4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường:

Vẫn chưa được đánh bắt cá tầng đáy 20 hải lý trở vào

TP - Tổng cục Thủy sản vẫn khuyến cáo ngư dân không đánh bắt hải sản vùng đáy ở 20 hải lý trở  vào ở 4 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường do Formosa xả thải. Trong các chính sách đền bù, hỗ trợ ngư dân đang triển khai, có giải pháp đóng 400 tàu cá để ngư dân đánh bắt xa bờ.
Chợ Hải sản Cửa Lò. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bao giờ được đánh bắt cá tầng đáy?

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết: Sau sự cố môi trường do Formosa xả thải, nguồn lợi thủy sản ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) đã có sự phục hồi, nhiều loài cá cơm, các nục, cá khoai, ruốc… xuất hiện.

Theo ông Trung, ngư dân ở các địa phương đã tích cực bám biển sản xuất và chuyển đổi các nghề khai thác tầng đáy (lồng bẫy, lưới rê đáy) sang đánh bắt ở vùng xa bờ (nghề lưới rê khơi, vây, chụp mực, câu vàng); đặc biệt là đánh bắt các loài cá nổi di cư từ đại dương vào như cá thu, cá ngừ, cá nục, mực ống…

Tuy nhiên, đánh bắt gần bờ còn gặp nhiều khó khăn, do hệ sinh thái chưa hồi phục như trước đây. Liên quan đến việc khai thác cá tầng đáy, ông Trung cho biết, hiện vẫn áp dụng khuyến cáo chưa đánh bắt cá tầng đáy ở 20 hải lý trở vào ở 4 tỉnh nói trên. “Khuyến cáo này, ngoài việc tính an toàn của các loài hải sản, còn để bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản bị hủy hoại do sự cố môi trường”- ông Trung nói.

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Y tế đã lấy mẫu hải sản các vùng biển Hải Phòng, Vũng Tàu và một số khu vực khác làm đối chứng, xem cá tầng đáy ở 4 tỉnh vùng ảnh hưởng sự cố môi trường đã an toàn chưa, và tới đây sẽ công bố kết quả. Tuy nhiên, cùng với việc khi Bộ Y tế công bố hải sản an toàn, để bảo vệ và hồi phục hệ sinh thái thủy sinh, rạn san hô, cần xem xét, đánh giá tiến trình phục hồi đến đâu, mới công bố cho phép khai thác hải sản tầng đáy.

Hiện Tổng cục Thủy sản vẫn chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp với cơ quan chuyên môn của 4 tỉnh nói trên tuần tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác, hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp phục hồi tái tạo các hệ sinh thái, nguồn lợi ven bờ sau sự cố.

Hỗ trợ đóng 400 tàu cá đánh bắt xa bờ

Theo Vụ Khai thác thủy sản, việc chi trả đền bù và các chính sách hỗ trợ ngư dân vùng sự cố môi trường đang được triển khai rôt ráo theo chỉ đạo của Chính phủ. Quá trình giải ngân thực hiện công khai, công bằng, đúng quy định, có sự giám sát của cộng đồng, đoàn thể.

Đến nay, số tiền đền bù cho ngư dân 4 tỉnh bị thiệt hại do Formosa xả thải là 6.638 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6, số tiền tạm ứng cho các tỉnh là 6.310 tỷ đồng, trong đó số tiền đã giải ngân 5.530 tỷ đồng. Số còn lại sẽ được các địa phương giải ngân trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân ở 4 tỉnh nói trên, Vụ trưởng Khai thác thủy sản cho biết, mỗi hộ ngư dân ngư vùng ảnh hưởng có thể vay 100 triệu đồng làm vốn, được hỗ trợ lãi suất để sản xuất.

Cùng đó, những hộ đang nợ, ngân hàng được khoanh nợ, giãn nợ; mỗi người dân vùng ảnh hưởng hỗ trợ 2 năm bảo hiểm y tế; học sinh mầm non, phổ thông, sinh viên cao đẳng, đại học, trường nghề là con em người dân vùng bị ảnh hưởng cũng được hỗ trợ 2 năm học phí… Ngoài ra, ngư dân có nhu cầu xuất khẩu lao động, cũng được hỗ trợ tiền đào tạo ngoại ngữ, vay vốn để xuất ngoại.

Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, để hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề, sang đánh bắt xa bờ, các địa phương đang triển khai đóng 400 tàu cá vỏ composite và vỏ gỗ, công suất 90-400 CV. Theo đó, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế mỗi tỉnh được phân bổ 100 tàu (75 tàu vỏ composite và 25 tàu vỏ gỗ), với các nghề lưới rê, lưới vây, câu, lưới chụp, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ông Nguyễn Văn Trung cho biết, đối tượng tham gia là những ngư dân, chủ tàu cá công suất dưới 90 CV đang hoạt động khai thác, có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường do UBND tỉnh ở 4 địa phương nói trên phê duyệt. Ngư dân đóng tàu sẽ được vay tối đa 90% giá trị đóng mới với tàu vỏ composite, 70% với tàu vỏ gỗ và được dùng chính con tàu để làm tài sản đảm bảo khi vay vốn.

Về lãi suất, theo ông Trung, ngư dân sẽ được hưởng mức thấp nhất khi cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngư dân chỉ nộp 1% lãi suất, phần còn lại sẽ được cấp bù một lần cho ngân hàng thương mại từ nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại của Formosa. Thời gian hỗ trợ lãi suất là 11 năm với tàu vỏ gỗ và 16 năm với vỏ composite. Năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc.

Hiện Bộ NN&PTNT triển khai dự án phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái thủy sản và nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là các bãi đẻ, bãi giống; trồng phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn và các hệ sinh thái nhân tạo là nơi cư trú của các giống loài thủy sinh tở các vùng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đang triển khai xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển ở 4 tỉnh bị sự cố, trong đó có ứng dụng công nghệ viễn thám. 

“Tổng cục Thủy sản đang chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tiếp tục phối hợp tuần tra, kiểm tra giám sát, khuyến cáo ngư dân không khai thác cá tầng đáy, đến khi nào Bộ Y tế lấy mẫu và kết luận cá đáy an toàn, lúc đó mới không cấm khai thác cá tầng đáy nữa”.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám

Bộ y tế: Giữ nguyên khuyến cáo về hải sản tầng đáy

Ngày 11/7, TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục giám sát chất lượng hải sản tầng đáy để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố rộng rãi đến người dân trong thời gian tới. Trong thời điểm này, Bộ Y tế vẫn giữ nguyên khuyến cáo người dân không sử dụng các loại hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý cho đến khi có kết quả giám sát cuối cùng về chất lượng hải sản vùng đáy tại 4 tỉnh miền Trung.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, cho biết kết quả giám sát chất lượng hải sản 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế của Bộ cho thấy, sau một thời gian ngắn xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, hải sản tầng nổi đã bảo đảm an toàn. Nhưng kết quả giám sát liên tục từ tháng 6/2016 đến tháng 3/2017 cho thấy các chỉ tiêu xyanua, phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt ở hải sản tầng đáy liên tục giảm nhưng vẫn còn. Thứ trưởng cho biết, sẽ lấy mẫu ở những vùng không ô nhiễm như Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa để kiểm nghiệm, đối chứng với hải sản 4 tỉnh miền Trung. Ông Cường cho biết thêm, nếu thấy các chỉ tiêu đã giống nhau ở tất cả các nơi lấy mẫu sẽ công bố hải sản tầng đáy bảo đảm an toàn.       

Thái Hà