Tướng Đồng Sĩ Nguyên, vài lần gặp

TP - Năm đã xa ấy, trong loạt phóng sự về bí danh của một số tướng lĩnh Việt Nam, về phần tướng Đồng Sĩ Nguyên, tôi có dẫn từ một nguồn tin cậy về bí danh của ông. Đại khái từ Nguyễn Hữu Vũ (tên khai sinh) đến Nguyễn Văn Đồng rồi Nguyễn Sĩ Đồng. Trong thời gian 1947-1948, ông được phân công làm chính trị viên kiêm tỉnh đội trưởng Quảng Bình, lại tham gia nhiều hoạt động bí mật chỉ huy nhiều trận tấn công quân Pháp. Để khỏi liên lụy đến gia đình, ông dùng tên mới là Đồng Sĩ Nguyên.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chuyện chỉ có vậy, nhưng nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật - chỗ thân thiết với tướng Đồng Sĩ Nguyên nói lại là tướng quân rất bực khi đọc bài báo nọ. Ông nói đây là bí mật không nên công khai ra làm chi. Sau đó lựa được dịp rảnh, nhà thơ của Đường Trường Sơn dẫn tôi xuống nhà riêng vị Tổng Tư lệnh của mình.

 Đó là căn nhà đã cũ cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phòng khách nhà riêng vị Tư lệnh huyền thoại đường 559 chỉ có bộ sa lông gỗ đã cũ lắm. Trên tường hai bức một tranh, một ảnh. Tranh là bức Bác cùng chúng cháu hành quân. Còn bức ảnh phóng to tướng quân chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đại tướng vào thị sát chiến trường. Tướng quân khi ấy đang mang quân hàm đại tá. Sau này đại tá Đồng Sĩ Nguyên được phong hàm thẳng lên Trung tướng. Nghe đâu ở Việt Nam chỉ có 2 người như thế…

Tôi hơi hoảng ngó tướng quân nhướng cặp mày bạc về phía mình khi nghe Phạm Tiến Duật giới thiệu. Chất giọng Quảng Bình nghe như nặng hơn khi ông lắc đầu rằng chưa phải là lúc nói cái chuyện riêng tư ấy ra. Thú thực tôi vẫn băn khoăn chuyện bí danh thì có chi là mật? Hay tận thời điểm đó chi tiết ấy vẫn chưa được công khai? Nhưng cũng nhanh thôi sau khi tôi rụt rè xin lỗi… Chất giọng tướng quân chừng như đã bình hòa trở lại. Ông hào hứng quay sang nhà thơ Phạm Tiến Duật về một chuyện hình như bỏ dở chưa lâu. Hình như là việc nên tìm một địa điểm đẹp trên đường Trường Sơn (nay là đại lộ Hồ Chí Minh) để xây dựng một nghĩa trang tưởng niệm bộ đội và TNXP thời máu lửa đã ngã xuống…

Bến xe Kim Liên thời bao cấp xập xệ, khách nhiều xe ít! Đang xếp hàng mua vé đi Hòa Bình, tôi thoáng trong dòng người dài dặc một cái dáng hơi quen quen. Ai mà hao hao như tướng Đồng Sĩ Nguyên? Thiên hạ thiếu chi những người giống nhau. Mà ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi ấy là Đồng Sĩ Nguyên thì ra đây làm cái gì? Nhưng cái ông đứng sau cái người hao hao ấy tôi không thể nhầm. Anh là H. cán bộ Văn phòng Bộ Giao thông vốn là chỗ quen biết với dân báo chí! Sau này qua anh mới hay, Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên và một số lãnh đạo Bộ thỉnh thoảng lại có động thái kiểm tra tình trạng các bến xe theo kiểu cải trang như thế. Nhưng nghe vậy biết vậy, bởi ông không cho báo chí đưa tin về chuyện bộ trưởng vi hành!

