> Đà Nẵng công bố phương án tuyển sinh đầu cấp
> Tuyển sinh lớp 1, lớp 6 ở Hà Nội: Không cấm trái tuyến
Nườm nượp ghi danh
Gần hai tháng nay, sáng chủ nhật nào chị Th. (phố Pháo Đài Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đưa con gái út đi sinh hoạt CLB Tuổi thơ của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Theo chị Th., CLB giúp con làm quen môi trường tiền học đường và bạo dạn, tự tin hơn kỹ năng cần thiết để dự tuyển vào những trường tư khác. Ngoài ra, từ hơn một năm nay, chị cho con theo học tiếng Anh tại một trung tâm có uy tín.
“Cách đây hai năm, khi cậu con lớn đến tuổi học lớp 1, tôi chủ quan nghĩ xin học trường tư chắc đơn giản lắm. Ai ngờ chỗ học có hạn, các cháu đăng ký dự tuyển thì đông nên các trường tư tuyển sinh khá gắt gao. Con tôi tính khí rụt rè nên thi chỗ nào cũng trượt, cuối cùng phải học trường công. Do vậy, tôi phải chuẩn bị kỹ càng để con gái vào được một trường tư mà học phí tầm 2 đến 3 triệu đồng/ tháng chưa kể các chi phí khác như ăn trưa, xe đưa đón...”, chị Th. Kể.
Cho con học trường tư đang phổ biến trong giới phụ huynh có mức thu nhập khá ở Hà Nội. Nhiều năm qua, mùa tuyển sinh vào lớp... 1 ở nhiều trường căng thẳng còn hơn thi ĐH! Trước đây, điểm nóng chỉ tập trung ở một vài trường tên tuổi thì nay gần như trường tư nào cũng nườm nượp phụ huynh đến ghi danh cho con trong mùa tuyển sinh.
Ngay cả trường mang danh quốc tế, tiền học phí lên tới vài ngàn USD/năm, đối tượng phục vụ là con em của phụ huynh có thu nhập cao cũng mở ra đến đâu là học sinh vào học kín đến đấy! Đại diện lãnh đạo một trường tư mới mở ở Hà Nội cho biết: “Qua thăm dò ý kiến khách hàng, chúng tôi nhận thấy nhu cầu phụ huynh về mô hình trường tư có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại rất lớn”.
Trường công mất điểm
Trường tư (tiểu học và THCS) hấp dẫn hơn trường công một phần nhờ điều kiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh, họ cho con học trường tư cũng là để tránh bệnh thành tích. Ở trường công dù học cả ngày ở trường nhưng nhiều học sinh vẫn phải đi học thêm ở nhà cô giáo.
Một phụ huynh Trường tư thục Ban Mai (Hà Đông) lý giải: “Ngoài lý do cần có thêm thu nhập, các cô giáo trường công còn chịu áp lực về kết quả học tập của học sinh”.
Các phụ huynh cũng cho biết, ở nhiều trường công lập, trẻ con khó thể hiện mình ngay cả trong hoạt động ngoại khóa. Có phụ huynh phàn nàn, chỉ là biểu diễn văn nghệ thôi mà các con cũng phải... hát nhép.
Còn chị K.H, phụ huynh trường Bill Gate (Bắc Linh Đàm) kể: “Tôi chạy vạy vất vả mới xin cho cháu được vào một trường công lập danh tiếng thuộc quận Đống Đa. Nhưng ngay học kỳ đầu tiên, tôi ân hận vì điều này. Gặp phụ huynh, cô chẳng chia sẻ tình hình con thế nào mà chỉ kể... thành tích của lớp. Có lần tôi rất bất bình khi thấy cháu khoe, đợt này tranh vẽ của lớp con được chấm nhì toàn khối nhưng đó là tranh cô mượn trên Cung Thiếu nhi! Hết năm học ấy, tôi chuyển trường cho con luôn”.
Một sự khác biệt giữa trường công với trường tư, theo các phụ huynh là sự minh bạch, bình đẳng giữa phụ huynh và giáo viên, nhà trường. Đặc biệt, các trường tư đều công khai quan điểm giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất... và sẵn sàng chịu sự giám sát của phụ huynh.
Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh, một thành viên giải thích vì sao nhiều bố mẹ sẵn sàng đầu tư lớn cho con ở trường tư lại khó chịu vì những khoản quà cáp cho giáo viên trường công: “Vài ngàn USD học phí trường tư thì được nộp đàng hoàng, còn vài triệu đồng (quà cáp) thì phải đưa dấm dúi cho giáo viên trường công”!
“Con tôi đang học ở một trường mầm non công lập. Con thích tham gia múa hát, nói tiếng Anh và các hoạt động khác của trường. Tuy nhiên, chỉ một số bạn được tham gia. Thấy con buồn, tôi hỏi thăm cô giáo thì được biết, lớp có rất đông bạn, trong khi con còi hơn các bạn khác nên không được chọn vì đội hình sẽ không đẹp mắt.
Hoá ra lý do con không được tham gia những hoạt động con yêu thích vì cô sợ ảnh hưởng tới thành tích của cô. Vì thế mà năm học tới, tôi quyết định cho con tôi học trường tư, nơi mà mọi bé đều được tôn trọng, bình đẳng”.