Tục mua chỉ ngũ sắc, túi thơm gợi nhớ Tết Đoan Ngọ xưa ở thành Thăng Long

TPO - Không gian trưng bày Tết Đoan Ngọ xưa ở Hoàng thành Thăng Long thu hút du khách trong nước và quốc tế. Nhiều mô hình trưng bày gợi nhớ phố Thuốc Bắc và Hàng Mụn. Người dân Thăng Long xưa thường mua chỉ ngũ sắc, túi thơm và thảo dược trên hai con phố này vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ.

Nhằm bảo tồn, tôn vinh văn hóa dân tộc và phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, chương trình Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức.

Sáng 1/6, khu trưng bày các phong tục dân gian truyền thống mở cửa đón khách tham quan. Không gian trưng bày mở cửa miễn phí tại ngay phòng bán vé vào Hoàng thành, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Dịp Tết Đoan Ngọ, các gia đình ở miền Bắc thường bày mâm ngũ quả, cơm rượu nếp… thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và mong ước mùa màng bội thu. Sau lễ cúng, cả nhà quây quần thưởng thức để cầu mong mạnh khỏe, bình an.

Tết Đoan Ngọ là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm nên thường xảy ra nhiều bệnh dịch. Vì vậy, ông cha ta có nhiều phương cách trừ trùng, phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe. Từ đó, các tiệm thuốc y học cổ truyền dần xuất hiện.

Theo tục hái lá làm thuốc của người xưa, giờ Ngọ (11-13h) là thời khắc dương khí tốt nhất vì mặt trời tỏa ra ánh nắng nhiều nhất. Do đó, các loại lá hái và phơi trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Cũng chính vì thế, tục hái lá làm thảo dược trong ngày Tết Đoan Ngọ còn được gọi là ngày “y dược toàn dân”.

Triều đình đều tổ chức lễ ban quạt vào Tết Đoan Ngọ. Làng Đào Xá (nay thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên) được chọn là nơi làm ra những chiếc quạt quý để tiến cung với kỹ thuật tinh xảo, dành riêng cho vua, quan, quý tộc và thương nhân giàu có.

Theo quan niệm người xưa, túi thơm không chỉ có tác dụng khử ẩm quần áo mà còn giúp tinh thần thoải mái, chống côn trùng hiệu quả. Người Việt xưa thường may túi thơm bằng lụa ngũ sắc và dần trở thành một phong tục phổ biến trong dân gian.

Nhiều mô hình trưng bày gợi nhớ đến phố Thuốc Bắc và Hàng Mụn. Vào dịp Tết Đoan Ngọ, người dân Thăng Long xưa thường mua chỉ ngũ sắc, túi thơm và thảo dược trên hai con phố này.

Nhiều hoạt động văn hóa giải trí của người Thăng Long xưa được tái hiện sinh động, tạo nên không gian văn hóa cổ truyền ấn tượng.

Du khách nước ngoài khám phá văn hóa cổ truyền Việt Nam. Thông qua triển lãm, BTC mong muốn lưu giữ và quảng bá các giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, giới thiệu những nét độc đáo của Tết Đoan Ngọ xưa đến người dân và du khách.

Bên cạnh khu trưng bày, nhiều hoạt động trải nghiệm khác như tái hiện nghi lễ Tết Đoan Ngọ trong cung đình (cúng tế tổ tiên và ban quạt), thực hành phong tục dân gian "giết sâu bọ" và trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà cũng được tổ chức vào ngày 6/6, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.