- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã viết về hành trình nghệ thuật của ông: Ông càng vẽ, càng đi, càng khác. Không gian hội họa của riêng ông luôn để ngỏ muôn cửa vào, lối ra khó biết. Đây là một nhận xét, theo tôi, thật sự chính xác và tinh tế. Và mặc dù Phạm Luận - một trong những họa sĩ hiện nay có tranh bán chạy nhất thị trường Việt Nam - giờ đây tổ chức triển lãm chủ yếu để chơi, để trải nghiệm cảm giác có hay không níu được chân người xem trước các bức vẽ của mình, cá nhân ông có hồi hộp hơn so với những lần triển lãm trước hay không?
- Cuộc nào tôi cũng hồi hộp cả. Khi vẽ thì hết sức mình. Và tôi luôn muốn người xem tranh tôi cảm thấy thú vị, thấy sự phát triển của mình. Vẽ là sự chủ quan của họa sĩ. Còn công chúng đón nhận như thế nào, vẫn luôn là một câu hỏi khiến tôi có nhiều cảm xúc, kể cả đã hơn 50 năm cầm bút vẽ. Tôi chỉ luôn nghĩ, dù như thế nào cũng phải là chính mình.
- Ông vẫn được định danh là họa sĩ của những phố nắng, làng hoa, của một Hà Nội lãng mạn và thâm trầm… thì tới 2022, với triển lãm Tích tắc Sài Gòn, một Sài Gòn khí khái, hào sảng với nhiều góc độ đối nghịch đã đi vào tranh Phạm Luận một cách tự nhiên, như thể tâm hồn ông từ lâu đã thuộc về thành phố này. Tranh ông ít thấy người dẫu luôn tồn tại sự sống. Vậy mà mấy ngày tới là một triển lãm tranh chân dung. Rõ ràng là việc làm mới mình…
- Không có gì tự nhiên mà đến. Bất cứ người làm nghệ thuật nào cũng không bao giờ muốn lặp lại chính mình. Với tôi, luôn muốn đi đến tận cùng, luôn muốn cái mới. 1991, tôi tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên Hà Nội - 36 phố phường. 1997 vẫn Hà Nội nhưng là Hà Nội - Một ngày.
Cũng là phố Hà Nội nhưng nó phải luôn chảy, luôn tươi mới, rực rỡ ngay cả trong giây lát. Rồi sau đó, tôi vẫn vẽ phố nhưng thêm làng hoa. Năm 2014, tròn 60 tuổi, tôi tổ chức triển lãm cá nhân Phạm Luận - Nắng, vẫn là một Phạm Luận với những bức tranh phong cảnh nhưng đã vẽ đẩy sang cảnh sinh hoạt có con người trong lao động…
Triển lãm thành công, được công chúng đón nhận, có nhiều bài báo khiến tôi cảm động. Và tôi đã có một tuần đầy lưu luyến. Nhưng ngay từ khi đó, tôi đã ước ao đến 70 tuổi sẽ làm một triển lãm về chân dung.
Tôi không vẽ cấp tập, mà âm thầm, ấp ủ, thu thập dữ liệu, hình ảnh. Và mỗi ngày kho tư liệu đó cứ dày thêm lên. Tôi đã “đặt chỗ” với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam triển lãm “Phạm Luận - Chân dung” từ 2 năm trước rồi. Kể từ đó thì tôi bắt đầu vẽ một cách quyết liệt hơn (cười).
- Tôi hình dung ông có khoái cảm trong hành trình âm thầm đó. Đầu tiên là việc gây bất ngờ cho những “nhân sự” được ông âm thầm vẽ chân dung?
- Đúng đấy. Tôi đã vẽ những bức chân dung đầu tiên từ vài chục năm trước. Số lượng không ít đâu. Nhưng sau bước chuyển về tư duy nghệ thuật từ triển lãm Tích tắc Sài Gòn, tôi biết mình phải vẽ khác.
Gần 60 bức chân dung sẽ trưng bày ở triển lãm lần này, là hình ảnh người thân, bạn bè và tự họa của tôi. Họa sĩ Lê Thiết Cương đã nói hộ những suy nghĩ của tôi khi vẽ tranh chân dung.
Tranh chân dung phải giống mẫu nhưng không vì mải mê chạy theo mẫu mà quên “cách vẽ” của mình. Có nghĩa là dù vẽ ai thì người xem vẫn nhận ra cá tính của họa sĩ. Nói cách khác trong một bức tranh chân dung luôn có hai chân dung, chân dung người được vẽ và “chân dung” người vẽ. Giả sử một bức tranh chân dung mà chỉ giống mẫu thì đó mới đạt đến tranh truyền thần thôi, đâu phải là tranh.
Hầu hết bức tranh chân dung tôi đều vẽ trong sự bí mật với các người mẫu. Cảm thán của họ khi bất ngờ thấy mình trong tranh cũng là một hạnh phúc của tôi.
Cuộc triển lãm Phạm Luận - Chân dung cũng có thể là một cái cớ để người thân và bạn bè của tôi gặp nhau. Chỉ hơi buồn vì ông bà đại sứ Singapore Toh Hock Ghim và bà Judy Day - chủ gallery Lã Vọng ở Hồng Công, những người sưu tập tranh tôi bền bỉ và cũng đồng thời là những người bạn thân thiết của tôi ba, bốn chục năm nay đã không sang dự được như đã định vì lý do sức khỏe.
- Lặng lẽ và rực rỡ, có thể nói như thế về hành trình hơn 50 năm làm nghề của ông. Ông đã chọn và kiên định cuộc sống xa rời các đám đông, bảo toàn năng lượng để dồn tâm sức cho nghệ thuật. Đã kịp hưởng thành quả của cả một quá trình lao động cật lực và những bứt phá qua hàng chục năm đối diện cùng giá vẽ. Và hơn hết là vẫn giữ được lửa nghề ở tuổi 70. Ông còn tiếp tục tự thách thức trong hội họa nữa không?
- Tôi vẫn nói đùa với bạn bè, không đặt ra mục tiêu gì cho năm 80 tuổi nữa. Vì phiêu lưu. Thời gian sau đây dành để nhìn lại, nghỉ ngơi. Để vẽ những gì thích nhất. Vẽ như là một cái gì không thiếu được trong cuộc sống của mình rồi, không vẽ sẽ buồn.
Mấy ngày nay chuẩn bị cho triển lãm, chộn rộn, không tập trung vẽ được, tôi thường mở máy tính, xem lại hình ảnh những chuyến đi, bảo tàng đã xem, cảnh đã phác thảo… tìm ra những cái mà có thể sẽ khiến mình vẽ khác, trong tương lai. Tôi chưa hình dung hết sắp tới mình sẽ vẽ như thế nào nhưng tôi tin sẽ làm mọi người ngạc nhiên.