Tuyệt chiêu nuôi bò vỗ béo thu lãi trăm triệu mỗi năm

Chọn mua bò gầy ốm, sau 2 tháng vỗ béo, nhiều hộ dân ở làng Cù Lâm thu lãi trung bình 4-5 triệu đồng một con.
Ngoài nghề nấu rượu, nhiều hộ dân ở làng Cù Lâm có thêm thu nhập khá từ việc vỗ béo bò. Ảnh: Phương Thảo

Làng Cù Lâm (Nhơn Lộc, Thị xã An Nhơn, Bình Định) không chỉ nổi tiếng với nghề nấu rượu Bàu Đá truyền thống mà còn phát triển mạnh việc vỗ béo bò nhờ nguồn cỏ ở địa phương, và đặc biệt là tận dụng hèm từ nấu rượu.

Ông Đỗ Văn Sửu (57 tuổi) cho biết, nuôi bò vỗ béo bán thịt phải có "nghề”. Nên chọn những con bò lai, khung xương to, chắc khỏe và không quá già. Bí quyết của người làng Cù Lâm là tìm những con bò kéo cộ (kéo hàng, lĩa gỗ ở rừng) từ các vùng núi An Lão, Vĩnh Thạnh (Bình Định) hay Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) đã "hết thời" mang về nuôi.

“Hai tháng trước tôi mua một bò kéo cộ thải hồi với giá 41 triệu đồng, về nuôi 2 tháng bán được 48 triệu. Trừ chi phí 1,5 triệu, tôi vẫn còn lãi hơn 5 triệu đồng", ông Cửu nói và cho hay, nuôi tầm 2 con một lứa thì thời gian vỗ béo ngắn hơn, chi phí ít hơn. Trung bình, mỗi tháng gia đình ông kiếm thêm 4 triệu đồng từ công việc này.

Ngoài ra, theo ông Sửu, bò vỗ béo là bò cột chuồng, do đó chuồng trại phải sạch sẽ, đi kèm với đó là thức ăn cho bò gồm rơm rạ, cỏ voi và đặc biệt là trộn thêm hèm rượu giúp bò tiêu hóa tốt, ăn nhiều, hay ngủ nên nhanh lớn.

Anh Đinh Văn Quốc, nhóm phó nhóm nuôi bò cùng sở thích do New Zealand hỗ trợ tại Nhơn Lộc, cho biết có lẽ hèm rượu giúp bò ngủ say sau mỗi lần ăn, cộng với thức ăn được hấp thụ tốt nên bò béo nhanh. Bò Cù Lâm được thương lái rất ưa chuộng vì thịt đỏ, săn chắc…

Theo người dân ở đây, một hộ mỗi năm nuôi 4-5 lứa, mỗi lứa 3-4 con, sau 2 tháng thì xuất bán. Chi phí thức ăn cho một con bò vỗ béo tầm 1,2-1,5 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 3,5-5 triệu. Bình quân, mỗi hộ thu lãi 50-70 triệu đồng, có hộ thu trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Trương Thanh Liêm, cán bộ khuyến nông xã Nhơn Lộc nhận định nuôi bò vỗ béo đang là nghề phát triển tốt ở Cù Lâm, nhưng hạn chế ở chỗ đầu ra chưa bền vững. Trước đây, bò thịt của Nhơn Lộc là số một không chỉ khu vực miền Trung mà có mặt ở cả thị trường TP HCM. 

Trước đây, trung bình một tuần có 33 con bò được đưa vào TP HCM tiêu thụ, thì bây giờ 2 tuần mới xuất một chuyến do đàn bò nuôi công nghiệp quy mô lớn ở Bình Định đang phát triển mạnh, khiến bò Nhơn Lộc bị chững lại, giá thấp hơn. Hiện nay, giá mỗi con bò giảm 2 triệu đồng so với trước.

Toàn xã Nhơn Lộc hiện có 2.500 hộ dân sinh sống bằng nghề nông kết hợp với chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản. Riêng thôn Cù Lâm có 400 hộ thì có đến 300 hộ nấu rượu kết hợp nuôi bò vỗ béo. 

Còn tổng đàn bò của Bình Định hiện ở mức 270.000 con, trong đó bò lai vỗ béo tập trung ở một số vùng trọng điểm như Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn. Hiện nay, giữa người dân nuôi bò và thương lái có kết hợp với nhau tìm đầu ra cho bò vỗ béo, tuy nhiên vẫn còn khá bấp bênh.

Theo Theo Vnexpress