Tụng kinh, đốt trầm, chơi cổ ngoạn

TP - Ngô Mạnh Cường ra dáng một công chức mẫn cán về hưu hơn là người chơi đồ cổ nức tiếng. Ông bỏ hẳn xe máy, đi bộ, rồi đốt trầm, tụng kinh, ngắm cổ vật ở nhà.
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.

Gia đình ông ở Hà Nội đến nay đã 6 đời, trước là làng Yên Ninh nay đổi tên là phố Châu Long. Chơi đồ cổ là thú chơi được nhiều người Hà Nội xưa yêu thích. Thú chơi đồ cổ của gia đình bắt đầu từ ông nội, cứ thế, cha truyền con nối.

Họ sưu tầm được nhiều đồ cổ vào những năm bom đạn: “Khu nhà tôi hồi đó gần nhà máy nước, nhà máy điện, nên Mỹ ném bom bắn phá khu này rồi mới bắn sang cầu Long Biên, nhà ở phố này phải đi sơ tán. Có nhiều người bán đổ bán tháo đồ đạc, lúc đó người ta chỉ nghĩ đem bán đi để chạy lấy người, ai nghĩ đến đồ đạc, bàn ghế làm gì nữa. Gia đình tôi thấy xót nên bỏ tiền ra mua lại”.

Từ chiếc đĩa đến tình bạn

Mạnh Cường hãnh diện khi được mệnh danh “người lưu giữ những nét xưa của Hà Nội”. Người tặng cho ông danh hiệu đó không ai khác chính là Trần Đình Sơn, nhà cổ học nổi tiếng người Huế. Cuộc gặp như định mệnh cách đây trên ba chục năm tại Sài gòn đã gắn bó hai người với nhau.

Mạnh Cường kể: Năm 1975 Sài Gòn nhốn nháo, ở chợ Trời người ta bán tất cả những gì bán được để bỏ chạy. Những đống đồ quý giá được bày bán trên chõng tre, tiếc của, Trần Đình Sơn, vốn sinh ra trong gia đình có dòng dõi quý tộc ở Huế, đã lập ra nhóm chơi đồ cổ, ngày ngày họ ra đường “săn” đồ. Một thời gian sau, Ngô Mạnh Cường vào Sài Gòn, dạo qua những chõng bán đồ cổ, ông tìm được một chiếc đĩa rất đẹp, liền mua, không mặc cả.

Trần Đình Sơn hỏi người bán hàng về người khách đã “nẫng tay trên” của ông chiếc đĩa quý. Người bán hàng bảo: Đó là một người Bắc kỳ. Trần Đình Sơn ngạc nhiên, bởi ông thấy người Bắc vào đa phần mua ti vi, tủ lạnh, mấy ai quan tâm đến đồ cổ. Đằng này người khách kia lại còn sẵn sàng trả giá chiếc đĩa cao hơn ông. Trần Đình Sơn quyết tâm tìm gặp.

Ông mang một cái đĩa vỡ, giống hệt chiếc đĩa được Mạnh Cường mua, cử người đi bán. Đúng như tiên đoán, vài ngày sau người khách đặc biệt đã tìm đến chiếc đĩa vỡ của Trần Đình Sơn. Họ gặp nhau trò chuyện vui vẻ, thấy tâm đầu ý hợp, từ đó thành bạn bè.

Nhiều năm ròng cứ có cuốn sách mới xuất bản hay tờ báo tết có bài viết của mình, Trần Đình Sơn đều gửi ra tặng bạn vàng với lời trân trọng: “Tặng bạn Ngô Mạnh Cường, người lưu giữ những nét xưa của Hà Nội”.

Bộ bàn ghế 5 chân hội đủ ba điều kiện Cổ - Quý - Kỳ.

Tụng kinh, đốt trầm, ngắm đồ cổ

Cách chơi đồ cổ của Ngô Mạnh Cường tiêu biểu cho trường phái Cổ Đồ. Không khoe hết kho báu sưu tầm được nhưng ngắm căn phòng Mạnh Cường dành riêng cho việc trưng bày đồ cổ đủ thấy lí do vì sao dân chơi đồ cổ Hà thành “nể” ông. Hút mắt là bộ bàn ghế hội đủ ba điều kiện: “Cổ, Quý, Kỳ”, có 5 chân, từ xa nhìn lại giống hình cái trồng đồng. Mạnh Cường quả quyết: “Bây giờ không tìm nổi bộ bàn ghế thứ hai nào giống thế này đâu ”. Ông mua chúng từ một nhà văn Hà Nội sống ở phố cổ. Nhà văn già từng trăn trở và xót xa khi phải chia tay món đồ quý.

"Cách chơi đồ cổ của Ngô Mạnh Cường tiêu biểu cho trường phái Cổ Đồ. Không khoe hết kho báu sưu tầm được. nhưng ngắm căn phòng Mạnh Cường dành riêng cho việc trưng bày đồ cổ đủ thấy lí do vì sao dân chơi đồ cổ Hà thành “nể ” ông. 

Ông nói với Mạnh Cường: “Bán cho các hiệu đồ cổ thì quá dễ dàng và lời lãi nhưng bác không muốn. Bác bán cho cháu vì tin cháu là người còn giữ được bộ bàn ghế này, để khi nào nhớ bác còn có dịp quay lại nhìn ngắm, còn bán cho các hiệu đồ cổ sẽ đi ra nước ngoài, thế là hết”. Khi vật quý được đưa ra khỏi nhà, vợ của nhà văn đưa tay sờ lên mặt bàn mà nói trong nước mắt: “Con ơi, mẹ không nuôi nổi con rồi”.

