Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022: Nên chọn ngành nghề thế nào?

TP - Các trường đại học (ĐH) đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh, thí sinh và phụ huynh cũng lại cân não giữa một rừng ngành nghề đào tạo.
Thí sinh rộng cửa xét tuyển vào đại học năm 2022 (ảnh chụp trước 27/4). Ảnh: Diệp An

Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh 2022, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế TPHCM đưa ra lời khuyên với thí sinh xét tuyển ĐH năm 2022 là nên lựa chọn ngành nghề có tính chất đa ngành, liên ngành. Xu hướng đào tạo ĐH hiện nay trên thế giới không còn đi vào các ngành hẹp vì đào tạo ĐH không phải dạy nghề, mà giúp người học có tư duy, phương pháp, cách tiếp cận để sẵn sàng thích ứng với xã hội ngày càng thay đổi nhanh chóng.

Đặc biệt, thí sinh cần phải sẵn sàng khả năng tiếp cận, sử dụng, quản trị công nghệ trong nghề nghiệp. Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Nguyễn Anh Vũ cho hay trường này đào tạo ngành tài chính ngân hàng chất lượng cao theo định hướng fintech (kết hợp giữa tiền tệ, tài chính và công nghệ). Ngành này phù hợp với thí sinh học tốt về toán. Bên cạnh đó, thí sinh có kiến thức xã hội tốt, khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt, giao tiếp tốt sẽ thành công trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Thí sinh rộng cửa xét tuyển vào đại học năm 2022 (ảnh chụp trước 27/4). Ảnh: Diệp An

Còn Giám đốc Trung tâm truyền thông và Tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM, Nguyễn Hải Trường An nêu quan điểm một ngành học ra sẽ làm được nhiều nghề, một nghề có thể người học nhiều ngành khác nhau làm việc.

Như hiện nay, rất nhiều thí sinh thích ngành marketing nên đổ xô vào ngành này. Tuy nhiên, đừng mặc định học ngành marketing chỉ ra làm trong lĩnh vực này. Sinh viên học ngành tâm lý vẫn có thể ra làm việc trong lĩnh vực marketing.

Nhiều cơ hội cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã rục rịch công bố đề án tuyển sinh 2022. Xu hướng chung các trường đều giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT để chuyển sang tuyển sinh bằng các phương thức khác. Các trường đều ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như: IELTS, SAT, A-Level… cho thấy xu hướng hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến.

Đi đầu trong xu hướng này là ĐH Quốc gia Hà Nội với kỳ vọng sẽ tuyển được lứa thí sinh mới phù hợp cho các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Cùng với đó, hai trường ĐH đào tạo hàng đầu về kinh tế là ĐH Ngoại thương và ĐH Kinh tế Quốc dân cũng thêm phương thức xét tuyển kết hợp, trong đó yêu cầu IELTS đạt tối thiểu 6.5.

Đến mùa tuyển sinh 2021 vừa qua, việc có những trường ĐH nổi tiếng có điểm chuẩn cao top đầu như ĐH Y Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân,… cũng lần đầu tiên tuyển thí sinh giỏi ngoại ngữ. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội cho thí sinh học tốt ngoại ngữ vào các trường đều rất rộng mở.