Ngày 22/12, chia sẻ tại hội nghị thường niên Đại học quốc gia (ĐHQG) TPHCM năm 2023, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), thành viên Hội đồng ĐHQG TPHCM cho rằng, khó khăn của ĐHQG TPHCM nằm ở vấn đề cơ sở vật chất. Đại học này chỉ được giao đất, trong khi vấn đề xây dựng và đưa vào hoạt động cần xã hội hóa và cần vận hành các cơ sở này một cách hiệu quả.
Ông Trần Bá Dương đề xuất ĐHQG TPHCM hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) để khai thác các cơ sở vật chất, tìm kiếm các đối tác vì trường làm một cách trong sáng, không vì lợi nhuận.
“Đây là cách để phát triển các cơ sở vật chất trong bối cảnh cạnh tranh giữa các đại học tư, đại học ở nước ngoài và các trường đại học thành viên ĐHQG TPHCM”, Chủ tịch THACO chia sẻ.
Liên quan vấn đề trên, ông Trần Bá Dương nói về chuyện "ăn, ở" của sinh viên. Theo ông, “ở” thì đã có ký túc xá nhưng cái ăn của sinh viên thì còn thiếu.
Vị tỷ phú trong ngành sản xuất ồ tô cho biết, vừa qua, nhóm của ông nghiên cứu về việc thay đổi cách ăn của sinh viên. Đó là làm thế nào thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, không thiếu không thừa và phù hợp với sức khỏe thể chất, thể trạng của sinh viên. Ông khẳng định sắp tới sẽ cho triển khai mô hình làm thức ăn mang đi. Sinh viên có thể vừa mang đi vừa ăn.
"Một ly cà phê rất đậm đặc thì phải uống trong 15 - 20 phút chứ uống gấp coi chừng bị say. Mô hình đối với giới trẻ, với sinh viên nên quan tâm vấn đề này. Tôi hứa sẽ làm chương trình này, bắt đầu từ Đại học Bách khoa sau đó nhân rộng lên quy mô ĐHQG TPHCM”, ông Dương chia sẻ.
Tỷ phú Trần Bá Dương bày tỏ trăn trở về phát triển môi trường giáo dục, đặc biệt là bậc đại học với thực tiễn nền kinh tế. Theo ông, nhiệm vụ đầu tiên là cần quan tâm đào tạo nhân lực. Các đề án về sinh học, bán dẫn, AI… việc đầu tiên là nên hướng về nghiên cứu tổng thể và định vị điểm bắt đầu để có hướng đào tạo thích hợp.
Vị tỷ phú bày tỏ tâm huyết hiện thực hóa việc hợp tác giữa trường đại học và các doanh nghiệp.
“Đã có rất nhiều hợp tác, ký kết tài trợ nhưng cuối cùng không đi đến đâu do thực sự không hiểu nhau. Doanh nghiệp cứ tưởng ở trường làm được cái này cái kia, còn trường nghĩ mình làm cái này ra là chắc chắn bên ngoài sẽ dùng được”, ông Dương lưu ý.
Góp ý cho các đề án sắp tới, ông Trần Bá Dương đề nghị ĐHQG TPHCM chú trọng nhu cầu về nhân lực để đưa vào đào tạo.