, rồi mắc cạn luôn ở trên đó.
Đến khi nước đã rút rất xa chân núi rồi, thậm chí người ta đã quên là có một thời, nước ở đây đã dâng cao, vậy mà mọi người nhìn lên trên núi, vẫn thấy con thuyền “đậu” ở trên lưng núi cao ấy, là cớ làm sao? Ai hạ nó xuống đây? Rồi Xuân Diệu đặt một ngón tay trỏ trước trán, chỉ lên mái nhà và nói một câu rất hàm xúc: Không có ai làm việc đó cả.
Thưa nhà thơ Xuân Diệu rất kính yêu, đã có rồi chứ ạ. Và mọi giá trị văn chương, văn hóa và lịch sử sẽ từng bước được định đoạt sòng phẳng, minh bạch. Tôi tin vào điều đó.
Trần Nhuận Minh, trích Đối thoại văn chương