UNESCO nói về việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu

TP - Liên quan đến các ý kiến trái chiều về việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu (Xuân Trường, Nam Định), ông Michael Croft (ảnh), Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam cho rằng, đảm bảo an toàn cho giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, nhà thờ là của Giáo dân Bùi Chu, nên cần tôn trọng các quyết định của họ.    
Hiện trạng nhà thờ Bùi Chu Ảnh: M.Đ


An toàn và quyền thực hành tín ngưỡng là quan trọng
Liên quan đến sự việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ với PV Tiền Phong: Truyền thông và mạng xã hội bàn luận về nhà thờ Bùi Chu nhưng ít đề cập tới yếu tố quan trọng hàng đầu là an toàn của giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng. Việc bảo tồn kiến trúc nhà thờ phải được đặt cạnh tính tiếp nối và liên tục của việc thực hành tín ngưỡng tại địa điểm giáo dân coi là linh thiêng.


Theo đó, muốn bảo tồn nhà thờ Bùi Chu, trước tiên phải đảm bảo an toàn cho giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng. Bảo tồn di sản phải bao gồm cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Đừng nên tuyệt đối hoá bằng mọi giá chỉ bảo tồn di sản vật thể của công trình, ông Michael Croft nói.
Chính vì thế, ngày 7/5, ông Michael Croft gửi đề nghị tìm hiểu cụ thể nhà thờ và được đại diện Giáo phận Bùi Chu chấp thuận. Ngày 10/5, ngoài đại diện UNESCO, đoàn có một kiến trúc sư, một chuyên gia di sản, một chuyên gia kỹ thuật 3D, đã tìm hiểu thực trạng công trình, lịch sử xây dựng, những lần trùng tu và thảo luận với đại diện Giáo phận Bùi Chu. 


Ông Michael Croft nói, không cần người có chuyên môn về kiến trúc, chỉ quan sát bằng mắt thường cũng thấy rõ sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình này. Điển hình như, nền móng nhà thờ đã sụt lún, tường phía trước bị nứt toác thành hai mảng, cấu trúc gỗ và mái mục nát. Hơn nữa, nhà thờ đã được xây dựng từ năm 1884, trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam còn lạc hậu nên khó có thể đặt mục đích công trình sẽ trường tồn mãi theo thời gian. 


Bằng chứng là Bùi Chu không được xây bằng đá cổ như các nhà thờ châu Âu mà chỉ bằng những vật liệu được tận dụng tối đa ở địa phương. Các cấu kiện gỗ cũng không phải là tốt nhất. Sau chuyến làm việc, chúng tôi hiểu rằng, việc hạ giải nhà thờ đã được chức sắc Giáo phận và Giáo dân Bùi Chu cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn bị từ lâu. Những tính toán này luôn có sự góp ý của nhà chức trách tỉnh Nam Định; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để chọn cách tối ưu.


Trong trường hợp cần thiết giữ lại các kiến trúc nhà thờ Bùi Chu, cũng không nhất thiết phải bảo tồn nguyên trạng, bởi còn có nhiều hình thức khác để lưu giữ lịch sử, ký ức gắn với nhà thờ như giữ nền móng nhà thờ hoặc chi tiết đặc trưng nào đó, quét 3D, số hóa... Ngoài ra, nhà thờ Bùi Chu hiện chưa nằm trong danh mục di sản văn hoá quốc gia hay di sản được UNESCO công nhận. 


Rà soát lại Luật Di sản văn hóa
Ông Michael Croft chia sẻ: - Thông thường, chúng tôi không tham gia trực tiếp vào những câu chuyện như vậy, nhưng nhà thờ Bùi Chu nhận được sự quan tâm sâu sắc của công chúng, đặc biệt là các kiến trúc sư. Đây là cuộc tranh cãi giữa bảo tồn và phát triển, một thực tế mà Việt Nam đang phải đối mặt. Chúng tôi cũng nhận được đơn kiến nghị của các kiến trúc sư về việc này”.


“Trong chuyến thăm nhà thờ, chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận sự trân trọng, lòng thành kính của các giáo dân nơi đây với nhà thờ của họ. Vì vậy, những quyết định của họ với công trình cần được tôn trọng”, ông Michael Croft cho hay. 


Đại diện UNESCO đánh giá cao nỗ lực của Giáo phận Bùi Chu trong việc gìn giữ tối đa cấu trúc và nền móng ban đầu của nhà thờ trong kế hoạch hạ giải và tái thiết công trình. Đồng thời, giáo phận cũng sẽ số hoá để lưu trữ các cấu kiện kiến trúc nguyên bản của nhà thờ cho thế hệ mai sau. Theo đó, UNESCO sẽ hỗ trợ kỹ thuật, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình trùng tu nhà thờ Bùi Chu.


“Tới đây, chúng tôi có cuộc làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và cam kết sẵn sàng hợp tác để xây dựng kế hoạch bảo tồn các di sản là công trình tôn giáo một cách hệ thống và chủ động, thay vì giải quyết từng sự việc riêng lẻ. Việt Nam cần rà soát lại Luật Di sản văn hóa, mời những người có uy tín ở các tôn giáo khác nhau để sửa đổi quy định liên quan đến việc công nhận di tích là công trình tôn giáo” - ông Michael Croft nói. 


Trong trường hợp cần thiết giữ lại các kiến trúc nhà thờ Bùi Chu, cũng không nhất thiết phải bảo tồn nguyên trạng, bởi còn có nhiều hình thức khác để lưu giữ lịch sử, ký ức gắn với nhà thờ như giữ nền móng nhà thờ hoặc chi tiết đặc trưng nào đó, quét 3D, số hóa... Ngoài ra, nhà thờ Bùi Chu hiện chưa nằm trong danh mục di sản văn hoá quốc gia hay di sản được UNESCO công nhận. 




Tháng 5/2019, Giáo phận Bùi Chu thông báo sẽ hạ giải nhà thờ vào ngày 13/5, sau đó 25 kiến trúc sư đã gửi đơn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị can thiệp giữ lại nhà thờ.
Ngày 10/5, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện, Trưởng ban xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu ký thông báo hoãn việc hạ giải nhà thờ chính tòa.
Ngày 17/5, Giám mục, Giáo phận Bùi Chu Thomas Vũ Đình Hiệu ký văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, không có vị nào trong nhóm hơn 20 kiến trúc sư tới gặp những người có trách nhiệm trực tiếp đối với công trình nhà thờ Bùi Chu như một số tờ báo thông tin.