Thu nhập tiền tỷ
Sáng sớm, anh Nguyễn Trọng Hải (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) tất bật ở vườn phụ nhóm nhân công thu hoạch, sơ chế, đóng vải vào thùng cho kịp chuyến xe vào TP Hồ Chí Minh.
“Vừa qua, chúng tôi có nhận được phản hồi của một số đơn vị thu mua về việc người dân thu hoạch vải sớm quá, khiến chất lượng không đạt. Nhiều lô hàng vải còn xanh nên rất chua, họ không bán được nên không dám nhập hàng nữa. Điều này, bà con cần chú ý bởi sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của vải trên địa bàn, và cũng là nguyên nhân khiến giá vải năm nay bị giảm so với trước”
Ông Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Cây ăn quả tỉnh Đắk Lắk
Vườn vải nhà anh Hải rộng hơn 3 ha với hơn 1.200 cây vải u hồng, được trồng từ 15-20 năm trước. Vườn này được lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Krông Pắc đánh giá lâu năm nhất trên địa bàn.
Dùng kìm tỉa những quả vải bị nứt đang lủng lẳng trên cây, anh Hải cho hay: “Vải bị như vậy là do sốc nhiệt khi gặp cơn mưa đầu mùa. Hiện tượng này chỉ gặp khi cơn mưa đầu tiên, những trận mưa sau, quả vải sẽ không bị nứt nữa. Tỉ lệ quả bị nứt khá nhiều, may năm nay cây đậu sai quả nên bù trừ lại. Tôi phải dặn công nhân loại bỏ hết, nếu để sót sẽ làm hỏng cả thùng”.
Lau giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rám nắng, anh Hải chia sẻ thêm, trung bình 1 ha cho năng suất từ 15-20 tấn. Với giá bán từ 25-30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, anh Hải thu lợi từ 350-400 triệu đồng/héc-ta.
Lợi nhuận từ cây vải mang lại khá cao. Tuy nhiên, theo anh Hải, loại cây này khá khó tính, đầu ra mới chỉ dừng lại ở việc bán quả tươi nên cũng rủi ro. “Có năm, vườn vải nhà tôi không đậu được quả, mất trắng. Có thời điểm như đại dịch COVID-19, vải không bán được, để rụng cả vườn. Tôi từng nghĩ đến việc chế biến sâu loại quả này nhưng mỗi mình thì không thể”, anh Hải suy tư.
Nói về cơ duyên gắn bó với cây vải, anh Hải cho biết, cách đây 20 năm, từng thưởng thức vị ngọt của vải thiều trên đất Tây Nguyên. “Thời điểm đó, một số người từ Bắc vào Đắk Lắk đã mang theo và trồng cây vải trước nhà. Điều này khiến tôi tò mò và ý tưởng trồng cây đặc sản xứ lạnh trên vùng đất đầy nắng và gió xuất hiện”, anh Hải nhớ lại.
Với 3 ha đất, anh Hải trồng đủ giống vải và cuối cùng chọn được giống phù hợp mang tên vải u hồng. “Việc khó nhất là làm sao để cây vải ra hoa, đậu quả. Bởi loại cây này chỉ ra hoa, đậu quả ở nhiệt độ thấp (từ 14-17 độ C). Miền Bắc có nhiều đợt lạnh, còn Tây Nguyên, duy nhất vào thời điểm cuối tháng 12 dương lịch. Người trồng vải phải bắt cơ hội này, nếu không sẽ mất mùa”, anh Hải chia sẻ.
Cũng nhờ cây vải, gia đình chị Hoàng Thị Thu Hương (xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã đổi đời. Chị Hương cho biết, trước đây, nhà chị trồng cây điều, song hiệu quả kinh tế rất thấp. Năm nào được mùa nhất, gia đình cũng chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng nên tính chuyện chuyển đổi cây trồng.