… Tháng 11/1998. Các loại nhà khách, khách sạn của thị xã Đồng Hới vốn lỏng lẻo lèo tèo thường ngày bỗng chật ních các loại khách về dự lễ thông xe cầu Gianh mặc cho ngoài trời mù mịt thứ mưa sau bão rớt cơn số 5, số 6... Thế nào mà phòng tôi lại ở kề với phòng tư lệnh một thời trận mạc Đồng Sĩ Nguyên. Thoáng thấy, tướng quân vẫy chúng tôi vào. Hơi ngài ngại vì đã khuya. Mà thời tiết nồm ẩm thế này tướng quân cứ phải khẹc khẹc liên hồi vì chứng viêm mũi kinh niên. Hình như ông mới rời chồng tài liệu chi đó trên bàn? Ông thân mật hỏi quê vùng nào ở xứ Thanh? Tôi liều nói vui rằng ở cái làng trên đường 217 mà tướng quân ghé hồi đầu năm. Chả là dịp ấy về quê, nghe ban lãnh đạo xã khoe cụ Đồng Sĩ Nguyên với cương vị đặc phái viên Chính phủ đặc trách Chương trình 327 bảo vệ phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phủ xanh đất trống đồi trọc về xã làm việc. Cụ không chỉ nghe mà leo cả lên đồi để kiểm tra…

Lại chợt nhớ đến một người quen mà ông này đã một thời gian dài “tháp tùng” vị tư lệnh chiến trường Đồng Sĩ Nguyên. Gọi là tháp tùng cho oai kỳ thực là anh phải bám theo bảo vệ vị Tư lệnh 559 liền mấy ngày khi ông ngồi lì ở một căn hầm đào và xây khá sơ sài bên phà Gianh này và ngược lên một chút là phà Xuân Sơn. Thầy trò lọt thỏm vào túi bom đạn ác liệt ấy để làm gì vậy? Xin thưa, để khảo sát quy luật đánh phá đường của bọn Mỹ đặng tìm ra những phương thức đưa người và vũ khí vào chiến trường. Sáu con đường vắt ngang Đông và Tây Trường Sơn mang tầm cỡ chiến lược. Xuân Sơn và Gianh là hai trọng điểm ác liệt nhất và thương vong lớn nhất về người và của. Ba ngày ngồi lì để đếm bom mìn máy bay giặc, thầy trò may mắn thoát chết và phương án nghi binh cứ 15 xe qua phà Gianh thì 100 xe qua Xuân Sơn. Mỗi tháng đoàn xe vào được chiến trường giảm thiểu mức thiệt hại xuống còn tỷ lệ 30-50 (mất 30 xe và 50 người).     

Chuyện thoắt trở lại thời điểm Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sĩ Nguyên quyết định làm cầu Chương Dương. Chất giọng vui vẻ, ông kể lại không ít những xì xào này khác. Có “anh” Thăng Long rồi hà cớ chi lại nảy ra “em” Chương Dương? Rồi người ta phao ầm lên ông Đồng Sĩ Nguyên “thó” vật tư của Thăng Long san sẻ cho Chương Dương v.v... và v.v... Đồng chí Lê Đức Thọ cho gọi ông lên. Mới gặp cười cười phàn nàn ngay tại sao mà tiếng búa đóng cọc cầu Chương Dương vang to thế? Kín cổng cao tường mà cụ còn khó ngủ nữa là dân? Sau đó cụ căn vặn ông đủ điều về thiên thời địa lợi nhân hòa của cây cầu Chương Dương v.v... Chất “lính” trong vị quan chức Chính phủ đã xui ông nói hết những điều cần nói và may sao hồi đó ông “thoát” và cây cầu ấy đã xuất hiện như cầu... Chương Dương hôm nay. Mười ngày trước khi rời chức Phó Thủ tướng, ông đã ký quyết định cho làm một loạt cầu trong đó có Nông Tiến (Tuyên Quang), Âu Lâu (Yên Bái), Bình (Hải Dương), Mục Sơn (Thanh Hóa), Ghép v.v...

