Trung tướng Bùi Văn Thành cho biết: Ở nước ta, những năm qua, mỗi năm xảy ra 3 nghìn vụ cháy, năm 2017 cũng vậy. Nhưng tại sao năm nay lại nóng lên? Chúng ta không mong muốn các vụ cháy xảy ra. Nhưng phải khẳng định, các vụ cháy tỷ lệ thuận với nhận thức không đầy đủ về nó và cũng tỷ lệ thuận với tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội. Trong khi chúng ta lại hay coi thường, xem nhẹ, không chú ý đến vật cháy trong gia đình mình.
Về nguyên tắc những nơi tập trung đông người, đặc biệt là những nhà cao tầng, siêu cao tầng, khi có Luật PCCC, thì cơ quan chức năng PCCC phải thẩm duyệt các giải pháp. Sau đó nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng. Nếu bộ phận quản lý duy trì hệ thống tốt thì tôi khẳng định, khi có cháy xảy ra hoàn toàn có thể báo cháy nhanh, và lúc đó mọi người sẽ biết và xử lý được.
Song nếu trong quá trình vận hành mà không kiểm tra, bảo trì sẽ có trục trặc. Trách nhiệm này thuộc về ban quản lý tòa nhà. Tuy nhiên người dân cũng phải hiểu biết hệ thống nơi chúng ta đang ở tình trạng như thế nào, có phương tiện báo cháy không. Ở đây, trách nhiệm của ban quản lý phải tuyên truyền để người dân biết.
Vừa qua đã có vụ cháy xử lý hình sự, như vụ cháy làm 13 người chết ở một quán karaoke trên đường 68 Trần Thái Tông, Hà Nội, truy cứu do thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Hay gần đây nhất, vụ cháy chung cư Carina đã khởi tố vụ án.
Ông có thể cho biết, Bộ Công an đã vào cuộc rà soát, thống kê về thực trạng PCCC?
Với tình hình hiện nay, trước khi thống nhất có đoàn kiểm tra liên ngành thì giao cho các đơn vị phải tự kiểm tra, công khai hóa các chủ cơ sở, Ban quản trị tòa nhà phải tự kiểm tra, báo cáo cho cơ quan PCCC.
Chúng tôi đã giao ban hội nghị toàn quốc, sơ kết quý II và phát động quý cao điểm tấn công, trấn áp dập lửa trên toàn quốc trong quý III/2018. Trong đó đặc biệt lưu tâm đến 7 địa phương có nhà cao tầng, siêu cao tầng là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM và Vũng Tàu.
Các tòa nhà cao tầng như một xã hội thu nhỏ, có người không hiểu mức độ an toàn thế nào. Phải thông báo công khai, rõ ràng. Việc này đã làm thường xuyên rồi nay làm quyết liệt, triệt để, lên danh sách điểm đen. Đầu tiên là thống kê toàn bộ các cơ sở tốt, các cơ sở không tốt trên lãnh thổ Việt Nam để báo cáo Thủ tướng.
Ngoài chỉ mặt đặt tên, chúng ta có đưa ra các giải pháp ngăn chặn tình trạng cháy nổ tại các “điểm đen” không?
Việc xử lý thì phải theo quy định của pháp luật. Còn các điểm đen có cái khó là có rất nhiều nhà xây dựng trước khi chưa có Luật PCCC. Bây giờ xử lý sẽ có rất nhiều vấn đề, như liên quan đến khoảng cách an toàn, thoát hiểm, thoát nạn… Cho nên với những tòa nhà hình thành trước khi có luật, trước tiên phải báo cáo Thủ tướng thực trạng và quy mô mất an toàn. Chúng tôi sẽ đề xuất giải pháp rất căn cơ.
Người dân có thể yên tâm sống trong các tòa nhà chung cư nếu tòa nhà đó đủ điều kiện an toàn. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, một yếu tố rất quyết định là ý thức của mọi người dân. Với kinh nghiệm 30 năm làm công tác PCCC, nếu mọi người cùng hợp tác, thì tôi khẳng định rằng, chúng ta có thể ngăn chặn được sự gia tăng các vụ cháy. Còn để một cơ quan PCCC, một mình chủ đầu tư thì không làm được.
Theo thống kê, Hà Nội có 79 tòa nhà vi phạm PCCC, đến nay mới khắc phục 50 tòa nhà. Hiện còn 29 tòa nhà, trong có 15 tòa không thể khắc phục, vậy xử lý ra sao, thưa ông?
Những tòa nhà này có trước khi có Luật PCCC. Giải pháp an toàn thì phải tính căn cơ, sẽ phải mất nguồn kinh phí rất lớn. Chúng tôi sẽ thống kê thực trạng, nguy cơ để báo cáo Chính phủ xin chủ trương.
Cảm ơn ông!