Sau khi tham quan nhiều nơi với nhiều mô hình khác nhau, chị quyết định thay thế cây điều bằng giống vải u hồng vào năm 2014. Do là loại cây mới nên hầu như ngày nào vợ chồng chị cũng có mặt ở vườn vải để chăm sóc, quan sát quá trình phát triển của cây. Chị cũng chịu khó tìm hiểu, sử dụng các loại chế phẩm sinh học, hạn chế dùng thuốc hóa học.
Sau 4 năm trồng, chăm sóc, gia đình chị đã thu được quả ngọt. Với 3 ha vải, mỗi năm, gia đình chị thu khoảng 60 tấn quả. Với giá bán 30 nghìn đồng/kg, sau khi đã trừ các khoản chi phí chăm sóc, phân bón, gia đình chị Hương thu được gần 1 tỷ đồng/năm.
Nhờ cây vải, cuộc sống gia đình chị ổn định hơn. Ngoài thu nhập từ việc bán quả vải, chị Hương còn chiết cành, bán giống và chia sẻ kinh nghiệm trồng cho nhiều người dân.
Tránh phát triển nóng
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Pắc cho biết, cây vải được trồng trên địa bàn từ nhiều năm qua. Toàn huyện hiện có gần 200 ha vải. Loại cây này mang lại lợi nhuận cao, chỉ đứng sau sầu riêng (được trồng nhiều ở huyện Krông Pắc). Tuy nhiên, ông Hoàng nhấn mạnh, cây vải chỉ phân hóa mầm hoa khi nhiệt độ xuống thấp và việc chăm sóc cũng cần kỹ thuật, kinh nghiệm. Ngoài ra, địa phương chưa có cơ sở chế biến sâu, sản phẩm bán ra thị trường ở dạng quả tươi. Do đó, địa phương chưa khuyến cáo bà con mở rộng diện tích, mà tập trung chăm sóc để nâng cao chất lượng cây trồng.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Nô cũng đánh giá, cây vải cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với cà phê. Trên địa bàn huyện Krông Nô có khoảng 50 ha vải, năng suất trung bình đạt từ 12-15 tấn/1 héc-ta. Với giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, giá trị sản xuất trên 1 ha vải khoảng 400 triệu đồng. Song, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cẩn trọng khi chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng vải, tránh cung vượt quá cầu, vỡ quy hoạch.
Ông Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Cây ăn quả tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh trồng gần 2.600 ha vải, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch chiếm khoảng 50%. Theo ông Sơn, Đắk Lắk có tiềm năng phát triển cây vải, nhưng đang gặp rào cản khi diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa thống nhất về quy trình sản xuất. Cây vải cũng chưa được quảng bá, định vị thương hiệu nhiều. Hiện, mới có một vài tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất. Địa phương cũng chưa có cơ sở chế biến sâu. “Năm ngoái, có một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn tới Đắk Lắk tìm hiểu cây vải, tuy nhiên, vùng nguyên liệu lại manh mún, quy trình chăm sóc chưa đồng nhất khiến họ chưa thể đặt vấn đề xuất khẩu với bạn hàng nước ngoài”, ông Sơn thông tin.
Theo Chủ tịch Hội Cây ăn quả tỉnh Đắk Lắk, địa phương cần giải quyết những hạn chế trên, xây dựng mã vùng trồng để cây vải rộng đường xuất khẩu, phát triển bền vững, nếu không khi cung vượt quá cầu sẽ gặp phải “vết xe đổ” của cây bơ.
Về phía Hội Cây ăn quả tỉnh Đắk Lắk, đang làm cầu nối hỗ trợ bà con liên kết thành các tổ hợp tác, để có một vùng nguyên liệu đủ lớn; hướng dẫn quy trình chăm sóc đạt chuẩn, đồng nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hội cũng kết nối với các doanh nghiệp thu mua để người dân rộng đường tiêu thụ sản phẩm. Còn các vấn đề như chế biến sâu, xây dựng mã vùng trồng…, rất cần chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để phát triển cây vải đúng hướng, nâng cao hiệu quả, chất lượng, ông Sơn nói thêm.