Tướng lĩnh Mỹ 'nóng gáy' lo bị lộ bí mật đội đặc nhiệm

Các binh sĩ đặc nhiệm Mỹ có thể đối mặt với nhiều mối nguy hiểm hơn trong khi khả năng hoàn thành nhiệm vụ giảm sút do các bí mật quân sự bị tiết lộ quá nhiều.
Binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) của Mỹ. Ảnh: US Navy

Tướng Joseph Votel, tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt (SOCOM), hôm 8/12 viết một bản ghi nhớ gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, yêu cầu Lầu Năm Góc ngừng đề cập đến hoạt động của lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Iraq hay bất cứ nơi nào khác trước công chúng. Theo ông, để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, mọi động thái của những binh sĩ này cần được tuyệt đối giữ bí mật, Foreign Policy ngày 28/1 đưa tin.

Lời đề nghị trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Carter cùng một số quan chức Nhà Trắng thông báo về việc một lực lượng gồm khoảng 200 lính đặc nhiệm Mỹ (SOF) sẽ tới Iraq để chiến đấu chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

"Tôi thấy lo lắng về việc các hoạt động và chiến dịch của SOF bị tiết lộ ngày càng nhiều", ông Votel viết. "Đã đến lúc đưa các binh sĩ của chúng tôi trở lại bóng tối".

Ông cũng thêm rằng việc thảo luận công khai về các sứ mệnh của lực lượng đặc nhiệm chỉ tạo ra nhiều khó khăn hơn cho các binh sĩ. Ông đồng thời "yêu cầu Lầu Năm Góc thiết lập một cơ chế trao đổi khác để tránh việc hoạt động của SOF bị đưa ra thảo luận công khai", một quan chức Bộ Quốc phòng am hiểu vấn đề cho hay, dẫn lời tướng Votel viết trong bản ghi nhớ.

Đây không phải lần đầu tiên một sĩ quan chỉ huy quân đội Mỹ bày tỏ nỗi thất vọng vì thông tin nhạy cảm về các lực lượng tinh nhuệ bị tiết lộ. Hồi năm 2011, sau chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, một số quan chức cấp cao, trong đó có cả ông Robert Gates, bộ trưởng quốc phòng Mỹ thời điểm đó, cũng chỉ trích Nhà Trắng khi công bố quá nhiều chi tiết quan trọng về cuộc đột kích.

Giới quan sát nhận định, chính quyền đang thổi phồng việc triển khai lính đặc nhiệm để thu về các lợi ích chính trị hoặc nhằm xóa tan những cáo buộc cho rằng họ không nỗ lực hết sức trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa như IS.

Bên cạnh đó, không ít người hoài nghi hành động này chủ yếu nhằm mục đích giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama tạo dựng di sản của mình với hình ảnh của một vị tổng tư lệnh quyết đoán, sẵn sàng theo đuổi kẻ thù của Mỹ tới bất kỳ đâu.

Bản ghi nhớ của ông Votel xuất hiện trong bối cảnh Nhà Trắng đang cố gắng bảo vệ chiến lược mà họ theo đuổi ở Iraq và Syria trước những chỉ trích từ Quốc hội, trong đó, chính quyền Tổng thống Obama thường xuyên nhắc đến việc điều động lính biệt kích tới khu vực để gia tăng sức ép lên các mục tiêu IS. Lực lượng này bao gồm thành viên của những đơn vị tinh nhuệ như SEAL hay Delta Force.

Trong một phiên điều trần trước Quốc hội diễn ra hôm 1/12, ông Carter tiết lộ kế hoạch thành lập một "lực lượng viễn chinh chuyên biệt", gồm khoảng 200 binh sĩ tinh nhuệ, sẽ đảm đương các sứ mệnh như "đột kích, giải cứu con tin, thu thập thông tin tình báo và bắt giữ thủ lĩnh của IS".

Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên cho hay ông Carter "chia sẻ nỗi lo lắng" của tướng Votel về việc hoạt động của SOF bị công khai, đặc biệt là khi chúng có thể đẩy các binh sĩ Mỹ vào tình cảnh nguy hiểm và làm suy giảm khả năng thành công của nhiệm vụ.

Nhưng theo quan chức này, ông Carter cũng nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng có nghĩa vụ cung cấp cho người dân thông tin về mọi hoạt động của quân đội Mỹ.

Votel lên tiếng về vấn đề trên chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Obama đề cử ông làm lãnh đạo tiếp theo của Bộ Chỉ huy Trung ương, có nhiệm vụ giám sát hoạt động của các lực lượng Mỹ ở Trung Đông.

Mặt khác, bản ghi nhớ cũng tiềm ẩn nguy cơ châm ngòi trở lại một cuộc tranh luận chính trị đã tồn tại từ lâu về việc nhắc đến hoạt động của lực lượng đặc nhiệm một cách công khai, trong khi những sứ mệnh của họ thường phải được giữ bí mật.

Trong cuốn hồi ký của mình, cựu bộ trưởng quốc phòng Gates từng tỏ thái độ bất bình với các quan chức chính quyền Obama khi làm lộ "những kỹ xảo, chiến thuật hay quy trình mà lực lượng SEAL áp dụng" trong chiến dịch đột kích tiêu diệt bin Laden, bất chấp việc họ đã cam kết không tiết lộ chi tiết về hoạt động này.

Nhà Trắng và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) "quá nóng lòng khoe khoang chiến tích và kể công trạng của mình", ông Gates viết.

Binh sĩ lực lượng Delta Force. Ảnh: Naira Land

Sau sự việc một lính biệt kích xuất bản cuốn sách kể về nhiệm vụ của người này trong cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden, ông William McRaven, lãnh đạo SOCOM khi đó, đã viết một lá thư khuyên các binh sĩ không nên vụ lợi trên những sứ mệnh phục vụ quốc gia.

Hoạt động của các lực lượng đặc nhiệm trước đây, khi còn ở quy mô nhỏ, thường được giữ bí mật tốt hơn. Song, mọi chuyện thay đổi khi quân số của lực lượng gia tăng đáng kể sau vụ khủng bố 11/9, đồng thời thành công của chiến dịch diệt bin Laden đã đưa các lính biệt kích vào tâm điểm chú ý.

Trong một cuốn sách xuất bản hồi năm ngoái, tác giả Sean Naylor lần đầu tiên hé lộ chi tiết về những nhiệm vụ của biệt kích Mỹ tại Pakistan và Syria trong một thập kỷ qua. Cuốn sách trên như một hồi chuông cảnh báo khiến các quan chức quân sự Mỹ phải nhắc nhở binh sĩ của mình về việc tuân thủ nghiêm ngặt cam kết không tiết lộ bí mật.

Song, tiêu chí này không phải lúc nào cũng được đề cao. Hồi năm 2012, vài thành viên thuộc lực lượng đặc nhiệm còn được phép tham gia bộ phim kể về một đội biệt kích đang tìm cách giải cứu mật vụ CIA bị bắt giữ. Các chỉ huy quân sự cho phép họ tham gia bộ phim với hy vọng việc này có thể giúp họ tuyển mộ nhiều binh sĩ hơn.

Theo Theo Vnexpress