Trao đổi với phóng viên về việc ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Hà Nội cơ bản đã ứng dụng toàn diện những giải pháp công nghệ để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19”.
Xin ông cho biết đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã triển khai những nền tảng ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào để tiến tới trạng thái bình thường mới?
Thời gian qua, cùng với các biện pháp về y tế, quản lý thì việc triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một trong những biện pháp rất quan trọng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố.
Hiện nay, Hà Nội đã triển khai xuyên suốt tất cả các nền tảng của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện, trong đó có 3 nền tảng chính, là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR code; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, vừa qua, Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an để triển khai hệ thống quản lý công dân vùng dịch qua việc kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia. Phần mềm này được tích hợp qua hệ thống camera tại các điểm chốt ra vào Thành phố và tại điểm chốt của các quận huyện được gắn camera và quét mã QR code khi đi qua.
Ngoài ra, Thành phố đã phát triển thêm các phần mềm quản lý F0, F1 để phân luồng tuyến các bệnh nhân F0 và khi F1 trở thành F0 sẽ được phân luồng vào các bệnh viện để điều trị cho phù hợp.
Thành phố cũng đã xây dựng hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly để quản lý sự tuân thủ của người dân khi ở trong các khu cách ly; phối hợp với VOV giao thông để có những camera giám sát trong lúc Thành phố đang thực hiện giãn cách, từ đó sẽ phát hiện được những tuyến phố, tuyến đường nào đông người, đông phương tiện nhằm khuyến cáo các quận huyện quản lý chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang triển khai các hệ thống phần mềm giải đáp kiến nghị của công dân qua tổng đài 1022. Đây là những giải pháp cốt lõi trong phòng chống dịch COVID-19 của Thủ đô Hà Nội.
Từng nền tảng, từng phần đã giúp công tác phòng, chống dịch COVID-19 rất nhanh, rất hiệu quả. Có thể nói, thành phố Hà Nội đã cơ bản ứng dụng toàn diện những giải pháp công nghệ để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố thông qua tổng đài 1022 đến nay đã đem lại hiệu quả như thế nào thưa ông ?
Hiệu quả lớn nhất là chính quyền và người dân gần gũi hơn rất nhiều. Tất cả những phản ánh của người dân đều đến được với chính quyền và chính quyền sẽ vào cuộc kịp thời để xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân.
Đặc biệt, để mở rộng kênh tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Tổng đài 1022 đã mở thêm 2 nhánh, đó là nhánh 5 “Giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội” và nhánh 6 “Hỗ trợ nhu yếu phẩm khi người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19".
Hai nhánh này cũng đã được người dân phản ánh rất nhiều, các ý kiến của người dân ngay lập tức đã được chúng tôi chuyển tới các cấp, các ngành xử lý, kịp thời hỗ trợ cho người dân.
Riêng về việc xét nghiệm, hiện nay Thành phố đang triển khai việc trả kết quả trực tuyến, ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này?
Qua thời gian triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm hình thức điện tử trực tuyến của Bộ TT&TT, thực tế cho thấy đây là nền tảng rất tốt.
Với việc ứng dụng nền tảng công nghệ này, người dân tham gia lấy mẫu sẽ cài đặt ứng dụng Bluezone và khai báo y tế để được cấp 1 mã QR cá nhân trên điện thoại, đến khi lấy mẫu chỉ việc xuất trình mã QR cá nhân của mình cho nhân viên y tế. Nhân viên y tế sẽ dùng máy quét hoặc điện thoại có cài ứng dụng nền tảng truy vết quét mã barcode trên ống nghiệm, sau đó quét mã QR cá nhân của người dân để ghép người cần lấy mẫu với ống nghiệm. Người dân sẽ nhận kết quả xét nghiệm ngay trên ứng dụng Bluezone.
Đây là giải pháp ưu việt nhất hiện nay mà Hà Nội được ứng dụng. Đặc biệt, thời gian vừa rồi, khi Hà Nội triển khai xét nghiệm tầm soát diện rộng với một khối lượng rất lớn, việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch đã giúp tiết kiệm thời gian lấy mẫu và có dữ liệu chính xác hơn.
Các thao tác thực hiện cũng được giảm thiểu tối đa cho kỹ thuật viên lấy mẫu và dữ liệu ngay lập tức được đưa lên hệ thống, có thể thống kê nhanh chóng, kịp thời. Kết quả xét nghiệm cũng được trả trên phần mềm rất thuận lợi cho người dân.
