Tướng công an giải thích việc trưng dụng của CSGT

Theo luật, chỉ có bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Điểm mấu chốt là nhiều người không hiểu giữa trưng dụng và huy động nên có phản ứng trái chiều”. Chiều 1/2, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), trao đổi với PV về các phản ứng của dư luận liên quan quy định cho phép CSGT được trưng dụng tài sản của người dân.

Trưng dụng ngày xưa khác bây giờ

Rất nhiều người băn khoăn về quyền trưng dụng của CSGT, đặc biệt có ý kiến cho rằng quy định này “chỏi” Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (TMTDTS). Ông giải thích như thế nào?

Thiếu tướng Trần Thế QuânQuyền trưng dụng của CSGT theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, có hiệu lực từ ngày 15-2 căn cứ vào Luật Công an nhân dân (CAND) năm 2014.

Luật TMTDTS 2008 bãi bỏ quyền trưng dụng của công antheo Luật CAND năm 2005 và thay bằng quyền huy động. Năm 2014, Luật CAND mới quy định công an có hai quyền trưng dụng và huy động tài sản. Điều này cho thấy Luật CAND 2014 có sự phát triển và không mâu thuẫn với Luật TMTDTS.

“Quyền trưng dụng” trong Luật CAND năm 2005 được hiểu là quyền huy động xe để truy đuổi tội phạm hoặc đưa người gặp nạn đi cấp cứu. Đó không phải là việc trưng dụng tài sản theo Luật TMTDTS. Trưng dụng ở đây được hiểu là Nhà nước mượn tài sản của người dân trong thời gian nhất định, thông qua quyết định hành chính và quy trình chặt chẽ. Có thể hiểu nôm na là trưng dụng ngày xưa và trưng dụng bây giờ là khác nhau.

Nhiều người vẫn hiểu trưng dụng theo nghĩa trước đây nên cho rằng (thẩm quyền trưng dụng của CSGT theo Thông tư 01 - NV) mâu thuẫn với Luật TMTDTS. Nếu là trưng dụng tài sản thì CSGT chỉ được thực thi khi có quyết định bằng văn bản của bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh, xảy ra trong các trường hợp vì an ninh quốc gia.

Như vậy, Thông tư 01 chỉ nhắc lại quyền này, còn các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, nguyên tắc thực hiện trưng dụng đã được quy định tại Luật TMTDTS.

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an).

Có quyết định mới được trưng dụng

Vậy thì giữa trưng dụng và huy động khác nhau như thế nào?

Trưng dụng và huy động có thể có hình thức giống nhau nhưng khác nhau về trình tự, thẩm quyền.

Huy động mang nhiều tính tự nguyện, không thể bắt buộc. Người có tài sản huy động có thể từ chối, tuy nhiên cũng có thể bị chế tài.

Trưng dụng thì chặt chẽ hơn, theo quyết định của bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lúc này người có tài sản trưng dụng phải chấp hành, nếu không sẽ bị cưỡng chế và bị phạt hành chính hoặc hình sự.

Cả hai có điểm chung là nếu sử dụng tài sản gây thiệt hại thì Nhà nước sẽ bồi thường.

Ví dụ một người đang đi trên đường bị CSGT huy động điện thoại di động, nếu họ không đồng ý thì sao?

Người dân có quyền yêu cầu CSGT đưa ra giấy tờ, viết giấy xác nhận. Người dân cũng có quyền từ chối bị huy động tài sản. Các quyền tài sản của người dân là không thể xâm phạm song trong một số trường hợp, người dân có thể bị chế tài. Ví dụ, CSGT huy động taxi đưa người đi cấp cứu nhưng tài xế không chấp hành mà xảy ra chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đương nhiên được huy động?

Ông có thể đưa ra một số trường hợp cụ thể CSGT được quyền huy động?

Như khi đuổi bắt người phạm tội, người gây tai nạn nhưng bỏ chạy, chở người bị nạn đi cấp cứu, sử dụng phương tiện giải tỏa vật cản gây ùn tắc giao thông, giải phóng hiện trường tai nạn…  CSGT có thể huy động xe hoặc điện thoại của người đi đường.

Nhưng tại sao CSGT có quyền huy động trong khi Thông tư 01 chỉ nêu về quyền trưng dụng, thưa ông?

Huy động là quyền đương nhiên của CSGT, đã nêu trong các văn bản khác nên không cần phải nêu lại. Tuy nhiên, trưng dụng là quyền rất hệ trọng, liên quan đến quyền tài sản của công dân nên phải ghi rõ.

Nhiều người cũng băn khoăn về việc điện thoại còn chứa rất nhiều thông tin cá nhân và việc huy động làm mất mát, hư hỏng thì bồi thường thế nào?

Khi thực thi các quyền này, người trưng dụng hoặc huy động phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản, bảo đảm quyền riêng tư, bí mật cá nhân… của người có tài sản. Anh huy động điện thoại thì chỉ để gọi chứ sao lại vô xem những thông tin riêng tư làm gì?

Khi trưng dụng hay huy động nếu xảy ra hư hại thì đều phải bồi thường, về vật chất lẫn tinh thần. Trước tiên, hai bên sẽ thỏa thuận, nếu không đồng ý thì người dân có quyền kiện ra tòa. Nếu hình ảnh hoặc thông tin bị mất thì tìm các biện pháp kỹ thuật để khôi phục nhưng không được thì phải thỏa thuận bồi thường, người dân không đồng ý thì khởi kiện.

Xin cám ơn ông.

Nghi ngờ CSGT giả có quyền từ chối giao tài sản

Nếu người dân dùng điện thoại để quay, chụp CSGT tiêu cực và CSGT lấy quyền huy động để thu giữ và xóa hình ảnh thì sao, thưa ông?

CSGT phải nói rõ mục đích huy động. Người dân có quyền từ chối nếu lý do không chính đáng. Nếu CSGT đuổi bắt tội phạm thì người dân có thể cho huy động, chứ không thể có chuyện đang chụp ảnh mà CSGT tới huy động. Ngoài ra, huy động không có nghĩa chỉ CSGT sử dụng mà người dân có thể tự mình gọi đến số mà CSGT muốn liên lạc.

Trường hợp sử dụng tài sản huy động vào mục đích cá nhân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về lo lắng có sự giả mạo CSGT để huy động rồi lấy tài sản của người dân thì xử lý như thế nào, thưa ông?

Người dân có quyền kiểm tra thông tin của CSGT thông qua thẻ tuần tra, kiểm soát hoặc giấy chứng nhận ngành công an. Nếu cảm thấy những giấy tờ đó bị làm giả, người dân có thể yêu cầu được liên lạc với chỉ huy của CSGT đó để kiểm tra hoặc liên hệ đến công an gần nhất… Nếu người dân vẫn nghi ngờ thì hoàn toàn có quyền từ chối giao tài sản.

Theo Theo Pháp Luật TPHCM