Nghe nói, hiện giờ có người trả bộ bàn ghế với giá chiếc xe hơi sang trọng Mạnh Cường vẫn chưa bán. Rất ngại ngần khi nhắc đến giá trị tiền bạc của những món đồ cổ, ông bảo: “Bây giờ người ta chơi đồ cổ dễ dãi quá. Các đại gia bỏ tiền ra mua một vài thứ với mục đích về sau bán lấy lãi. Như thế không còn chất chơi”.

Ông tự nhận cách chơi đồ cổ của ông giữ được nếp chơi của người Hà Nội, chứ chẳng theo lối bảo tàng - đồ để trong tủ kính, bày theo hệ thống. Cách chơi ấy ở phía Bắc này chỉ còn sót lại vài người. Ngày xưa các cụ chơi tinh tế, nhỏ nhắn mà đặc sắc, không kém phần sang trọng, vương giả. Lối chơi kiểu lý trưởng, có tiền nhưng quê mùa bị xem thường. Trước đây người Tràng An không dùng từ “mua” khi nói đến sự trao đổi cổ ngoạn mà dùng từ “cưới”, “cưới” một món đồ cổ, cách dùng ấy đủ nói lên niềm đam mê mãnh liệt của những kẻ trót vướng thú chơi đậm chất cung vua phủ chúa này.

Một góc căn phòng đồ cổ của ông Ngô Mạnh Cường.

Mạnh Cường sưu tầm nhiều loại đồ cổ: đồ gỗ, đồ sứ, tranh, ngọc…

Dù không muốn trưng bày theo lối bảo tàng, cho vào tủ kính, nhưng với đồ ngọc, ông bắt buộc phải làm vậy, với lời phân trần: “Chỉ khi tham gia triển lãm hoặc tết tôi mới bày ra ngoài thôi. Sợ người ta xem rồi thấy đẹp quá lại sờ mó đánh vỡ. Ngày xưa người sang trọng bao giờ cũng lấy vàng bịt vào ấm chén để chơi, để nhắc nhở con cháu có thiếu tiền thì cậy vàng ra bán trước, giữ lại vật quý. Tôi vẫn chưa làm được điều ấy”. Hỏi về bộ bàn ghế năm chân, Mạnh Cường giải thích: “Quyết định cái đẹp trong việc trưng bày đồ cổ chính là đồ gỗ. Riêng đồ gỗ mà sắm đã đủ… chết người”.

Xưa các cụ chơi cổ ngoạn thường có dăm ba người hầu trong nhà, nay Mạnh Cường cũng dư sức thuê dăm ba người giúp việc, song ông lại muốn tự tay mình làm tất cả. Trong căn phòng trưng bày của Mạnh Cường có một bức tranh cổ của gia đình để lại. Để giữ được bức tranh cổ là cả thách thức. Ông không dám phơi nắng sợ giòn tranh, gẫy tranh, chờ ngày tạnh nắng, nhiều gió, mới mang ra phơi gió. Việc treo tranh cũng được chọn lựa kỹ càng, tránh chỗ ẩm, nếu ẩm sẽ mủn tranh.

Ông chăm chút vật quý của gia đình truyền lại như chăm chút đứa con thơ. Dù lo lắng việc bảo quản, ông vẫn không tính chuyện đóng cho nó cái khung kính, như đa phần người chơi đồ cổ khác vẫn làm. Lý do là làm như vậy xem tranh chẳng thấy tranh, là thất cách.

Ông Ngô Mạnh Cường.

Có nhiều lối bày đồ cổ, có khi bày theo kiểu cao- thấp, trên- dưới, cũng có khi theo mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa lạnh ưa vật có màu nóng, mùa nóng lại hợp những thứ sắc màu mát lạnh. Căn gác của ông treo những chiếc đèn lồng cổ. Vào những đêm đông, ông giữ thói quen bật đèn lồng, đốt lư hương, rủ vài người bạn đến trò chuyện.

Từ không gian của Mạnh Cường, có thể tìm thấy nhiều món đồ chỉ được nghe trong tích truyện: cát tường như ý, thiềm thừ, Đường trung quỳ chấn quỷ… Ông kể cho tôi một chuyện: “Có một người cũng mê đồ cổ, một lần ông ta bày quyển sách cho thiềm thừ ngồi trên, để nhớ trang. Tưởng thế là hay, nào ngờ có một “cao thủ” nhìn thấy đã phê: Chưa biết chơi, chữ thánh hiền ai để cóc nhái ngồi lên?!”.

Mỗi thứ trong căn phòng đều được sắp xếp có chủ ý: hoa cúc đi với lọ lam, nghiên bút đi với lư đốt trầm… Tết năm nào ông cũng chơi thủy tiên. Mùi hương cao sang của thủy tiên, phật thủ, hương trầm quyện lẫn khiến ông nao nao thèm tết.

Đã 20 năm nay Ngô Mạnh Cường từ bỏ xe gắn máy, ông thường đi bộ, ngày ngày tụng kinh, sống thong dong, yên ả. Sáng nào ông cũng dậy sớm đi bộ ven hồ Trúc Bạch, rồi nghỉ chân ở một quán cà phê nhỏ trước khi về nhà. Từ ban công nhìn ra ông có thể chiêm ngưỡng một góc hồ nên thơ chưa kịp khuất lấp bên những toà nhà chọc trời. 

Theo Báo giấy