Thưa ông, Thành phố vừa phát đi một thông điệp “kiên quyết xử lý vi phạm với những cơ sở kinh doanh dịch vụ không có mã QR code, vi phạm các quy định phòng, chống dịch”. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về chỉ đạo này không ?
Vừa qua, thành phố Hà Nội đã ban hành chỉ thị 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới.
Theo đó, từ 6h ngày 21/9 thành phố Hà Nội thực hiện phòng, chống dịch theo nguyên tắc Chỉ thị số 15/CT-TTg và một số biện pháp cao hơn. Việc nới lỏng giãn cách thì phải đi kèm theo đó là các biện pháp, trong đó biện pháp áp dụng công nghệ là quan trọng nhất.
Ví dụ ở nước ngoài, một người dân khi đến nhà hàng, siêu thị hay công sở thì đều phải có điện thoại thông minh hay các thẻ QR code để quét tại các nơi đến giao dịch. Trong trường hợp xảy ra ca F0 tại địa điểm nào, cơ quan chức năng với thời gian rất nhanh sẽ có thể truy vết được các trường hợp F1.
Đây là 1 điều kiện tiên quyết: muốn mở quán ăn, nhà hàng, siêu thị thì các nơi này phải tạo các điểm quét mã QR, và người dân muốn đến các điểm đó để giao dịch thì buộc phải quét mã.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, Thành đoàn Hà Nội về việc triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra, vào địa điểm bằng mã QR nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, đảm bảo việc truy vết được nhanh chóng, khoanh vùng chính xác, đúng đối tượng, kịp thời ngăn chặn lây lan bằng ứng dụng công nghệ trong trạng thái bình thường mới.
Đặc biệt, trong cuộc giao ban trực tuyến mới đây giữa Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố với sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh việc: kiên quyết xử lý vi phạm với những cơ sở kinh doanh dịch vụ không có mã QR, vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Sự quyết liệt này nhằm giúp chúng ta bảo toàn thành quả chống dịch tính đến thời điểm hiện tại và ngăn chặn những đợt bùng phát diện rộng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước cũng như sự an toàn và đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, để việc thực hiện quét mã QR thật sự đạt hiệu quả thực chất, rất cần sự hợp tác không chỉ của các cơ quan, đoàn thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ mà còn từ chính ý thức của người dân. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi người dân ngoài việc khai báo qua các tờ khai y tế nếu có biểu hiện ho sốt khó thở thì khi đến các điểm công cộng hay các nhà hàng, siêu thị phải quét mã QR để phục vụ công tác truy vết, phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố.
Đối với những cơ sở kinh doanh nhỏ, cửa hàng ăn nhỏ, Sở TT&TT đã có hướng dẫn như thế nào để tạo các điểm quét mã QR?
Sở đã đề nghị Thành đoàn Hà Nội Chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thành viên các cấp, thành lập các đội cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tham gia hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện việc tạo mã QR code để quản lý thông tin người ra vào.
Tại những địa điểm hàng quán mà người dân không thể tự tạo mã QR code, các bạn đoàn viên thanh niên sẽ đứng tại điểm quét để tạo mã, sau đó in và dán tại các điểm đó để Thành phố quản lý và theo dõi.
Trường hợp công dân không có điện thoại thông minh thì sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để quét mã.
Vậy vai trò của các quận huyện trong công tác giám sát, đôn đốc và đặc biệt là kiểm tra hậu kiểm đối với các đơn vị không thực hiện điều này thì như thế nào?
Trong các văn bản của Thành phố cũng như trong các cuộc hợp Sở chỉ huy gần đây, lãnh đạo Thành phố, đặc biệt Ban Thường vụ Thành ủy đã có định hướng, chỉ đạo khi nới lỏng giãn cách, đó là người dân khi đến các điểm công cộng phải quét mã QR. Việc này Thành phố đã chỉ đạo các quận huyện phải vào cuộc quyết liệt để đồng bộ các giải pháp. Sở TT&TT cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, NCOVI, VHD, VNeID; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu người dân khi ra vào cơ quan, tổ chức, công sở, các địa điểm công cộng cần thực hiện nghiêm việc quét mã QR.
Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt việc khai báo y tế điện tử và quét mã QR, trong đó yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... phải thực hiện kiểm soát người vào đơn vị bằng việc quét mã QR. Lực lượng công an tại địa phương và Tổ COVID cộng đồng sẽ giám sát việc này.
Trân trọng cảm ơn ông!