Tướng Đồng Sĩ Nguyên

Câu chuyện của chúng tôi đang hướng về những “cầu xưa, đường nay”, tướng quân với tay lôi trong tủ ra một chai nước khoáng mặn (tôi đã nghe không ít những giai thoại về sự tằn tiện và sự cẩn trọng của vị tư lệnh chiến trường này. Tôi cũng biết mấy chai khoáng mặn kia tướng quân mang từ Hà Nội vào chắc bữa nay ông vui thì mới “hào phóng” thế), rót ra cốc, giọng thân mật “Ông nhà báo này, nói thật nhá, tôi có một cái ác cảm, ác cảm thật sự là rất khó chịu với sự đứt đoạn. Đang đi ngon trớn mà lại gặp phà. Không hiểu sao hồi tu nghiệp tại Học viện quân sự ở nước ngoài, tôi chọn khoa cầu đường như một sự tự nhiên. Rồi có lẽ những năm bom đạn ở 559, phản xạ về sự thông đường, tắc đường nó ăn nó bám vào tiềm thức mất rồi. Với những anh phụ trách trọng điểm có điều kiện làm cầu mà cứ cho xe qua ngầm, tôi quạt cho thẳng cánh... Và sau này có lẽ sốt sắng với việc làm cầu cũng có lý do ấy. Ai đời đi họp Trung ương mà bay trực thăng từ Khu Bốn ra Gia Lâm đợi hai tiếng mới qua Long Biên được. Để thế thì có tức không? Nên sau này phải kiên quyết làm cái anh Chương Dương...”. Tôi hỏi tướng quân “Cái lợi của cầu Gianh bây giờ đã rõ. Nhưng thời điểm ấy có Chương Dương rồi ta không quyết luôn cái cầu Gianh?”. Tướng quân cười “Trục đường Nam Bắc có lẽ nhức nhối nhất là cái anh phà Gianh. Sông Hồng 1.200 mét còn vượt được nữa là sông Gianh 800 mét. Nhưng khi đó tiền và tài đều chưa có. Lúc ấy công nghệ khoan nhồi cọc trụ, dầm hẫng như quân của Thăng Long làm bây giờ là điều lý tưởng. Vậy nên mới choang choang cái chuyện búa đóng cọc Chương Dương. Nếu hăng lên cứ quyết, tiền nong vốn liếng khó một nhẽ, nhẽ khác sẽ chắc chắn lù lù trên dòng Gianh một cây cầu công nghệ và kiểu dáng như Chương Dương mà tốn kém nhiêu khê không thể kể hết”.

Anh bạn đồng nghiệp hỏi thêm lần này về Quảng Bình tướng quân có ghé quê Quảng Trạch được không? Ông lắc đầu bảo cũng mới về đầu năm. Đây là lần đầu chúng tôi được ông trực tiếp rành rẽ về quê nhà Quảng Trạch… Ấn tượng nhất là cụ bà thân sinh của tướng quân. Cụ là cháu ngoại của cụ Lãnh Trần ở huyện Tuyên Hoá, một trong những người chỉ huy tài năng của đề đốc Lê Trực. Cụ ông là Nguyễn Hữu Khoán, cháu nội của Nguyễn Trọng Đạm, một chỉ huy Cần vương bị Pháp xử bắn ngay ở cửa sông Gianh này (Cửa Gianh- Quảng Trạch, Quảng Bình). Nhà nghèo, đông con nhưng cụ vẫn cho các con học hết tiểu học. Riêng Đồng Sĩ Nguyên được học đến trung học (Trường Saint Marie tại Đồng Hới) rồi tham gia cách mạng. Năm 1938, ông được kết nạp Đảng khi mới vừa tròn 15 tuổi.

Năm 1937, cụ Cấp đã nuôi giấu cán bộ cách mạng ở trong nhà. Nhà cụ là nơi in ấn, cất giấu tài liệu bí mật của Đảng. Cụ đã cho cả năm người con trai tham gia hoạt động cách mạng. Từng bị địch bắt giam. Năm người con trai của cụ sau này đều là cán bộ lão thành cách mạng. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng các khoá 4, 5, 6, đại biểu quốc hội từ khoá I đến khoá VIII. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, người con thứ 6 của cụ nguyên là Phó viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần. Cháu nội của cụ là Nguyễn Hữu Cường (con trai của người con thứ 3 - Nguyễn Hữu Lượng, một sĩ quan quân đội chuyển ngành)  Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu quốc hội khóa XI. Cụ có ba mươi tám người cháu tham gia lực lượng vũ trang, trong đó có mười ba sĩ quan cấp tá, mười hai sĩ quan cấp úy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội… một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội ta. Đối với tôi, tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến!”.